Startup lên Shark Tank định giá công ty 10 triệu USD, tuyên bố không ngáo giá
Xuất hiện trên Shark Tank Việt Nam tập 4, Lê Hoàng Thạch - CEO ứng dụng sách nói và podcast Voiz FM - đã khiến các Shark choáng khi khởi đầu tuyên bố muốn gọi số vốn 1,5 triệu USD.
"Tuy nhiên, bởi luật chơi của chương trình nên mức khởi điểm của tôi là 250.000 USD cho 2,5% cổ phần. Một con số rất khủng, tuy nhiên tôi không bị ngáo giá", Thạch nói. Với mức gọi vốn này, định giá Voiz FM ở mức 10 triệu USD.
Giới thiệu về Voiz FM, Nhà sáng lập cho biết trên ứng dụng hiện có hơn 2.000 quyển sách nằm gọn trong một chiếc di động, 100% có bản quyền. Chia sẻ về hiệu quả kinh doanh sách nói, nội dung có bản quyền trong khi tình trạng tải lậu, xài chùa, miễn phí tràn lan, Hoàng Thạch cho hay: "Từ tháng 9/2019 đến nay, đã có 10 triệu phút được người dùng trả tiền để nghe trên nền tảng của chúng tôi. Doanh thu GMV (tổng giá trị giao dịch) năm 2020 gấp 20 lần năm 2019, năm 2021 dự kiến gấp 10 lần so với năm 2020".
Để mở rộng kho nội dung, Voiz FM phát triển giọng nói trí tuệ nhân tạo hoàn toàn tự nhiên, giống người thật. Công nghệ này dùng sóng âm để tạo ra giọng đọc số từ giọng đọc thật. "Khi đưa vào một từ mà không có trong bộ từ gốc, công nghệ vẫn đọc được như trẻ con ráp vần, ráp phụ âm với nguyên âm và có thể tự nhận biết từ đó đọc là gì", Thạch miêu tả.
Nhà sáng lập Voiz FM cho biết thêm, công nghệ này đã giúp giảm giá thành xuống, tốc độ sản xuất sách nói trở nên nhanh hơn rất nhiều. Năm 2020, GMV của Voiz FM đạt 42.000 USD, dự kiến trong năm 2021 là hơn 400.000 USD.
"Break-even (hoà vốn) vẫn chưa đạt được nhưng revenue (doanh thu) so với operational cost (chi phí hoạt động) đã đạt được khoảng 75%. Nếu giữ được mức tăng trưởng hiện tại mỗi tháng đều tăng trưởng 2 con số thì khoảng tháng 9/2021 có thể đạt được break-even point (điểm hòa vốn)", Hoàng Thạch tự tin.
Khi được hỏi về Unique Selling Point (Lợi điểm bán hàng độc nhất) để cạnh tranh khi vấn đề bản quyền không thể giải quyết một sớm một chiều, Hoàng Thạch cho biết Voiz FM có 3 tiêu chí:
- Kho nội dung có bản quyền tự tin là lớn nhất. "Game bản quyền là game mình phải win. Khi người dùng sử dụng một app, người ta không quan tâm bạn có cái gì mà quan tâm bạn không có cái gì", Thạch nói.
- Tiên phong trong việc bảo vệ bản quyền bằng cách report (báo cáo) và gỡ bỏ những nội dung mà Voiz FM đang nắm bản quyền, từ tháng 7/2020 đến nay đã gỡ hơn 30.000 nội dung vi phạm;
- Ngoài giọng đọc, có data trong app, có khả năng gợi ý nội dung theo sở thích của người nghe.
Startup dùng tiền ba mẹ khởi nghiệp, phản biện lại ý kiến Shark Việt ‘nên trả tiền lại cho ba mẹ’
Để hiểu rõ lý do vì sao Voiz FM gọi vốn 250.000USD cho 2,5% cổ phần, Shark Phú liên tục chất vấn startup về chi phí cố định và chi phí biến đổi trong tổng chi phí.
Hoàng Thạch chia sẻ, fixed cost (chi phí cố định) trung bình mỗi tháng hơn 300 triệu đồng. Trung bình một cuốn sách trong vòng một năm có thể tạo ra khoảng 1.500 USD doanh thu, trong đó chi phí ứng trước bản quyền và chi phí sản xuất khoảng 500 USD. Mỗi hợp đồng khai thác bản quyền có thời hạn từ 3-5 năm.
Startup cho biết, tổng lỗ hiện nay là hơn 3 tỷ đồng trong đó bao gồm fixed cost và một số khoản đầu tư khác. Variable cost (chi phí biến đổi) chiếm khoảng từ 50 – 60%, doanh nghiệp còn giữ lại khoảng 40 – 50%.
Về lịch sử gọi vốn, Voiz FM cho biết đã được đầu tư 4 tỷ đồng và đã chốt vòng seed gọi vốn vào tháng 7/2020 với số tiền 625.000USD, post-money (giá trị công ty sau khi gọi vốn) là 3,1 triệu USD.
- Shark Hưng: Vốn tự có hay ba mẹ đài thọ?
- Em nhận "học bổng ba má"
- Nếu mất tiền thì sao?
- Lúc em xin, em cũng có nói nếu thành công thì sau này con nuôi ba mẹ. Nếu không thành công thì sau này con cũng sẽ ra ngoài đi làm việc
"Em nghĩ trong hành trình khởi nghiệp mình cũng cần một sự an toàn về mặt tài chính và nghề nghiệp. Đối với em, nếu không thành công thì em vẫn có gia đình để chống đỡ , có nghĩa là sự sáng tạo của luôn được bảo đảm, chứ không phải mỗi sáng thức dậy lại nghĩ cuối tháng này trả tiền điện tnao, nước ra sao...", Hoàng Thạch nói thêm.
Shark Việt từ chối đầu tư và khuyên rằng:"Em rót vốn nhiều lần nhưng không lớn được. Chứng tỏ em không có nội lực mà em toàn dựa vào ngoại lực. Mà startup mà dựa vào ngoại lực nhiều là startup ấy không thể bùng nổ được. Thứ hai, em dùng tiền của ba má, cẩn thận em đưa ba má vào chỗ khó. Lần này gọi được Shark nào thì em nên trả lại ba má đi. Có những thứ mình sẽ không bao giờ trả lại được cho ba má".
"Em ghi nhận lời khuyên về chuyện trả tiền cho ba mẹ. Nhưng em nghĩ tiền có thể kiếm lại được, nhưng niềm vui khi nhìn thấy con mình làm những thứ nó thích là những thứ ba mẹ không kiếm được", Hoàng Thạch bày tỏ.
Shark Liên và Shark Hưng cũng từ chối đầu tư.
Shark Phú chia sẻ rằng đã từng đầu tư vào công nghệ nhưng "chưa học được nghề của Shark Bình nên vẫn muốn thử". Shark Phú cho biết: "Bây giờ chọn startup là chọn người nên chỉ nhìn tướng thôi" và đề nghị 250.000 USD lấy 15% cổ phần.
Hứng thú với mảng sách nói, Shark Bình cũng đề nghị đầu tư 500.000 USD, định giá pre-money (giá trị công ty trước khi gọi vốn) là 3,5 triệu USD, cao hơn vòng gọi vốn trước của Voiz FM. Đổi lại, Shark sẽ lấy 12,5% cổ phần, kèm điều kiện phải tặng thêm 7,5% advisory share (cổ phần tư vấn).
Với tổng 20% cổ phần, Shark Bình cho biết mình có thể giúp startup nhiều thứ. Tuy nhiên, Voiz FM cần thực hiện đúng cam kết tháng 9/2021 sẽ hòa vốn, năm 2022 đạt 3 triệu USD GMV. Nếu startup của Hoàng Thạch không đạt được điều kiện đó, Shark Bình có quyền put option (quyền chọn bán).
Startup cho biết không chấp nhận down round (định giá công ty thấp hơn vòng trước). Lúc này, cuộc thương thảo chỉ còn lại Shark Bình.
Hoàng Thạch cho rằng 7,5% advisory share mà Shark Bình đưa ra là quá nhiều. Anh đề nghị Shark Bình đầu tư 500.000 USD cho 5% cổ phần cùng 1% advisory share, kèm cam kết dành 20h/tuần cho Voiz FM.
Không đồng ý với đề nghị này, Shark Bình có biết nếu Hoàng Thạch không chấp nhận đề nghị đầu tư thì Shark có thể hỗ trợ thanh toán trực tuyến, coi như là hỗ trợ startup. Shark Bình lý giải, định giá của startup đưa ra quá cao so với performance (phong độ, hiệu suất) và nhận định "Mối nguy hiểm của startup performance thấp mà định giá cao là càng đi sâu sẽ càng khó gọi vốn".
Shark Bình không có đề nghị nào khác nên startup từ chối đầu tư.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị