Trên hành trình trưởng thành của mỗi người đều có những tổn thương cần được chữa lành. Bên cạnh việc vượt qua những tổn thương trong quá khứ chúng ta còn cần phải học cách hạn chế những tổn thương mới có thể xảy ra cho mình bằng cách thiết lập cho bản thân những ranh giới lành mạnh. Đó cũng là điều được tác giả Robert Jackman chia sẻ trong cuốn sách “Chữa lành đứa trẻ tổn thương bên trong” vừa được lên kệ trong thời gian vừa qua.
Để thiết lập một ranh giới lành mạnh, tác giả cho rằng bạn cần sự lắng nghe bản thân trong thời điểm hiện tại và hãy tự đặt cho mình những câu hỏi: “Tôi cảm thấy thế nào về người này, nơi này hay tình huống này ngay bây giờ?”. Khi đó cơ thể bạn sẽ có một vài phản ứng vật lý mang đến cho bạn cảm giác tốt hoặc không tốt. Việc của bạn lúc này là đừng bỏ qua những cảnh báo từ cơ thể của mình.
Ranh giới bên trong là những lời khẳng định hay sự thỏa thuận cá nhân của bạn với bản thân trước một vấn đề cụ thể nào đó. Bạn ngầm khẳng định với chính mình những ranh giới này đối với những vấn đề khác nhau trong suốt cả ngày. Bạn không nhất thiết phải thảo luận về ranh giới bên trong của bạn với người khác vì đó là những cam kết nội tâm với chính bạn. Với việc thiết lập ranh giới bên trong, bạn trở nên có trách nhiệm và khẳng định trách nhiệm với bản thân.
Ranh giới bên ngoài là những lời khẳng định hay vị thế mà bạn thiết lập với người khác hay với một tình huống. Những ranh giới bên ngoài sẽ dễ dàng được xây dựng khi bạn nhận thức rõ về điều mình muốn và không muốn, và sự thấu hiểu bản thân này sau đó được truyền đạt đến người khác bằng những lời khẳng định đơn giản, rành mạch và quả quyết.
Mục tiêu của bạn thông qua quy trình này là chữa lành những phần đứa trẻ tổn thương bên trong mình, hợp nhất đứa trẻ bị lạc lối ấy với phần trưởng thành và chào đón một cuộc đời đích thực. Việc thiết lập các ranh giới có trách nhiệm cũng góp phần quan trọng tạo ra kết quả của hành trình chữa lành không kém việc kết nối với những cảm xúc và đứa trẻ bên trong bạn. Những ranh giới hữu hiệu sẽ giúp bạn cảm thấy an toàn với bản thân và trong các mối quan hệ của mình.
Khi bạn càng làm trái với ý hướng của bản thân và trả lời đồng ý thay vì trân trọng tiếng nói bên trong chính mình bằng cách nói “không”, bạn càng đánh mất cảm nhận tự thân của mình. Ranh giới lành mạnh có nghĩa là trân trọng những điều bản thể bên trong bạn cần bộc lộ để bạn cảm thấy trọn vẹn trở lại.
Một khi bạn có thể thiết lập những ranh giới lành mạnh đối với bản thân và người khác, bạn sẽ bắt đầu kết nối với bản thể chân thật của mình và cảm nhận được thế nào là tự do về mặt cảm xúc. Hãy trân trọng bản thân và kiên định thay vì nhượng bộ để làm hài lòng người khác.