Thomas Edison đã từng nói: “Điểm yếu lớn nhất của chúng ta nằm ở tâm lý muốn bỏ cuộc. Cách chắc chắn nhất để có được thành công là chỉ cần luôn cố gắng thêm một lần nữa”. Một thế kỷ sau, huyền thoại bóng đá Abby Wambach cũng lặp lại ý kiến ấy: “Bạn không chỉ phải có tinh thần cạnh tranh, mà còn phải có khả năng không bao giờ từ bỏ bất kể đối mặt với hoàn cảnh nào đi nữa”.
Lời khuyên của những nhân vật thành công nhất trong lịch sử thường mang cùng một thông điệp cốt lõi rằng: Cứ một lòng một dạ theo đuổi điều gì đó và bạn sẽ thành công. Điều này luôn đúng khi ta nhìn lại quá trình phát triển đã qua của họ, nhưng nó không có nghĩ là chỉ cần kiên trì theo đuổi một điều gì đó, bạn ắt sẽ đạt được thành công giống họ.
Nếu bạn vốn có một giọng hát không hay thì dù có kiên trì theo đuổi nghiệp ca hát lâu dài đến đâu, bạn cũng không thể trở thành ca sĩ Adele. Nếu bạn đã năm mươi tuổi mà lại đặt mục tiêu giành huy chương Thế vận hội bộ môn thể dục dụng cụ, thì dù nỗ lực hay bền chí đến đâu, bạn cũng không thể thành công. Và sẽ thật ngớ ngẩn nếu bạn đọc một bài báo nói rằng các tỷ phú có thói quen thức dậy trước 4 giờ sáng, rồi tưởng tượng rằng mình cũng sẽ trở thành tỷ phú nếu thức dậy trước 4 giờ sáng.
Như tác giả Annie Duke đã chỉ ra trong cuốn sách “Từ bỏ”: “Đôi khi mọi người bám chặt lấy một mục tiêu nào đó mà họ không thành công chỉ vì niềm tin rằng nếu kiên trì đủ lâu, họ chắc chắn sẽ thành công. Đôi khi họ chọn làm như thế vì cho rằng người thắng cuộc không bao giờ từ bỏ. Dù nghĩ theo cách nào thì cũng vẫn có rất nhiều người đang đâm đầu vào ngõ cụt, với tâm trạng bứt rứt vì nghĩ rằng bản thân họ có vấn đề, chứ không phải lời khuyên mà họ đang nhất mực tuân thủ là sai”.
Nhìn chung, tâm lý con người luôn coi trọng sự bền chí. Chúng ta luôn ngưỡng mộ và xem những người kiên định là anh hùng. Vì lẽ đó, cũng chẳng có gì bất ngờ khi những cuốn sách nói về sức mạnh của lòng kiên trì như Grit (Vững tâm bền chí ắt sẽ thành công) của Angela Duckworth và Outliers (Những kẻ xuất chúng) của Malcolm Gladwell (với quy tắc mười ngàn giờ nổi tiếng) lại phổ biến đến vậy.
Tuy nhiên, nếu đã đọc qua Grit, bạn sẽ thấy rằng tác giả Angela Duckworth không bao giờ tuyên bố rằng “Cứ theo đuổi mục tiêu, bạn ắt sẽ thành công”. Theo đó, cô đã chỉ ra tầm quan trọng của việc thử nhiều thứ (tức là bạn phải từ bỏ nhiều thứ khác) để tìm ra điều mà bạn thật sự muốn theo đuổi. Ý tưởng này có phần giống với quan điểm của Annie Duke khi cô cho rằng “Thành công không nằm ở việc bám chặt lấy mục tiêu, mà nằm ở việc lựa chọn mục tiêu đúng đắn để gắn bó và từ bỏ mọi thứ còn lại”.
Thông qua cuốn sách “Từ bỏ” Annie Duke sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về những tác nhân ngăn cản bạn đưa ra quyết định đúng đắn về việc nên từ bỏ cái gì và từ bỏ khi nào, đồng thời xác định những hoàn cảnh mà chúng ta thường lưỡng lự trong việc cất bước ra đi. Từ đó, chúng ta sẽ có được góc nhìn tích cực hơn về quyết định từ bỏ để có thể cải thiện kỹ năng đưa ra quyết định của mình.
Suy cho cùng, bạn không thể đạt được thành công nếu cứ gặp khó khăn là từ bỏ. Nhưng thành công cũng không đến từ việc cứ theo đuổi những thứ quá khó khăn nhưng không xứng đáng. Việc nắm vững kỹ năng từ bỏ sẽ giúp chúng ta có thêm nhiều lựa chọn cho mình và trở nên linh hoạt hơn (hoặc đón đầu) trước một thế giới không ngừng biến chuyển.