Dưới ảnh hưởng của quy luật nhân quả, gieo nhân tốt sẽ gặt được quả tốt. Tuy vậy, nếu chỉ chăm chăm hướng đến kết quả, chúng ta sẽ đánh mất giá trị đích thực của sự cho đi. Thông qua những bài giảng của mình, thầy Thích Pháp Hoa đã gửi gắm những thông điệp cao cả về lòng từ bi và tình nhân ái đến đại chúng.
Trong quyển sách “Chia sẻ từ trái tim - 50 bài giảng nhân quả thiết thực trong cuộc sống”, quan điểm về lòng từ bi được thầy Thích Pháp Hòa liên hệ với câu hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như sau: "Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng. Để làm gì, em biết không? Để gió... cuốn... đi…" Thầy giảng giải: “Cuộc đời thật sự là vậy thôi, cuối cùng thì gió cũng cuốn nó trôi đi. Nhưng dù như vậy, trước khi trôi đi nó cũng đã làm gì? “Để làm gì, em biết không?” Nghe câu hỏi, mình tưởng câu trả lời phải nói tới chuyện gì quan trọng lắm, để thế này, để thế kia. Nhưng câu trả lời chỉ đơn giản là “Để gió cuốn đi”. Đó là một thiền ngữ."
Thật vậy, cho đi một cách vô tư, không toan tính giúp ta tránh được tâm lý ích kỷ, vụ lợi. Điều này cũng giải thoát con người khỏi những ràng buộc của áp lực và kỳ vọng với mọi người xung quanh. Hãy cho đi khi trái tim ta đồng cảm và thấu hiểu cho khó khăn của họ, chứ không phải vì những lời cảm ơn hoặc quà tặng mà họ sẽ báo đáp. Nghĩa là, chúng ta sẽ không cần phải lo lắng về việc người khác sẽ phản hồi như thế nào, mà chỉ cần tập trung vào việc bản thân đang làm là một điều đúng đắn. Đây cũng là cách để tâm hồn ta trở nên thanh thản, hạnh phúc và nhẹ nhàng hơn.
Cho đi một cách hoan hỉ - hay trong Phật giáo còn gọi là “bố thí”, có thể bộc lộ theo nhiều cách. Trong các bài giảng của mình, thầy Thích Pháp Hòa thường xuyên nhắc đến 5 loại bố thí phổ biến mà chúng ta có thể thực hành mỗi ngày mà không nhất thiết phải có tiền, bao gồm:
Thứ nhất là nhan thí. Bố thí nhan là cho người ta nụ cười hoan hỉ, mang đến sự thoải mái, dễ chịu đến cho người khác.
Thứ hai là ngôn thí. Ngôn thí là dùng lời nói nhẹ nhàng, ái ngữ để đáp lời, không mắng nhiếc, cay nghiệt hay sỉ nhục người.
Thứ ba là vô úy thí. Vô úy thí là cho người khác sự không sợ hãi. Đi cùng với nhan thí và ngôn thí, vô úy thí là khi ta trấn an người đang gặp khó khăn, khích lệ người cần động lực, giúp họ có thêm niềm tin trong cuộc sống.
Thứ tư là tâm thí. Tâm thí là bố thí tâm từ ái của mình, mang tấm lòng rộng mở, chân thành và bao dung khi đối xử với người khác.
Thứ năm là thân thí. Thân thí có nghĩa là mình giúp đỡ người khác bằng những hành động nhân ái như cứu người gặp nạn, hiến máu nhân đạo, làm tình nguyện…
Có nhiều cách để giúp đỡ và trao tâm từ bi đến người khác. Khi cho đi bằng tấm lòng chân thành, ta sẽ nuôi dưỡng tâm hồn mình thêm phần mạnh mẽ và lớn lao - thứ còn quan trọng hơn cả những quả ngọt nhận lại từ người khác. Đây cũng chính là chìa khóa mở ra con đường tỉnh thức và giác ngộ, hướng đến một đời vô thường, an yên và hạnh phúc.