Đại học Harvard đã thực hiện dự án nghiên cứu chuyên sâu về sự trưởng thành của con người: từ năm 1938, họ theo dõi và ghi lại cuộc đời của 724 người đàn ông từ tuổi thiếu niên đến tuổi già trong 75 năm và dự án này vẫn đang tiếp tục.
Diễn giả Robert Waldinger là người phụ trách dự án này. Ông chia sẻ những nghiên cứu và phát hiện trong 75 năm qua trên chương trình TED Talks: Chúng ta muốn cuộc đời như thế nào? Làm thế nào chúng ta có thể sống khỏe mạnh và hạnh phúc?
“Điều gì giúp chúng ta khỏe mạnh và hạnh phúc trong cuộc sống? Nếu bây giờ có thể đầu tư vào tương lai của mình, bạn sẽ đầu tư thời gian và sức lực vào đâu?”.
Ông Robert đã hỏi điều này và dẫn chứng một cuộc khảo sát gần đây đối với thế hệ thiên niên kỷ (Gen Y) về mục tiêu quan trọng nhất trong cuộc sống, hơn 80% trong số họ nói rằng mục tiêu lớn nhất trong cuộc đời là giàu có và 50% người cho rằng mục tiêu quan trọng khác là trở thành người nổi tiếng.
Chúng ta luôn được dạy phải nỗ lực hết mình để đạt được nhiều thứ hơn nữa, từ đó mới có thể sở hữu cuộc sống tốt đẹp. Con người chúng ta không thể biết được ngày mai sẽ ra sao, những gì có thể hình dung là hàng loạt sự kiện đã xảy ra trong quá khứ, đúc kết kinh nghiệm và tiến hành lựa chọn.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta có thể nhìn toàn bộ cuộc đời của một người từ tuổi thiếu niên cho đến những năm cuối đời và xem điều gì giúp họ hạnh phúc và khỏe mạnh?
Ông Robert đã trình bày dự án nghiên cứu của Đại học Harvard như sau:
“Trong số 724 người, 60 người vẫn còn sống và hầu hết trong số họ ở độ tuổi 90. Bây giờ chúng tôi đã bắt đầu nghiên cứu con cháu của họ, số lượng hơn 2.000 người.
Bắt đầu từ năm 1938, chúng tôi theo dõi cuộc sống của hai nhóm người. Nhóm người đầu tiên tham gia chương trình là sinh viên năm thứ hai tại Đại học Harvard. Họ tốt nghiệp đại học trong Thế chiến thứ hai và hầu hết đều tham gia chiến đấu trong quân đội.
Nhóm thứ hai là một nhóm các cậu bé đến từ các khu ổ chuột ở Boston, vì họ xuất thân từ những gia đình khó khăn nhất Boston vào những năm 1930.
Khi tham gia chương trình, các chàng trai trẻ đã được phỏng vấn và trải qua một cuộc kiểm tra sức khỏe. Chúng tôi đi từng nhà và thăm cha mẹ của họ. Những thanh niên này sau đó lớn lên và bước vào mọi tầng lớp xã hội. Người thì trở thành công nhân, luật sư, thợ nề, bác sĩ, người thì trở thành tổng thống Mỹ.
Một số người nghiện rượu, một số người bị tâm thần phân liệt. Một số người từ dưới đáy xã hội vươn lên giới thượng lưu, trong khi những người khác thì ngược lại, từ giàu sang rơi xuống đáy xã hội”.
Hai năm một lần, các nhà nghiên cứu kiên nhẫn gọi điện cho các đối tượng và hỏi họ xem họ có muốn thực hiện một bộ câu hỏi khác về cuộc sống không.
Mọi người từ khu ổ chuột Boston hỏi: "Tại sao các anh cứ cố gắng nghiên cứu về tôi? Cuộc sống của tôi thật nhàm chán". Nhưng không ai từ Harvard hỏi điều này cả.
Để hiểu rõ hơn về cuộc sống của những người này, các nhà nghiên cứu không chỉ gửi cho họ bảng câu hỏi, mà còn thực hiện những lần kiểm tra sức khỏe, trò chuyện với vợ/chồng và con cái của họ.
Và kết luận là gì? Không phải về sự giàu có, danh tiếng hay làm việc chăm chỉ. Từ 75 năm nghiên cứu, kết luận rõ ràng nhất mà các nhà nghiên cứu rút ra được là: Những mối quan hệ tốt đẹp giúp con người hạnh phúc và khỏe mạnh hơn.
Thứ nhất, kết nối xã hội mang lại lợi ích cho chúng ta, trong khi sự cô đơn có hại cho sức khỏe. Theo đó, người gần gũi với các thành viên trong gia đình hơn, giao lưu với bạn bè và hàng xóm nhiều hơn sẽ hạnh phúc hơn, khỏe mạnh hơn và sống lâu hơn những người ít hòa đồng và sống ẩn dật.
Cô đơn có hại cho sức khỏe của bạn. Những người bị "cô lập" có xu hướng kém hạnh phúc hơn những người không cô đơn, đến tuổi trung niên thì sức khỏe suy giảm nhanh hơn và tuổi thọ không cao.
Song ngay cả khi ở trong đám đông, đã kết hôn, bạn vẫn có thể cảm thấy cô đơn, vì vậy kết luận lớn thứ hai mà các nhà nghiên cứu nhận được là chất lượng của các mối quan hệ quan trọng hơn số lượng.
Ồn ào, cãi vã cả ngày có hại cho sức khỏe. Ví dụ, cãi vã suốt ngày và hôn nhân không có tình yêu có thể ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều hơn là ly hôn. Một mối quan hệ hài hòa rất có lợi cho sức khỏe của chúng ta.
Khi các đối tượng được nghiên cứu bước sang tuổi 80, kết quả cho thấy mức độ cholesterol ở tuổi trung niên không quyết định việc họ sẽ già đi như thế nào, mà là mức độ hài lòng của họ với cuộc sống hôn nhân.
Những người hài lòng nhất ở tuổi 50 cũng là người khỏe mạnh nhất ở tuổi 80. Ngoài ra, một mối quan hệ hôn nhân tốt đẹp và gần gũi có thể làm chậm quá trình lão hóa. Những người không hạnh phúc trong hôn nhân sẽ cảm thấy khó chịu hơn về thể chất, bởi vì những cảm xúc tồi tệ làm tăng thêm nỗi đau thể xác.
Bài học lớn thứ ba được rút ra là: một cuộc hôn nhân hạnh phúc không chỉ bảo vệ cơ thể mà còn bảo vệ bộ não của chúng ta.
Nhưng tại sao không phải lúc nào chúng ta cũng làm được? Bởi vì chúng ta là con người. Chúng ta luôn thích tìm đường tắt, luôn muốn tìm cách giải quyết dứt điểm mọi vấn đề.
Các mối quan hệ giữa các cá nhân rất rắc rối và phức tạp, và việc hòa thuận với gia đình và bạn bè đòi hỏi sự đầu tư cả đời.
Còn bạn thì sao?
Đơn giản nhất, hãy ngừng trò chuyện với màn hình và chủ động nói chuyện với mọi người, hoặc cùng nhau thử điều gì đó mới mẻ, hàn gắn lại mối quan hệ, cùng nhau đi dạo, hẹn hò vào buổi tối hoặc gọi điện cho một người họ hàng mà bạn đã không gặp trong nhiều năm.
Thời gian trôi nhanh, đời người ngắn ngủi, đừng lãng phí thời gian cho những cãi vã, buồn bã và trách móc. Hãy dành thời gian để yêu thương. Cuộc sống tốt đẹp được xây dựng bằng những mối quan hệ hòa hợp.