Người Ai Cập - Quyền lực và Tình yêu: Tuổi thơ của một danh y Ai Cập

Quìn11/08/2023 09:00
Người Ai Cập - Quyền lực và Tình yêu: Tuổi thơ của một danh y Ai Cập

Người thầy thuốc chỉ sẵn sàng hành nghề khi họ khiêm nhường tự nhìn nhận với bản thân rằng mình thực sự chẳng biết gì

Senmut, người tôi gọi bố, là một lương y của người nghèo ở Thebes. Kipa, người tôi gọi mẹ, là vợ của ông. Hai người không có con. Tôi đến với họ khi họ đã bước sang tuổi xế chiều. Theo cách mộc mạc của mình, họ nói rằng tôi là món quà của thần linh và không đoán được điều bất hạnh mà món quà này mang đến cho mình. Mẹ Kipa của tôi lấy tên Sinuhe đặt cho tôi từ một câu chuyện kể vì bà thích chuyện cổ tích và theo cách hiểu của bà, tôi cũng thoát khỏi tai họa và đến với gia đình bà giống như nhân vật Sinuhe. Sinuhe trong câu chuyện tình cờ nghe được một bí mật khủng khiếp trong lều của pharaon và chạy trốn, rồi trải qua nhiều năm tháng, nhiều cuộc phiêu lưu ở những đất nước xa lạ.

Khi tròn bảy tuổi, tôi theo học chữ với một giáo sĩ già Oneh cách nhà vài con phố. Ông Oneh trước đây từng là kế toán trong kho của Nữ thần Mut tại thánh đường, vì vậy ông rất thích hợp với việc dạy cho trẻ con những bài học viết đầu tiên để sau này chúng có thể ghi lại trọng lượng hàng hóa, khối lượng ngũ cốc, số lượng gia súc hay các loại hóa đơn thực phẩm của binh lính. Có từ hàng chục đến hàng trăm lớp học nhỏ như vậy ở xung quanh Thebes, thành phố lớn của thế giới. Việc học không tốn kém mấy vì học sinh chỉ cần nuôi sống ông giáo già Oneh là đủ.

Tôi làm học trò thầy Oneh trong mấy năm. Bố tôi có mục đích rõ ràng khi gửi tôi đến đấy. Theo ông, không được bắt buộc ai làm một nghề mà người đó không muốn. Nếu tôi không có năng khiếu, ông sẽ không muốn buộc tôi phải theo nghề ký lục. Còn nếu tôi có ham muốn và nhiệt huyết, sau này thầy Oneh sẽ giới thiệu tôi vào trường học trong đền để từ đó tôi có thể có một nghề như bố tôi mong muốn. Tôi học viết cũng rất nhanh. Dần dần, tôi học đọc những gì người khác viết. Đến năm thứ ba, tôi có thể đánh vần được chữ trên các cuộn giấy cũ sờn và đọc chính tả những câu chuyện ngụ ngôn cho các bạn chép.

Sau đó, với sự giúp đỡ của một người bạn cũ của bố tôi là ông là Ptahor, khi đó đã là danh y khoan sọ hoàng gia, mà tôi được vào học ở Nhà Sống trong đại thánh đường của thần Amon. 

Trên danh nghĩa, việc giảng dạy trong Nhà Sống của đại thánh đường Amon do các danh y hoàng gia thuộc các chuyên ngành đảm nhiệm. Nhưng chúng tôi không mấy khi thấy họ, vì họ có rất nhiều bệnh nhân, được nhận nhiều món quà quý từ những bệnh nhân giàu có và sống trong những ngôi nhà rộng lớn ở ngoại ô thành phố. Nhưng trong những trường hợp bệnh nhân đến Nhà Sống với căn bệnh khó chữa khiến các thầy thuốc nội trú ở đây lúng túng hoặc không dám mạo hiểm chữa trị thì danh y hoàng gia thuộc chuyên ngành đó đến và truyền dạy những kỹ năng tốt nhất của mình cho các học trò. Như vậy, bệnh nhân nghèo nhất cũng có thể được danh y hoàng gia chữa trị vì danh tiếng của Amon.

Thông thường thì bệnh nhân vào Nhà Sống phải nộp quà tùy theo tài lực của họ, nhưng nếu bệnh nhân có giấy chứng nhận của các thầy thuốc thành phố xác nhận rằng lương y thường không thể chữa trị được cho họ thì ngay cả bệnh nhân nghèo nhất cũng được đưa thẳng đến Nhà Sống mà không phải nộp quà gì. Tất cả những điều này là rất tốt và đúng đắn nhưng dù như thế, tôi vẫn không muốn ốm khi là một người nghèo, vì sẽ bị thử nghề bởi những thầy thuốc còn non tay. Các y sinh được phép chữa trị cho bệnh nhân nghèo để học hỏi và họ không được phát thuốc giảm đau, phải chịu đựng kìm, dao và lửa mà không có thuốc gây mê. Vì thế những tiếng hét, gào và rên rỉ thường xuyên vang lên từ các sảnh ngoài của Nhà Sống, nơi những người nghèo được chữa trị.

Thời gian học và thực hành nghề y khá dài với ngay cả những y sinh có tài. Chúng tôi phải học kỹ cách dùng thuốc và nhận biết các loại dược liệu, thu hoạch cây thuốc đúng thời điểm, phơi khô và chế xuất thảo dược vì thầy thuốc phải biết tự bào chế thuốc khi cần thiết. Tôi và nhiều đồng môn khác bất bình về điều này, bởi chúng tôi coi đó là việc không hữu ích vì các y sinh trong Nhà Sống có thể chép đơn của tất cả các loại thuốc quen thuộc đã được pha trộn và cân đong. Nhưng dù sao, như tôi sẽ kể sau đây, việc học môn này đem lại cho tôi nhiều điều hữu ích.

Chúng tôi phải học tên các bộ phận cơ thể con người cũng như chức năng và vai trò của từng bộ phận. Chúng tôi còn học cả cách dùng dao và kìm nhổ răng, song trước tiên chúng tôi phải học dùng tay chẩn đoán bệnh cho bệnh nhân cả trong các ngóc ngách trên cơ thể, học chẩn đoán bệnh qua da và mắt của bệnh nhân. Chúng tôi phải giúp đàn bà sinh nở trong những ca mà bà đỡ không thể làm được. Chúng tôi phải biết kích thích cơn đau hoặc làm giảm cơn đau khi cần thiết. Chúng tôi học cách phân biệt những cơn đau nhẹ với những cơn đau nặng, cơn đau tinh thần với cơn đau thể xác. Chúng tôi phải sàng lọc sự thật từ lời nói dối của bệnh nhân và biết đặt ra những câu hỏi cần thiết, cặn kẽ từ đầu đến chân để có được một bức tranh chính xác về căn bệnh.

Vậy nên càng học được nhiều, tôi càng hiểu rõ rằng hiểu biết của mình còn quá ít. Có lẽ người thầy thuốc chỉ sẵn sàng hành nghề khi họ khiêm nhường tự nhìn nhận với bản thân rằng mình thực sự chẳng biết gì. Điều này dĩ nhiên không thích hợp để nói ra vì việc bệnh nhân tin tưởng thầy thuốc và khả năng chữa khỏi của người đó là quan trọng nhất. Đây là nền tảng của mọi phương pháp chữa trị mà người ta trông cậy vào. Vì vậy, người thầy thuốc không bao giờ được phép mắc sai lầm bởi vì nếu mắc phải sai lầm, người thầy thuốc đánh mất danh tiếng của chính mình và làm giảm thanh danh của các đồng nghiệp. Cho nên các gia đình khá giả sau khi nghe thầy thuốc đầu tiên chẩn đoán bệnh thường mời thêm hai hay có khi đến ba thầy thuốc khác để giúp chẩn đoán căn bệnh khó. Song nếu người đầu tiên chẩn đoán sai, các đồng nghiệp thà che giấu lỗi lầm của anh ta hơn là tiết lộ điều đó để cả ngành y không phải xấu hổ. Thế nên người ta hay nói thầy thuốc cùng nhau chôn bệnh nhân của mình.

Nhưng ngày đó tôi còn chưa biết tất cả những điều này mà chỉ vào học trong Nhà Sống với tất cả sự sùng kính và tôi tin rằng mình sẽ tìm được ở đó tất cả sự thông thái và thiện lương trên trần gian. Những tuần đầu tiên ở đây thật vất vả vì những học trò vào sau cùng phải phục vụ tất cả những người khác, và ngay cả kẻ phục dịch thấp hèn nhất cũng có thể ra lệnh và bắt anh làm việc. Điều trước tiên cần phải học là cách giữ vệ sinh, bởi không có bất cứ việc bẩn thỉu nào mà người ta không bắt anh làm đến mức anh phát ốm vì kinh tởm và cuối cùng trở nên chai sạn. Nhưng chẳng mấy chốc trong giấc mơ anh cũng biết dao mổ chỉ sạch khi được hơ trên lửa và quần áo chỉ sạch khi được nấu trong nước kiềm.

Dù sao tất cả những gì thuộc về nghề y đều được ghi trong các cuốn sách khác, nên tôi không viết thêm nữa. Tôi chỉ kể những điều thuộc về tôi, những điều tôi nhìn thấy và những điều người khác chưa viết.

Sau một thời gian dài thực tập và sau khi đã thanh tịch mình bằng các nghi lễ thánh, tôi được khoác lên mình chiếc áo choàng trắng và được vào phòng tiếp bệnh nhân, học nhổ răng từ miệng những người đàn ông cường tráng, băng bó chỗ đau, chọc các mụn nhọt và bó nẹp chân tay. Những việc này đối với tôi không có gì mới, tôi tiến bộ nhanh vì đã được bố tôi dạy từ trước, nên tôi trở thành người hướng dẫn và chỉ bảo các đồng môn.

Lược trích Người Ai Cập - Quyền lực và Tình yêu. 


Gửi bình luận
(0) Bình luận