Theo các hiền triết xứ Ấn, xác thân có sáu giác quan còn linh hồn thì có đến tám giác quan. Sáu giác quan đầu của linh hồn, nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức tương ứng với sáu giác quan của xác thân là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và óc. Chúng có nhiệm vụ ghi nhận những cảm giác của các giác quan thể xác này rồi chuyển vào giác quan thứ bảy để xử lý. Giác quan thứ bảy - Mạt na - sẽ phân tích các cảm giác này rồi phán xét, quyết định mọi sự trước khi hành động. Sự suy luận, phân tích còn được dựa trên các dữ liệu có từ trước, đã được cất giữ trong giác quan thứ tám, tức A lại da thức hay tàng thức, để chọn ra một quyết định thích hợp.
Tuy nhiên mọi dữ kiện, cảm giác được chuyển vào đây đều ít nhiều bị thay đổi hay bóp méo bởi sự tương tác giữa giác quan thứ bảy và giác quan thứ tám. Đó là lý do tại sao chúng ta dễ có thành kiến hay sự phán xét mang tính áp đặt, chủ quan, vì mọi sự việc mà ta tiếp nhận đã không còn đúng hay chính xác như bản chất vốn có.
Khi suy ngẫm kỹ, ta sẽ thấy hầu hết mọi quyết định của con người thường mang tính chủ quan, được xây dựng dựa trên những gì có lợi cho người đó nhất. Tại sao như vậy? Trong khi sáu giác quan kia ghi nhận mọi sự và chuyển cho giác quan thứ bảy xử lý, giác quan này đã tự động “chủ quan hóa” tất cả và cho rằng mọi việc đều xảy ra quanh “nó”, vì nó làm chủ, “nó” có quyền quyết định mọi cảm giác (sensory), trải nghiệm (experience), niềm tin (belief), kiến thức (knowledge) và cảm xúc (emotion).
Chính vì vậy, có cơ sở tin rằng giác quan thứ bảy của linh hồn chính là cái “bản ngã” mà các vị thầy Hy Lạp xưa nay vẫn tìm kiếm.