Hạnh phúc tại tâm kỳ 2: Hạnh phúc là gì?

17/09/2018 10:54
Hạnh phúc tại tâm kỳ 2: Hạnh phúc là gì?

Hạnh phúc không có nghĩa là thành công, cũng không phải sống trong hy vọng, hay cố gắng có được tiền bạc, quyền lợi, danh tiếng. Hạnh phúc là khi ta làm một điều gì đó bằng ý thức, chứ không phải bằng ý chí.

Hạnh phúc ở chính chúng ta

Hạnh phúc là gì? Nó tùy thuộc vào bạn, vào trạng thái ý thức hay vô thức của bạn, vào việc bạn còn say ngủ hay tỉnh thức. Murphy có một quan niệm nổi tiếng như sau: Trên đời có hai kiểu người: kiểu thứ nhất thường cho rằng bản chất con người có thể phân chia ra được, và số còn lại thì không bao giờ phân chia như vậy. Tôi thuộc loại người thứ nhất, vì tôi tin bản chất con người có thể được chia làm hai loại, một là mê mờ, hai là thức tỉnh – và đương nhiên là có một nhóm người rất nhỏ nằm giữa họ.

Hạnh phúc lệ thuộc vào việc ý thức của bạn có mặt đúng chỗ hay không. Nhiều người nghĩ rằng sự thư thái mà giấc ngủ mang lại là hạnh phúc. Niềm thư thái đó là cảm giác cố đạt tới một cái gì đó thông qua cơ thể, một cảm giác mà trong lúc thức ta không thể đạt được. Con người vẫn cố gắng bằng mọi cách để đạt tới hạnh phúc thông qua cơ thể của mình.

Nhưng điều này là không đúng. Thân xác chúng ta có thể mang lại chút thoải mái nhất thời, nhưng mỗi một khoảnh khắc thư thái đó lại tương ứng với một nỗi đau. Mỗi cảm giác thư thái sẽ đi kèm với cảm giác khó chịu, bởi cơ thể con người luôn tồn tại như một thế giới hai mặt. Nối với ngày là đêm, nối với cái chết là sự sống, nối với sự sống là cái chết. Đó là một vòng tròn khắc nghiệt. Sau niềm vui sẽ là nỗi đau. Và sau muộn phiền sẽ là vui sướng. Chúng ta chẳng bao giờ thư thả nổi. Khi đang an lành, chúng ta lại âm thầm lo sợ niềm vui ngắn ngủi sẽ tan mất, và rồi nỗi sợ hãi của chúng ta sẽ tàn phá khoảnh khắc vui sướng quý giá đó. Khi bị nhấn chìm trong đau khổ, chúng ta cay đắng và cố gắng thoát khỏi tình trạng của mình bằng cách hướng tới những điều tốt đẹp.

Đức Phật gọi điều này là bánh xe sinh tử. Chúng ta chuyển động theo bánh xe, bị vướng vào vòng quay của nó… Và bánh xe ấy cứ lăn đi mãi. Đôi khi ta cảm thấy hài lòng, có lúc lại thấy khổ sở; ta bị nghiền nát triền miên giữa hai trạng thái nghiệt ngã này.

Trong tình cảnh như vậy, một người mê mờ sẽ không nhận biết được gì nữa. Anh ta chỉ nhận ra một vài cảm giác của cơ thể – ăn uống, ân ái; đó là toàn bộ thế giới của anh ta. Anh ta mãi trôi lăn trong vòng quay sinh tử. Anh ta chỉ quan tâm đến hai mục đích đầy bản năng. Nếu kiềm chế nhục dục, anh ta chỉ còn biết ăn. Nếu kiềm chế việc ăn uống, anh ta lại lăn vào đời sống tình dục. Năng lượng của anh ta chuyển động như con lắc giữa hai nhu cầu này. Cái mà chúng ta thường gọi là sự hài lòng chỉ đơn giản là làm giảm bớt tình trạng căng thẳng đó.

Năng lượng tình dục tích lũy ngày càng nhiều khiến chúng ta càng trở nên căng thẳng và nặng nề. Cuối cùng, chỉ còn cách phải giải phóng nó. Đối với những người đang mê mờ, tình dục có ý nghĩa giải phóng, giống như một cơn hắt hơi. Khi ta giải phóng nó, sự căng thẳng không còn hiện diện ngay lúc này, nhưng nó vẫn còn nằm ẩn đâu đó và sẽ tích lũy trở lại. Thức ăn chỉ mang lại cho chúng ta một chút vị mặn đầu lưỡi, nó không đủ cho chúng ta duy trì cuộc sống. Vậy mà rất nhiều người đã sống chỉ vì ăn, và chỉ một số ít người biết rằng mình ăn để sống.

Suốt những ngày đầu, để tìm kiếm một khoảng thời gian vui sướng mỹ mãn, người thanh niên đã mời cô gái chơi bowling. Cô gái tỏ vẻ không thích. Anh chàng lại tìm cách mời cô xem phim, nhưng cô gái cũng chẳng màng đến phim ảnh. Loay hoay mãi, người thanh niên rút điếu thuốc mời cô gái nhưng cô vẫn từ chối. Rồi anh hỏi cô có thích nhảy và uống một chút gì đó không, cô gái vẫn một mực không nhận lời với lý do đơn giản là cô không quan tâm đến những thứ ấy.

Tuyệt vọng, anh mời cô đến ngủ với anh. Điều lạ lùng đã xảy ra. Cô gái vui vẻ gật đầu, hôn anh say đắm và nói: “Anh thấy không, chơi bowling, xem phim, uống rượu đâu phải là cái anh muốn, đâu phải để anh có một khoảng thời gian vui sướng mỹ mãn đâu!”.

Cái mà chúng ta gọi là “hạnh phúc” hoàn toàn tùy thuộc vào mỗi con người. Đối với người mê mờ, cảm giác thư giãn là hạnh phúc. Người mê mờ sống với mọi cảm giác thư giãn, buông xả. Anh ta cứ lăn mãi từ cảm giác này đến cảm giác khác. Anh ta sống vì những cơn rung động nhỏ – một cuộc sống rất nông cạn, không có chiều sâu, gần như vô tri vô giác, và cũng chẳng hứa hẹn ý nghĩa nào tốt đẹp lớn lao.

Nhiều người trong chúng ta lại nằm giữa hai kiểu người mê mờ và tỉnh thức, không mê mờ mà cũng chẳng tỉnh thức. Họ sống trong tâm trạng lơ đãng, một chút mịt mờ, một chút tỉnh táo. Chúng ta thường trải nghiệm điều này vào mỗi buổi sáng ngái ngủ, tai ta vẫn nghe được âm thanh xung quanh, kể cả tiếng người thân lách cách pha trà, tiếng reo của ấm đun nước hay tiếng trẻ con chuẩn bị đến trường. Ta nghe được mọi thứ, nhưng vẫn không tỉnh được. Lơ mơ, lãng đãng, những âm thanh xô bồ dẫn dắt chúng ta đi, như thể có một khoảng cách khổng lồ giữa bản thân ta và mọi thứ đang xảy ra quanh ta. Tất cả mờ ảo như một phần của giấc mơ. Tất nhiên những gì đang xảy ra không thuộc về giấc mơ, chỉ có chúng ta lại đang trôi giữa hai thế giới thực – ảo mà không biết.

Điều tương tự như vậy xảy ra khi bạn bắt đầu thiền định. Một người không thiền định sẽ dễ bị mê mờ. Còn một người thiền định, luôn muốn rời xa sự mê mờ để hướng tới sự thức tỉnh, dù chỉ trong một trạng thái yên bình ngắn ngủi. Hạnh phúc không phải chỉ là sự gom nhặt niềm hoan lạc phù du trong từng thoáng chốc: Hạnh phúc phải có ý nghĩa hơn là sự cộng gộp thời khắc bình yên, phải mang tính tâm lý nhiều hơn là sinh lý. Một người biết thiền định sẽ cảm thụ thơ ca và âm nhạc tốt hơn, yêu thích sự sáng tạo hơn. Họ thích khám phá thiên nhiên và vẻ đẹp muôn thuở của nó. Họ chuộng sự yên tĩnh và biết tận hưởng nhiều thứ mà trước đó họ chưa bao giờ biết tới, và những điều này sống trong họ lâu dài hơn. Kể cả khi tiếng nhạc đã tắt, âm thanh vẫn còn vang vọng trong họ.

Hạnh phúc không đơn giản chỉ là sự giảm bớt năng lượng căng thẳng của con người. Sự khác biệt giữa cảm giác thư thái và ý nghĩa thực sự của hạnh phúc không nằm ở chỗ tiết giảm, mà ngược lại, ở trong sự đủ đầy. Một khi trở nên giàu có về tinh thần, chúng ta sẽ sống tràn trề từng phút. Khi lắng nghe một bản nhạc du dương, có một cái gì đó bừng dậy trong đời sống của chúng ta, sự hài hòa bắt đầu hiển hiện khiến ta như chìm lẫn vào trong tiếng đàn. Khi nhảy múa, chúng ta bỗng quên mất cơ thể mình, mỗi bước đi bỗng nhẹ như hư không. Sự đè nén về trọng lượng bị mất đi. Trong điệu múa ấy, chúng ta như bất ngờ lạc vào một không gian khác lạ: cái tôi không còn nặng nề nữa, ta như tan ra và hòa vào điệu múa.

Những trải nghiệm như vậy cao hơn, sâu sắc hơn rất nhiều so với những khoái cảm chúng ta có được nhờ vào các sinh hoạt đời thường như ăn uống và ân ái. Nhưng điều ấy cũng chưa phải là cái đích cuối cùng. Sự thật lớn lao nhất chỉ xảy ra khi chúng ta thức tỉnh viên mãn, khi chúng ta trở thành một “vị Phật” (người tỉnh thức), khi chúng ta lìa xa mọi điên đảo mộng tưởng – thời điểm mà toàn bộ cuộc sống chúng ta ngập tràn ánh sáng, thời điểm mà bóng tối vĩnh viễn mất đi trong sâu thẳm tâm hồn chúng ta. Bóng tối mờ mịt biến mất cũng là lúc cái tôi ngạo mạn của chúng ta cũng tan biến. Mọi ham muốn căng thẳng, âu lo hay tức giận đều không còn nữa. Ta ở trong một trạng thái mãn nguyện hài hòa. Ta an trú trong hiện tại, không băn khoăn về quá khứ hay tương lai. Ta có mặt ở đây, ngay lúc này.

Hiện tại là tất cả. Lúc này là thời gian duy nhất và ở đây là không gian duy nhất. Toàn thể vũ trụ an trú trong ta. Đó là niềm an lạc. Đó là hạnh phúc đích thực của con người.

Tìm kiếm sự an lạc trong tâm hồn là quyền năng lớn nhất của mỗi chúng ta. Đừng mê mờ trong mớ hỗn mang những khoái cảm thường ngày, hãy bước chân vào cuộc hành trình tìm kiếm sự an lạc từng chút một mỗi ngày. Cố vươn tới hạnh phúc, và cuối cùng là đạt tới niềm an lạc viên mãn. Khoái cảm thuộc về phần “con” trong mỗi “con người”. Hạnh phúc mới là đặc ân của con người. Hạnh phúc thuộc về con người, niềm an lạc mới là thần thánh. Khoái cảm trói buộc bạn, bạn sẽ trở thành nô bộc của nó, tự cột chặt mình vào dây trói của nó. Hạnh phúc mang đến cho bạn một chút xích xiềng, một chút tự do, nhưng chỉ là một chút. Còn niềm an lạc là tự do vĩnh hằng. Hãy hướng lên cao, bạn sẽ được chắp cánh. Bạn sẽ không còn thuộc về mặt đất đọa đày này, bạn trở thành một phần của trời xanh. Bạn trở thành ánh sáng, trở thành niềm vui.

Khoái cảm bao giờ cũng khiến bạn lệ thuộc vào người khác. Hạnh phúc giúp bạn có được một chút tự chủ nhưng không hoàn toàn. Chỉ có niềm an lạc mới là tự do, nó không chia cắt bất cứ điều gì, không chia cắt ai; đó là đời sống duy nhất của bạn, là bản chất sâu xa nhất của bạn.

Từ bề mặt đến trung tâm

Đức Thích Ca Mâu Ni nói:

Có khoái lạc và có an lạc

Hãy từ bỏ cái đầu tiên để đạt tới cái thứ hai.

Chúng ta cần hiểu biết và suy nghĩ về bốn từ này: một là khoái lạc, hai là hạnh phúc, ba là niềm vui và bốn là an lạc.

Khoái lạc thuộc về tâm sinh lý. Khoái lạc là một cái gì đó hời hợt nhất của đời sống con người; nó chỉ là một sự kích thích. Đó có thể là tình dục hay những cảm giác khác; nó có thể là nỗi ám ảnh về thức ăn, tất nhiên ngoại trừ nhu cầu tối thiểu cho cơ thể được duy trì. Cơ thể là bề ngoài của bạn, là cái viền quanh đời sống con người. Nó không phải là trung tâm. Sống trong chu vi cơ thể mình nghĩa là phó mặc cho tất cả mọi thứ đang xảy ra xung quanh bạn. Con người tìm kiếm khoái cảm nhưng lại phó mặc đời mình cho tai họa; giống như những đợt sóng ở đại dương suốt đời nhấp nhô theo gió. Khi biển nổi cuồng phong, những con sóng cũng dâng cao. Khi gió biến mất, những con sóng cũng tan đi. Những con sóng không bao giờ tồn tại độc lập, nó bị lệ thuộc mãi mãi; và bất kỳ ai lệ thuộc vào một cái gì đó ngoài bản thân mình cũng tất yếu đi đến cuộc sống nô lệ.

Khoái cảm là lệ thuộc vào một cái gì đó ngoài bản thân mình. Khi ta yêu một người phụ nữ, và nếu điều ấy mang đến cho ta lạc thú, thì người phụ nữ ta yêu chính là bà chủ của ta. Khi ta yêu một người đàn ông – nếu tình yêu ấy khiến ta vui thú và khi không còn yêu nữa, ta cảm thấy đau đớn – thì ta đã tạo ra một kẻ nô lệ trong ta. Ta đã tạo ra một tù nhân, và ta không còn tự do nữa. Nếu ta tìm kiếm tiền bạc và quyền lực, ta sẽ bị lệ thuộc vào tiền bạc và quyền lực. Với một người say mê tiền bạc, sự thật là càng nhiều tiền, càng thích thú, anh ta lại càng đau khổ – vì anh ta càng có nhiều tiền bao nhiêu, anh ta càng ham muốn có hơn thế; càng có nhiều tiền bao nhiêu, anh ta càng lo sợ mất nó bấy nhiêu.

Đó là con dao hai lưỡi: Ước muốn có nhiều hơn là lưỡi thứ nhất của con dao. Càng đặt ra nhiều tiêu chuẩn, càng hy vọng mong chờ, ta càng tự cảm thấy thiếu thốn một cái gì đó – ta càng cảm thấy trống rỗng, vô vị hơn, và ta hiện ra với chính mình bằng tất cả sự thiếu thốn ấy. Chiếc lưỡi thứ hai của con dao là: Khi ta càng đạt được nhiều thứ hơn, ta càng lo sợ mất nó hơn. Người khác có thể đánh cắp của ta. Một ngân hàng có thể bị tiêu tan khi một thể chế chính trị thay đổi…, có một ngàn lẻ một thứ làm xáo trộn những đồng tiền của ta. Những đồng tiền ấy không làm ta trở thành chủ nhân, mà ngược lại, khiến ta trở thành nô lệ.

Khoái cảm là ngoại biên; vậy nên nó bị giới hạn trong vòng chu vi nhỏ bé ấy. Nó hoàn toàn chỉ là sự kích động. Nếu thức ăn là khoái cảm thì điều gì thực sự là niềm vui cho ta? Chỉ là mùi vị – trong chốc lát, khi thức ăn để lại ít mùi vị tan ra trên đầu lưỡi, ta có cảm giác ta đang hình dung nó như một thú vui. Đó là cách giải thích của chúng ta. Lúc này nó có thể được xem là thú vui và ngày mai, nó không còn là thú vui nữa nếu chúng ta cứ ăn mãi một món hết ngày này sang ngày khác, mùi vị sẽ trở nên bão hòa. Rồi sớm muộn chúng ta cũng chán ngấy nó.

Điều này cho thấy vì sao con người trở nên chán nản – bạn đang chạy theo một người đàn ông hay một cô gái, rồi một ngày kia, bạn lại cố tìm cách chối bỏ những gì mình theo đuổi. Bạn đã chán ghét con người mà bạn từng yêu mến. Điều gì đã xảy ra vậy? Đơn giản vì toàn bộ niềm vui thú của bạn nằm ở sự khám phá những điều mới mẻ. Sau một thời gian gắn bó, bạn cảm thấy những người mình quý mến trở nên cũ kỹ, bạn đã quá quen thuộc với mảnh đất ấy. Bạn muốn làm quen với những người bạn mới, muốn khám phá bí mật của những đường cong, những cảm giác mới về thân xác. Tâm trí bạn khao khát một cái gì thật mới mẻ. Tâm lý ấy giải thích vì sao bạn cứ mong tưởng gắn kết với một cái gì đó trong tương lai. Bạn sống trong hy vọng, nhưng không bao giờ đạt tới cái hoàn thiện – bạn không thể đạt tới. Bạn chỉ có thể tạo ra niềm hy vọng mới, khao khát mới mà thôi

Như chiếc lá lớn lên trên cây, khát khao và hy vọng lớn lên trong tâm trí. Bạn muốn một ngôi nhà mới và giờ đây bạn có nó. – Vậy, niềm vui sướng ở đâu? Chỉ là một khoảnh khắc khi bạn đạt tới mục đích của mình. Khi bạn đạt được những gì từng mong đợi, tâm trí bạn không còn quan tâm đến những mong đợi ấy nữa, nó lại bắt đầu xoay tròn trong tấm lưới kỳ vọng. Nó nghĩ về một ngôi nhà lớn hơn. Và bạn cứ mơ mộng như vậy với tất cả mọi thứ.

Khoái lạc khiến bạn rơi vào trạng thái rối loạn, căng thẳng, náo động. Quá nhiều khát vọng, và khát vọng nào cũng kêu gào, không thể dập tắt. Bạn sẽ hóa thành nạn nhân của một mớ những khát khao điên cuồng – gọi là điên cuồng vì chúng không bao giờ được thỏa mãn; chúng xô đẩy đời bạn vào những nẻo đường khác lạ. Bạn trở thành một khối mâu thuẫn. Khát khao này muốn bạn đi về hướng bên trái, nhưng một mong ước khác lại kéo bạn đi về phía bên phải, và bạn cùng lúc bồi đắp cả hai niềm khát khao ấy. Rồi bạn cảm thấy mình bị tách ra, bị chia đôi, bị xé ra làm nhiều phần. Rồi bạn cảm thấy như thể mình bị biến thành từng mảnh vụn. Bạn không được ai hỗ trợ và chính sự si dại của khoái lạc đầy vọng tưởng đã tạo ra tình huống oái oăm đó.

Thật là phức tạp. Bạn không phải là người duy nhất muốn tìm kiếm những niềm vui phù du; hàng tỉ người cũng đang cố chạy theo những khoái lạc giống như bạn. Vì vậy, thế giới mới có xung đột, bạo lực và chiến tranh. Con người trở thành kẻ thù của nhau vì tất cả đều lên đường tìm kiếm một mục đích chung – và không phải tất cả đều đạt được. Mọi người đều chiến đấu, bạn sẽ phải đối đầu với tất cả – vì một thứ không có thật, bởi khi bạn đạt được mục đích, bạn sẽ thấy thật ra mình chẳng đạt được gì cả. Cuộc đời chúng ta bị hoài phí cho cuộc đấu tranh đó. Cuộc đời – mà lẽ ra phải là một lễ hội của con người – lại trở thành một cuộc chiến vô bổ, kéo dài bất tận.

Khi bạn bị vây kín trong việc tìm kiếm những lạc thú xa vời, bạn không thể yêu, bởi lẽ khi bạn muốn tìm đến niềm vui nhất thời thì người khác chỉ là một phương tiện mà thôi. Xem người khác như một phương tiện là một trong những hành động vô đạo đức nhất. Mỗi sinh thể là một mục đích cho chính nó. Khi dùng người khác làm phương tiện để đạt tới mục đích của mình, bạn dễ trở nên xảo quyệt. Trong một cuộc chiến, nếu bạn không gian xảo, bạn sẽ bị lừa gạt. Trước khi để người khác gài bẫy, bạn phải lừa họ trước.

Machiavelli (2) từng nói: cách tốt nhất để phòng thủ là tấn công. Đừng bao giờ chờ người khác tấn công mới tìm cách đánh trả, bởi vì đến lúc ấy đã quá muộn. Hãy tấn công kẻ thù trước khi họ kịp ra đòn. Đó là cách tốt nhất để bảo vệ mình.

Cuộc sống diễn ra như thế, cho dù người ta có biết Machiavelli hay không. Có một điều thật kỳ lạ: người ta biết về Chúa Ki-tô, Đức Phật, đấng Mohammed, về Krishna nhưng người ta không theo các đấng ấy. Người ta không biết nhiều về Machiavelli, nhưng phần đông thế gian lại sống theo phương châm của ông – như thể Machiavelli ở trong trái tim của họ vậy. Bạn không cần đọc Machiavelli vì trên thực tế, có thể bạn đã là môn đệ của ông ấy từ lâu rồi. Toàn bộ xã hội con người dựa vào nguyên tắc của Machiavelli, trò chơi chính trị cũng giống như thế. Trước khi bị người khác giật lấy những gì quý giá, ta phải tranh lấy phần của họ trước, và luôn luôn phải ở trong tư thế canh chừng. Một cách tự nhiên, nếu thường xuyên đặt mình trong tâm thế cảnh giác, bạn sẽ sống trong hồi hộp, lo âu triền miên. Mọi người đều chống lại bạn và bạn cũng chống lại tất cả mọi người.

Khoái lạc không phải và không thể là mục đích của cuộc sống.

Từ thứ hai mà chúng ta cần quan tâm là hạnh phúc (theo nghĩa là hạnh phúc tạm thời). Khoái lạc thiên về sinh lý, còn hạnh phúc mang tính tâm lý. Hạnh phúc là khi bạn cảm nhận một cái gì đó tốt lành hơn thực tại một chút, tinh tế hơn, cao đẹp hơn…, nhưng nó không khác khoái lạc là bao. Chúng ta có thể nói rằng khoái lạc là một mức độ hạnh phúc, và hạnh phúc là đỉnh cao của khoái lạc. Khoái lạc gần với bản năng hoang sơ của con người, còn hạnh phúc có tầm văn hóa hơn, mang tính người hơn, nhưng không phải lúc nào người ta cũng cảm nhận hạnh phúc giống nhau. Con người đều chịu sự quy định của các chức năng sinh lý, song chính những nhu cầu tâm lý mới đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, về cơ bản, đối với con người, vai trò của hai yếu tố này không khác nhau là mấy.

Khái niệm thứ ba là niềm vui. Niềm vui là trạng thái thuộc về tinh thần. Nó hoàn toàn khác với khoái lạc hay hạnh phúc ngắn ngủi. Niềm vui có ở trong ta, không phải đến từ bên ngoài hay người khác. Nó là của riêng ta. Nó không xuất hiện vì bị kích động. Niềm vui thuộc về thế giới bình an và tĩnh lặng – một trạng thái thiền định.Niềm vui ở trong tâm linh chúng ta.

Nhưng Đức Phật cũng không nói về niềm vui, bởi lẽ vẫn còn một cái gì đó vượt lên trên cả niềm vui. Đức Phật gọi đó là an lạc. An lạc là tối thượng. Nó không phải trạng thái sinh lý, tâm lý hay tinh thần. Nó không thể bị chia cắt, nó không có hình tướng. Một mặt, nó là có thật, mặt khác nó lại trừu tượng. Đức Phật chỉ dùng hai từ để nói về các trạng thái này. Từ thứ nhất là khoái lạc, bao gồm cả hạnh phúc. Từ thứ hai là an lạc, bao gồm cả niềm vui.

Cảm giác an lạc chỉ đến khi bạn đạt tới điểm sâu nhất của đời sống. Nó thuộc về chiều sâu vô biên của tâm hồn, khi mà cái tôi vĩnh viễn không còn nữa mà chỉ có sự tịch lặng mênh mông, như thể bạn biến mất hoàn toàn. Trong niềm vui, bạn vẫn cảm nhận sự tồn tại của mình. Nhưng với sự an lạc, bạn không có ở đó. Bản ngã đã tan biến trong một trạng thái gần như phi tồn tại.

Đức Phật gọi đó là “Niết Bàn”. Chấm dứt tồn tại chính là Niết Bàn; khi ấy, bạn hoàn toàn trống rỗng tựa như bầu trời. Ngay tại khoảnh khắc bạn đạt tới trạng thái vô tận đó, tâm hồn bạn tràn ngập ánh sáng của các vì sao; cuộc sống trở nên mới mẻ tuyệt vời. Bạn đã được sinh ra một lần nữa.

Khoái lạc rất ngắn ngủi, nó thuộc về thời gian, nó chỉ là “một khoảnh khắc sống”. An lạc mới là phi thời gian, nó là vô tận. Khoái lạc có bắt đầu và có kết thúc. Nhưng an lạc là vĩnh cửu. Khoái lạc đến rồi đi; an lạc đến mãi mãi, và cũng ra đi mãi mãi – nó là cái gì đó tồn tại từ rất lâu bên trong tâm hồn ta. Khoái lạc của bạn có thể bị người khác lấy đi mất; khi đó bạn trở nên giống như một kẻ cắp hay người ăn xin lúc nào cũng thèm muốn lạc thú. An lạc biến bạn thành người chủ của tâm hồn mình, cuộc đời mình.

Không phải chúng ta sáng tạo ra niềm an lạc, mà chính là chúng ta khám phá lại nó. An lạc là bản chất thẳm sâu của mỗi con người. Nó có thể đã từng nằm yên trong tâm hồn ta từ thuở sơ sinh, chỉ có điều ta không nhìn thấy nó mà thôi. Ta đã không nhìn vào bên trong nội tâm mình.

Nỗi đau khổ duy nhất của con người là mãi nhìn ra ngoài, mong đợi và kiếm tìm. Làm sao ta có thể tìm được cái gì đó bên ngoài, bởi đơn giản là nó không có ở đó.

Một chiều nọ, Rabiya – nhà thần bí thuộc giáo phái Sufi(3) nổi tiếng – đang tìm một cái gì đó trên con đường phía trước túp lều nhỏ của bà.

Mặt trời đang chầm chậm di chuyển xuống phía sau đường chân trời. Bóng tối mỗi lúc thêm dày đặc. Một vài người tụ tập gần đó. Họ hỏi bà: “Bà đang tìm gì vậy? Bà đánh rơi vật gì à?”.

Bà trả lời: “Tôi đánh mất cây kim”.

Một trong số họ nói tiếp: “Bây giờ mặt trời đang xuống, tìm một cây kim rất khó. Chúng tôi sẽ giúp bà. Chính xác là cây kim bị rơi ở chỗ nào? Con đường thì lớn mà cây kim rất nhỏ. Nếu biết chính xác nó rơi ở đâu, chúng tôi sẽ tìm rất nhanh”.

Rabiya nói: “Tốt hơn hết là các bạn đừng hỏi tôi câu đó, vì cây kim bị rơi trong nhà chứ không phải rơi ngoài đường”.

Mọi người bắt đầu cười phá lên. Họ nói với bà: “Tôi quả quyết rằng bà không bình thường! Nếu cây kim rơi trong nhà, sao bà lại có thể tìm nó ở ngoài đường chứ?”.

Rabiya trả lời: “Chỉ là logic thôi, rất đơn giản: trong nhà không có ánh sáng, trong khi bên ngoài thì vẫn còn trông thấy được chút ít”.

Mọi người lại cười và bắt đầu giải tán. Rabiya gọi họ lại và nói: “Các bạn hãy nghe đây! Chuyện tìm cây kim của tôi cũng chính là những gì mà các bạn đang làm; tôi chỉ đưa ra một ví dụ vậy thôi. Các bạn tìm kiếm niềm vui bình an ở thế giới bên ngoài mà không đặt câu hỏi quan trọng và đầu tiên là: Bạn đã đánh mất nó ở đâu? Tôi nói rằng các bạn đã đánh mất nó từ bên trong. Các bạn cố gắng tìm kiếm nó ở bên ngoài vì theo suy luận thông thường là mọi cảm giác của bạn đều hướng ra bên ngoài chỉ vì nơi đó vẫn còn ánh sáng. Đôi mắt của bạn nhìn ra bên ngoài, đôi tai của bạn nghe ngóng âm thanh bên ngoài, bàn tay của bạn nắm lấy những cái ngoài bản thân bạn; đó là lý do tại sao bạn cứ vướng phải những cái nằm ngoài nội tâm mình. Ngược lại, bằng những trải nghiệm cá nhân, tôi nói thật, bạn có đánh mất cái gì ở bên ngoài mình đâu? Tôi cũng từng tìm kiếm mọi thứ ở bên ngoài rất nhiều; một ngày kia, tôi sửng sốt nhìn sâu vào nội tâm của mình. Không cần phải mong cầu điều gì cả; bản ngã thực sự luôn ngự trị bên trong con người chúng ta”.

Niềm an lạc nằm tận đáy tâm hồn ta. Rất có thể ta xin được khoái lạc ở người khác và trở thành nô lệ của họ. Trong khi đó, sự an định giúp ta làm chủ chính mình. An lạc không phải là cái xảy ra cho ta, mà là cái ta đã có từ lâu.

Đức Phật nói: Có khoái lạc và có an lạc – Hãy từ bỏ cái đầu tiên để đạt tới cái thứ hai. Hãy dừng lại việc nhìn ra bên ngoài. Ngược lại, hãy nhìn vào trong. Hãy lên đường tìm kiếm miền đất nội tâm sâu thẳm của bạn. An lạc không phải là thứ đang nằm ở đâu đó ngoài xa kia để con người phải mòn mỏi đợi chờ. An lạc hoàn toàn ở trong ý thức của bạn.

Người phương Đông thường định nghĩa sự thật tối thượng bằng từ Sat-Chit-Anand. Sat nghĩa là sự thật, chit là ý thức và anand nghĩa là an lạc. Đó là ba gương mặt của cùng một thực tại. Đó là quy tắc Tam Nhất chân thật nhất; tất nhiên không phải quy tắc mà ta thường nói đến của Thiên Chúa giáo là Cha-Con-Thánh Thần. Ba cái “tam nhất” ấy không bao giờ bị tách chia mà là một năng lượng được chuyển hóa qua ba trạng thái, một năng lượng với ba gương mặt. Vậy nên, ở phương Đông, người ta gọi Thượng Đế là trimurti – Đấng sáng thế có ba gương mặt. Đây là khuôn mặt đích thực, chứ không phải là Brahma, Vishnu và Mahesh – những tên gọi có lẽ dành cho trẻ em hay cho những người vẫn còn mộng mơ siêu hình về cõi tâm linh. Brahma, Vishnu, Mahesh; Cha, Con, Thánh Thần… đều là tên gọi cho những ai mới bắt đầu hành trình tâm linh.

Sự thật, ý thức, an lạc; ba điều ấy là chân lý tối thượng. Đầu tiên, ta bắt đầu nhận thức về bản ngã vĩnh hằng của chính ta, đó là sự thật – tức sat. Khi nghiền ngẫm sâu sắc hơn về bản chất thật sự của mình, đi sâu vào sự thật, bạn sẽ đạt tới sự thấu ngộ sâu sắc, rộng lớn – tức chit. Mọi việc đều được soi chiếu trong ánh sáng chứ không phải bóng tối. Tất cả đều được nhận thức rõ ràng, chứ không phải là sự ước đoán mịt mờ. Ở mọi nơi, bạn biến thành ánh đuốc trí tuệ, chứ không phải cái bóng nhạt nhòa của vô thức. Khi đạt tới trạng thái tinh thần sâu thẳm, hạt nhân tâm hồn bạn chính là niềm an lạc – tức anand.

Đức Phật nói: Hãy từ bỏ mọi thứ mà ngươi cho rằng nó rất có ý nghĩa từ trước đến giờ. Hãy hy sinh mọi điều trên đời cho sự thật tối thượng bởi lẽ chỉ duy nhất sự hy sinh ấy mới mang đến cho bạn sự bình an, mang đến sự hoàn thiện, mang đến mùa xuân vĩnh cửu cho cuộc đời bạn… Khi ấy, tâm hồn bạn nở thành trăm hoa ngát hương.

Khoái lạc dần biến chúng ta thành thanh gỗ mục trôi nổi… Khoái lạc nhào nặn ta ngày càng trở nên xảo quyệt hơn chứ không phải khôn ngoan hơn. Nó khiến ta ngày càng bị nô lệ hơn chứ không phải làm chủ đời ta. Nó khiến ta tính toán lợi dụng người khác nhiều hơn; nghĩa là ngày càng trở nên khôn khéo và thủ đoạn hơn. Khi đó, ta sẽ sử dụng người khác như một phương tiện – cách sống mà dường như cả thế giới đang theo đuổi.

Người chồng nói với vợ: “Anh yêu em”, nhưng trên thực tế, anh ta sử dụng cô ấy. Người vợ nói với chồng rằng cô yêu anh ấy, nhưng chỉ đơn giản là cô sử dụng anh. Người chồng sử dụng vợ như một đối tác tình dục và người vợ sử dụng người chồng như một sự đảm bảo về tiền của. Khoái lạc biến mọi người thành lừa dối và xảo trá. Trở thành xảo trá tức là đánh mất niềm an lạc của một tâm hồn trong sáng, là đánh mất niềm an lạc của một trẻ thơ.

Tiền bạc, quyền lực và danh tiếng – tất cả sẽ làm bạn trở nên thủ đoạn. Tìm kiếm khoái lạc khiến bạn đánh mất sự trong sáng của mình; đánh mất cái tâm trong sáng là đánh mất tất cả. Chúa Jesus nói: Chỉ khi trở thành trẻ thơ, con người mới có thể bước vào nước Thiên Chúa. Ngài đã đúng. Những ai thích tìm khoái lạc thì không bao giờ giữ được bản tính ngây thơ cả. Anh ta phải rất tinh ranh, xảo quyệt, thủ đoạn chỉ vì nhất quyết phải thắng trong cuộc đấu tranh sinh tồn với thế giới xung quanh. Mỗi người đều hòa đồng với người khác, trong khi ta lại không hề sống giữa những người bạn. Thế giới không thể hòa hợp nếu chúng ta không từ bỏ ý tưởng đấu tranh này.

Vậy mà, từ rất lâu rồi, chúng ta lại hủy hoại tâm hồn trong sáng của những đứa trẻ bằng ý tưởng chiếm hữu xấu xa. Ngay khi một sinh viên bước ra khỏi cổng trường đại học thì chất độc đã ngấm sâu vào con người cậu ta. Chúng ta có thể thôi miên người này bằng cách dạy cho anh ta rằng cần phải đấu tranh với kẻ khác, rằng cuộc sống là chuỗi tồn tại dành cho kẻ chiến thắng xứng đáng. Và như thế, cuộc sống không bao giờ có thể trở thành lễ hội của con người.

Nếu bạn vui sướng bao nhiêu khi bắt người khác trả giá cho hạnh phúc riêng của mình thì bạn sẽ bế tắc bấy nhiêu khi tìm kiếm niềm an lạc. Nếu bạn tìm thấy một người phụ nữ xinh đẹp và cố chinh phục nàng bằng cách nào đó thì nhất định bạn sẽ giành giật nàng từ tay người khác. Chúng ta luôn cố gắng biến một điều gì đó trở nên đẹp đẽ hơn, nhưng đó chỉ là sự chiến thắng trên bề mặt. Khi những người thua cuộc tức giận cuồng điên, họ sẽ chờ đợi một dịp nào đó để trả thù, và sớm hay muộn thì thời khắc báo thù ấy cũng đến.

Bất cứ điều gì mà bạn sở hữu được từ thế giới này đồng nghĩa với việc bạn lấy đi cơ hội của người khác; nó được đổi bằng giá trị lạc thú của người khác. Điều đó quá rõ ràng. Nếu bạn thực sự không muốn gây thù chuốc oán với bất kỳ ai trên thế giới, hãy từ bỏ ý định sở hữu cái gì đó. Hãy tận dụng mọi thứ xảy ra với bạn trong khoảnh khắc sống này, nhưng đừng cố sở hữu nó. Đừng khư khư tuyên bố rằng nó là của riêng bạn. Không có gì là của bạn cả, tất cả đều thuộc về đời sống bao la.

Hai bàn tay trắng

Chúng ta đã đến thế giới này với hai bàn tay trắng và cũng sẽ ra đi với hai bàn tay trắng, vậy điều gì khiến ta đòi hỏi nhiều đến thế? Cuộc sống thế gian dạy chúng ta biết cách sở hữu, thống trị, thâu tóm mọi thứ. Lợi dụng người khác hay không để người khác lợi dụng, bài học này đã được ngầm đưa vào ý thức chúng ta từ thuở lọt lòng. Mỗi mái trường trung học, cao đẳng, đại học ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới này cũng đều khơi dậy ý thức cạnh tranh trong mỗi chúng ta.

Một nền giáo dục đích thực không dạy cho con người tranh đấu hay giành giật; nó dạy người ta cách sống hòa hợp và sáng tạo; nó mở ra cho con người lòng yêu thương, niềm an lạc tự tại và không bao giờ vướng bận so sánh bản thân mình với người khác. Nền giáo dục ấy không dạy bạn rằng ai đến trước sẽ có hạnh phúc – vì điều này hầu như vô nghĩa. Ta không thể nào có được hạnh phúc chỉ vì giành được ngôi thứ nhất; và trong hành trình nỗ lực chiến thắng người khác, ta sẽ thấm thía nỗi đau khổ mà ngay trước khi về đích ta đã phải nếm trải.

Sau khi trở thành tổng thống hoặc thủ tướng của một quốc gia, bạn cũng sẽ chịu đựng nỗi khổ mà rồi đây nó sẽ trở thành bản chất thứ hai của bạn. Bạn không còn cách nào khác để tồn tại; bạn ôm giữ mãi một nỗi khổ. Sự căng thẳng ngày càng ăn sâu vào tâm hồn bạn; nỗi lo lắng trở thành một cách sống của bạn. Bạn không biết phải sống khác đi như thế nào. Đó là phương thức tồn tại riêng của bạn. Vậy nên, cho dù bạn có đến trước chăng nữa, bạn vẫn phải cẩn trọng, lo âu và sợ hãi. Toàn bộ điều này không hề thay đổi phẩm chất bên trong của bạn một chút nào.

Một nền giáo dục đích thực không dạy bạn tranh giành ngôi thứ mà mời gọi bạn tận hưởng mọi thứ bạn đang làm, không màng đến kết quả, chỉ quan tâm đến hành động, tựa như một họa sĩ, một diễn viên múa hay một nhạc sĩ…

Bạn có thể vẽ một bức tranh theo hai cách: một là ra sức cạnh tranh với các họa sĩ khác vì bạn muốn trở thành họa sĩ vĩ đại nhất thế giới, muốn trở thành Picasso hay Van Gogh. Thế rồi bức tranh của bạn được xếp loại thứ hai, bởi lẽ tâm trí của bạn không hề tập trung vào tác phẩm; bạn chỉ chăm chú tới mục đích trở thành họa sĩ cừ khôi nhất, vĩ đại nhất thế giới. Bạn không tiếp tục đi sâu vào nghệ thuật vẽ tranh. Bạn không tận hưởng nó, bạn chỉ sử dụng nó như một thứ bàn đạp. Bạn đang miệt mài với cái tôi to lớn. Vấn đề nằm ở chỗ để thực sự trở thành một họa sĩ, bạn phải bỏ lại hoàn toàn cái tôi của mình. Để thực sự trở thành một họa sĩ, cái tôi phải bị đặt sang một bên, và chỉ có sự tồn tại âm thầm của đời sống trôi trong nét vẽ của bạn. Chỉ có đôi tay, ngón tay và chiếc cọ đang hoạt động. Chỉ khi ấy, cái đẹp thực sự mới hiện hình.

Cái đẹp đích thực không phải do bạn tạo ra. Cái đẹp ấy thông qua bạn mà hiển hiện. Cuộc sống trôi chảy và bạn trở thành một thông điệp từ dòng chảy bất tận đó. Bạn cho phép thông điệp ấy xuất hiện; bạn không cố tình cản trở nó. Chỉ đơn giản như thế.

Nhưng nếu chúng ta quá quan tâm đến kết quả, một kết quả tuyệt đối – chẳng hạn như nhất định bạn phải trở nên nổi tiếng, phải trở thành một họa sĩ vĩ đại nhất thế giới, phải chiến thắng tất cả mọi danh họa cổ kim – thì điều hiển nhiên là chúng ta không hề quan tâm đến hội họa đích thực; hội họa lúc này chỉ là thứ yếu. Và đương nhiên, với mối quan tâm đầy tính toán về những bức tranh, chúng ta không bao giờ sáng tạo được một họa phẩm độc đáo mà chỉ sở hữu những bức tranh tầm thường.

Cái tôi thuần túy không thể mang bất kỳ điều gì đặc biệt vào thế giới; điều đặc biệt chỉ đến khi không còn cái tôi nữa. Nếu soi vào trường hợp các nhạc sĩ, nhà thơ, nghệ sĩ múa thì bạn sẽ thấy điều này hoàn toàn đúng. Và tất cả chúng ta cũng sẽ như vậy.

Trong kiệt tác Bhagavad Gita(4), thần Krishna nói: “Đừng nghĩ gì về kết quả. Hãy xem vạn vật hiện hữu như thông điệp tuyệt diệu của cái hoàn mỹ, giá trị và sự thật. Đừng nghĩ gì về kết quả. Chỉ hành động bằng tất cả sức lực và ý chí. Đừng cố “trở thành” – hãy để năng lượng sáng tạo của con trôi chảy”. Đó là lý do Ngài đã khuyên nhủ Arjuna: “Đừng trốn tránh chiến tranh… bởi lẽ sự trốn tránh ấy là một hành trình ích kỷ. Cách mà con trốn chạy chỉ là một sự tính toán, con nghĩ rằng từ bỏ chiến tranh là con có thể trở thành một vị thánh vĩ đại. Con chọn cách tôn thờ bản ngã của mình còn hơn là phải tham chiến và chống lại tất cả. Con hành động như thể nếu không có con thì không có chiến tranh vậy”.

Krishna nói với Arjuna rằng: “Hãy an trú trong sự buông xả. Hãy nói về hiện tại. Hãy tuân theo hiện tại tối cao”. Bạn phải luôn sẵn sàng, sẵn sàng vô điều kiện. Dù bất kỳ điều gì xảy ra, bạn phải làm chủ bản thân mình một cách tuyệt đối. Ý chí càng mãnh liệt, tinh thần của bạn càng sâu sắc. Và năng lượng vĩnh cửu đó sẽ tác động lên mọi thứ trong cuộc đời của bạn.

Chúa Jesus dạy rằng: Hãy nhớ, những người đứng đầu ở trần gian sẽ là những người đứng cuối trong nước Chúa, và những người xếp cuối cùng sẽ lên đứng đầu. Đức Jesus đã đưa ra một định luật cơ bản – một định luật vĩnh cửu: đừng cố gắng trở thành người đứng đầu nhưng hãy trở thành một cái gì đó trong khả năng vô tận của mình. Nhưng hãy nhớ một điều – điều này rất thường gặp trong cuộc sống – rằng trí óc con người xảo quyệt lắm, nó có thể bóp méo sự thật. Bạn có thể bắt đầu đặt ra cho mình mục tiêu cố gắng trở thành người đứng sau cùng – nhưng sau đó bạn lại quên rằng tất cả mọi người cũng sẽ có suy nghĩ như bạn. Một cuộc chiến khác nảy sinh: “Nhất định tôi phải là người đứng cuối” – và nếu ai đó nói: “Tôi mới là người cuối cùng”, thì lập tức chiến tranh, xung dột lại tiếp diễn.

Tôi nghe một câu chuyện của người Hồi giáo như thế này:

Hoàng đế Nadirshah vĩ đại đang cầu nguyện. Đó là một buổi sáng sớm, mặt trời vẫn chưa mọc, bóng tối còn giăng khắp nơi. Nadirshah chuẩn bị cho một cuộc chinh phục mới; ông cầu nguyện Thượng Đế ban phúc lành thắng trận. Ông nói với Thượng Đế rằng “Con không là ai cả, con chỉ là một nô lệ – nô lệ của những nô lệ của Người. Xin Người hãy phù hộ cho con. Con xin được nhân danh Người, chiến thắng này là của Người. Xin Người hãy nhớ con không là ai cả. Con chỉ là nô lệ của những nô lệ của Người”.

Vị thầy tu đứng bên cạnh, giúp ông cầu nguyện, trong vai trò người trung gian kết nối ông với Thượng Đế. Thình lình, họ nghe một giọng nói khác trong bóng tối; một người ăn xin trong thị trấn đang cầu nguyện với Thượng Đế rằng “Con không là ai cả. Con chỉ là nô lệ của những nô lệ của Người”.

Vị hoàng đế nói: “Hãy nhìn người ăn xin kia! Ông ấy là một người ăn xin và nói với Thượng Đế rằng ông ta không là ai cả. Phải chấm dứt ngay sự ngớ ngẩn này đi! Nó là ai mà dám nói rằng mình không là ai cả? Ta mới không là ai cả, không một ai khác được quyền tuyên bố “không là gì” giống như ta. Ta mới là nô lệ của những người nô lệ của Thượng Đế – nó là ai mà dám xưng mình là nô lệ của mọi nô lệ?”.

Chúng ta hiểu được gì qua câu chuyện trên? Cuộc chiến tâm hồn vẫn còn đó, giống như mọi cuộc chiến khác, cũng với những lý do hết sức ngớ ngẩn. Không có gì thay đổi cả. Vẫn một kiểu tính toán: “Ta phải trở thành người cuối cùng. Không ai được phép làm người đứng cuối”. Tâm trí của chúng ta sẽ bị trượt vào một trò chơi như vậy nếu chúng ta không nỗ lực hiểu biết tường tận và sâu sắc vấn đề này.

Đừng bao giờ cố gắng hạnh phúc bằng cách đánh dổi hạnh phúc của người khác. Đó là sự tàn bạo và vô nhân đạo. Đó thực sự là bạo lực. Nếu ai đó nghĩ rằng họ sẽ trở thành một vị thánh bằng cách lên án kẻ khác như là một tội đồ, sự cao cả của họ thật ra chỉ đơn giản là một cuộc phiêu lưu mới của lòng tự kỷ. Họ trượt dần vào sự khoác lác và tự thần thánh hóa bản thân mình. Hãy lắng nghe tiếng nói thiên lương vốn có trong bạn và nhìn thấu bản chất của những kẻ đạo đức giả kia – những kẻ vẫn tiếp tục phô trương cái sự hiền đức của họ. Họ nói rằng bạn sắp rơi xuống địa ngục mất rồi, và họ sẽ tiếp tục kết tội những người khác. Và đương nhiên, bạn sẽ im lặng, cố lắng nghe những lời quy kết của họ, vì bạn biết rằng bạn đã mắc rất nhiều sai lầm trong cuộc sống. Họ kết tội tất cả mọi thứ – ngay cả khi đó là những điều sẽ khiến cuộc sống của bạn tốt đẹp hơn. Bạn thích ăn, họ nói như thế là có tội. Bạn thức dậy muộn, họ nói bạn thật tội lỗi. Bạn đi ngủ muộn, họ nói bạn là kẻ có tội. Họ đã sắp xếp mọi thứ sao cho bạn “thật khó mà không có tội”.

Vâng, hết thảy họ lại không phải là người có tội. Họ đi ngủ sớm và thức dậy sớm… Thực ra, có lẽ họ chẳng biết làm gì nên mới rảnh rỗi như thế. Họ không bao giờ phạm lỗi bởi họ không làm bất kỳ điều gì. Họ chỉ ngồi cho đến chết. Nếu bạn sống thật sự, dám hành động, làm sao bạn có thể trở thành thánh nhân được? Vì vậy, hàng bao nhiêu thế kỷ, những thánh nhân đã từ bỏ thế giới và giải thoát mình vĩnh viễn khỏi cuộc đời này, bởi lẽ sống ở cõi trần này mà trở thành thánh là điều không thể.

Điều quan trọng tôi muốn chia sẻ với các bạn ở đây là, trừ khi bạn không có mặt trong thế giới này, còn nếu bạn đến với cuộc đời với tư tưởng muốn làm thánh nhân thì điều đó thật vô nghĩa. Hãy sống bình thường trong đời và trở thành thánh! Chúng ta phải định nghĩa thánh nhân ở một góc độ khác. Đừng sống bằng cách đánh cắp hạnh phúc của người khác – đó là thánh. Đừng dẫm đạp lên hạnh phúc của người khác mà hãy giúp họ hạnh phúc – đó là thánh. Hãy tạo ra một bầu khí quyển mà nơi đó tất cả mọi người đều được dự phần vui vẻ tốt lành.

____________

(2) Nicolo di Bernardo dei Machiavelli (1469 – 1527): Nhà ngoại giao, nhà triết học, nhà chính trị, nhạc gia, nhà soạn kịch người Ý. Ông là một nhân vật trung tâm của bộ máy chính trị nước Ý thời Phục hưng. Ông được biết đến với các luận thuyết về những thủ đoạn tranh giành quyền lực thống trị qua tác phẩm “The Prince”.

(3) Sufism có nguồn gốc từ tiếng Ba Tư (nay là Irắc). Đây là tên gọi của một giáo phái phổ biến ở các nước Trung Đông, được tạm dịch sang tiếng Việt là “Hồi giáo Mật tông”. Mục đích của giáo phái này là sự nhận thức chân lý tuyệt đối thông qua Tình yêu và sự hòa nhập với Thượng đế.

(4) Bhagavad Gita: Một văn bản cổ bằng tiếng Phạn bao gồm 700 câu trích dẫn từ trường ca Mahabharata của Ấn Độ.

Trích Hạnh phúc tại tâm


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025