Mọi thói quen, đều có thể dẫn đến buông thả
H: Điều đó thật khó tin. Ví dụ như thói quen yêu sự thật, nó có thể gây hiểm họa gì cơ chứ?
Đ: Mối hiểm họa nằm trong từ “thói quen”. Mọi thói quen, ngoại trừ thói quen yêu thích tính rõ ràng của mục đích, đều có thể dẫn đến thói quen buông thả. Lòng yêu thích sự thật, trừ khi nó có tỷ lệ cân xứng với mức độ kiên trì theo đuổi sự thật, có thể trở nên giống như mọi chủ ý tốt đẹp khác. Hẳn là ngươi biết ta làm gì với các chủ ý tốt đẹp rồi đấy.
H: Vậy thì tình yêu của một người dành cho người thân của mình có thể là mối nguy hiểm không?
Đ: Ngoại trừ lòng yêu thích tính rõ ràng của mục đích, tình yêu dành cho bất cứ thứ gì hay bất cứ ai đều có thể trở nên nguy hiểm. Tình yêu là trạng thái tâm trí che mờ lý trí, làm suy yếu sức mạnh ý chí và khiến một người không thể thấy sự thật.
Tất cả những ai có khả năng tự quyết và đạt được tự do về tinh thần để tư duy độc lập đều cần phải thận trọng xem xét mọi cảm xúc có liên quan đến lòng yêu thích, dù là ở mức độ tinh tế.
Ngươi có thể ngạc nhiên khi biết rằng tình yêu là một trong những cái bẫy lợi hại nhất của ta. Ta dùng nó để dẫn dụ nhiều người vào thói quen buông thả – những người mà ta không thể khuyến dụ bằng bất cứ thứ gì khác.
Đó là lý do tại sao ta đặt nó ở trên cùng trong danh sách những thứ ta dùng để mua chuộc. Hãy cho ta biết một người yêu quý điều gì nhất, ta sẽ có manh mối và biết làm thế nào để cám dỗ và khiến người đó trở nên buông thả cho đến khi ta trói buộc được người đó bằng nhịp điệu thôi miên.
Tình yêu và nỗi sợ khi được kết hợp với nhau sẽ cho ta những vũ khí lợi hại nhất để ta có thể khiến con người trở nên buông thả. Cả hai đều hữu ích như nhau đối với ta. Cả hai đều có tác dụng khiến con người trở nên lơ là, không phát triển tính rõ ràng về mục đích khi sử dụng tâm trí của chính họ. Hãy trao cho ta quyền kiểm soát nỗi sợ của một người và cho ta biết người đó yêu thích điều gì nhất, khi ấy ngươi có thể xem như hắn đã là nô lệ của ta.
Cả tình yêu và nỗi sợ đều là những năng lượng cảm xúc có mãnh lực kỳ lạ đến mức có thể khiến con người để mất hoàn toàn sức mạnh của ý chí và lý trí. Một người không còn ý chí và lý trí sẽ không còn gì để hỗ trợ cho tính rõ ràng của mục đích nữa.
H: Nhưng cuộc sống sẽ chẳng còn có ý nghĩa nếu con người không cảm nhận được cảm xúc của tình yêu.
Đ: À, lập luận của ngươi cũng đúng, nhưng ngươi quên bổ sung một điều: tình yêu nên được đặt dưới sự kiểm soát có ý thức trong mọi lúc.
Tình yêu tất nhiên là một trạng thái tinh thần đáng mơ ước, nhưng nó cũng là một loại thuốc giảm đau làm hạn chế hay hủy hoại tính lý trí và sức mạnh của ý chí, mà đối với những con người muốn có tự do và khả năng tự quyết thì cả hai thứ này đều quan trọng hơn tình yêu.
H: Từ những gì ngươi nói, ta hiểu rằng những người đang nắm quyền kiểm soát cần phải cứng rắn với cảm xúc của mình, phải làm chủ nỗi sợ và tiết chế tình yêu. Ta nói đúng chứ?
Đ: Muốn có được và duy trì quyền tự chủ, con người phải trở nên rõ ràng trong suy nghĩ và hành động. Họ phải trở nên cứng rắn, theo cách nói của ngươi.
Thời gian là bạn của tính công bằng và đạo đức
H: Chúng ta hãy cùng xem xét những lợi thế của nguyên tắc tính rõ ràng trong mọi khía cạnh của cuộc sống thường ngày. Cái gì có khả năng thành công hơn – một kế hoạch còn thiếu sót nhưng rõ ràng về mục đích hay một kế hoạch có vẻ khả thi nhưng không có mục đích rõ ràng?
Đ: Những kế hoạch còn thiếu sót có thể cải thiện nếu chúng có mục đích rõ ràng.
H: Ý ngươi là bất cứ kế hoạch nào được đưa vào thực hiện bằng hành động liên tục và hướng đến một mục đích rõ ràng đều có thể thành công cho dù nó không phải là kế hoạch tốt nhất?
Đ: Đúng, ý ta là vậy. Tính rõ ràng trong mục đích và kế hoạch thường sẽ đưa đến thành công, dù kế hoạch đó còn thiếu sót. Điểm khác biệt chính giữa một kế hoạch tốt và một kế hoạch chưa tốt là kế hoạch tốt có thể đưa đến thành công nhanh hơn kế hoạch chưa tốt.
H: Nói cách khác, nếu một người không thể luôn luôn đúng thì vẫn có thể và nên luôn luôn rõ ràng, ta hiểu đúng điều ngươi muốn nói chứ?
Đ: Đúng rồi. Những người rõ ràng cả trong kế hoạch lẫn mục đích sẽ chỉ xem thất bại tạm thời là động lực khiến họ nỗ lực nhiều hơn nữa. Tự ngươi cũng có thể thấy rằng kiểu tuân thủ một nguyên tắc sống như thế đương nhiên sẽ thành công, với điều kiện nguyên tắc tính xác định được áp dụng.
H: Liệu một người hành động với nguyên tắc rõ ràng cả trong kế hoạch lẫn mục đích có thể chắc chắn luôn thành công không?
Đ: Không. Những kế hoạch tốt nhất đôi khi cũng gặp trục trặc ngoài ý muốn, nhưng người hành động với tính rõ ràng sẽ phân biệt được thất bại tạm thời với thất bại thật sự. Khi một kế hoạch không thành, người đó sẽ dùng một kế hoạch khác để thay thế, nhưng anh ta sẽ không thay đổi mục đích của mình. Anh ta sẽ kiên trì và rồi cuối cùng cũng sẽ tìm ra được một kế hoạch tối ưu đưa anh ta đến thành công.
H: Liệu một kế hoạch dựa trên những mục tiêu phi đạo đức hay bất công cũng dễ dàng đưa đến thành công như một kế hoạch dựa trên tính công bằng và đạo đức không?
Đ: Thông qua sự vận hành của quy luật bù trừ, ai gieo gì sẽ gặt nấy. Những kế hoạch có động cơ bất công và phi đạo đức có thể mang đến thành công tạm thời, nhưng thành công bền vững đòi hỏi sự lưu tâm đến cả chiều không gian thứ tư, đó là thời gian.
Thời gian là kẻ thù của bất công và phi đạo đức, và là bạn của tính công bằng và đạo đức. Việc không nhận ra được điều này chính là nguyên nhân của tình trạng tội phạm gia tăng ở những người trẻ trên thế giới hiện nay.
Một tâm trí còn non trẻ và thiếu kinh nghiệm thường dễ lầm tưởng thành công tạm thời với thành công bền vững. Sai lầm phổ biến của tuổi trẻ là chỉ nhìn thấy lợi ích tạm thời của những kế hoạch bất công và phi đạo đức mà không nhìn xa hơn và quan sát để thấy những hình phạt tất yếu theo sau những thứ đó, như hết ngày sẽ đến đêm vậy.