Thực chất, thưởng trà chỉ là thưởng trà. Là khi tâm chúng ta về lại với thân, cảm nhận vị ấm trên môi, cảm nhận hương trà thoang thoảng trước mũi. Trà chỉ là cách mang tâm về lại thân. Bởi nếu gấp gáp, một ly trà pha kỳ công cũng trở nên vô nghĩa. Vị trà chỉ còn đắng. Còn buổi thưởng trà hóa ra phí hoài thời gian.
“Người thương! Tách trà trên tay lạnh nguội mất rồi, người thay ta ủ ấm lại...!”
Thưởng trà còn là một cách nói ví von về những buổi trò chuyện xoay quanh nhân sinh. Trà chỉ là cái cớ. Mượn lá trà tìm sự bình tâm giữa đúng sai thật giả rối ren trong đời. Để rồi một lòng chánh niệm nhận ra “Trà bây giờ, hương ở đây, ta với người còn tìm cầu điều gì nữa?”
“Tịch tịnh” nằm trong bộ tác phẩm của Đại đức Thích Đồng Tâm. Bộ sách gồm 3 quyển: “Tịch tịnh”, “Sát-na này là thiên thu” và “Đủ duyên ta lại tương phùng”. Mượn những câu chuyện đời thường: Thưởng trà, quả táo Ấn, đóa hoa bé nhỏ... Đại sư Thích Đồng Tâm mang đến cho người đọc dòng cảm xúc an lành từ đó hướng thân tâm ý về lại thực tại, trân trọng cuộc sống, nhìn nhân duyên bằng đôi mắt từ bi.
Trong 3 tập sách, “Tịch Tịnh” có những bài viết ngắn gọn hơn tất thảy. Đôi lúc đọc “Tịch Tịnh”, người đọc sẽ cảm giác mỗi bài viết như một bài kệ ngắn về thế giới nhân sinh quan. Vỗ về thế giới bên trong, tưới lên sự an lạc theo lời Phật dạy.
“Tịch tịnh không nằm ở sự ghét hay thương. Tịch tịnh là sự vắng lặng của tâm khi không còn kẹt vào hai bờ thương ghét!”
Con người chúng ta mắc kẹt vào bể khổ chẳng phải vì thương ghét đấy ư? Lúc này, tâm tĩnh lặng không phán xét hơn thua, không mong cầu trước sau chính là bình an một cõi. Bài học đó, đức Phật đã dạy nhưng chúng ta không phải ai cũng đủ trí tuệ để hiểu. Hiểu để rồi chánh niệm. Chánh niệm để rồi lòng an, tâm an, cuộc đời an và bớt mong cầu.