Dẫu hiện tại, tâm lý thích dùng những ứng dụng miễn phí vẫn phổ biến, các start-up “trả tiền nghe sách nói” vẫn lạc quan với triển vọng tương lai, nhất là khi có sự hỗ trợ của ngành xuất bản sách truyền thống.
Nhiều lựa chọn
Lê Hoàng Thạch - CEO của WEWE, Công ty sở hữu ứng dụng sách nói Voiz FM - cho biết khi đưa ra ý tưởng nền tảng nghe sách có phí, nhiều người dự đoán không khả thi do tâm lý dùng miễn phí vẫn còn phổ biến.
Nhóm sáng lập đau đầu tìm lời giải cho bài toán kinh doanh: cho đọc miễn phí rồi tìm nguồn thu từ quảng cáo hoặc tài trợ, hay để người dùng đóng phí sử dụng. Cuối cùng, Voiz FM chọn hướng làm sách có bản quyền và thu phí, vì nhận thấy đây là hướng tốt nhất cho hoạt động của công ty và nhận thức người dùng.
Kết quả thực tế khiến Thạch và đội ngũ có phần bất ngờ. Sau một năm chính thức ra mắt, Voiz FM ghi nhận trên 10 triệu phút được người dùng bỏ tiền nghe sách. Thư viện của start-up này tăng lên 2.000 đầu sách thuộc nhiều lĩnh vực từ kinh doanh, văn học, đến triết lý, tôn giáo, lịch sử...
Voiz FM vẫn cung cấp một số đầu sách miễn phí, nhưng đa số là sách có thu phí, với giá mua gói VIP là 199.000 đồng/3 tháng và 699.000 đồng/năm. Đại diện công ty cho biết ứng dụng đang tăng trưởng khoảng 30%/tháng nhờ sách mới được cập nhật liên tục. Nếu giữ vững tốc độ này, doanh thu năm 2021 dự kiến tăng gấp 10 lần năm 2020.
Một ứng dụng nghe sách có thu phí dành cho người Việt khác là Fonos, cho phép người dùng nghe miễn phí chương đầu tiên của một quyển sách trước khi quyết định trả tiền để nghe phần còn lại hay không.
Giá mua riêng lẻ từng quyển trên Fonos khoảng 129.000 đồng, nhưng nếu đăng ký theo tháng gói 99.000 đồng, người dùng có quyền truy cập mọi quyển sách, có thể tải về để nghe khi không kết nối Internet.
Người Việt đã quen với dịch vụ có phí
Theo nhà sáng lập của một công ty sách nói đang hoạt động mạnh tại TP.HCM, mô hình cung cấp dịch vụ miễn phí không bền vững, vì đơn vị phát triển không có tiền tái đầu tư.
Trong khi đó, việc thu phí sẽ có ích cho hệ sinh thái, khi những đối tượng liên quan như tác giả, nhà xuất bản, đội ngũ làm ứng dụng được trả công xứng đáng, có động lực và nguồn lực tiếp tục phát triển.
Theo vị này, nhiều người Việt, đặc biệt là giới trẻ, đã sẵn sàng trả tiền cho các nền tảng nghe nhạc, xem phim như Spotify hay Netflix (khoảng 300.000 thuê bao Việt Nam, số liệu ước tính 10-2020). Hơn nữa, ví điện tử ngày càng phổ biến, thuận tiện cho thanh toán. Vì vậy, sự ra đời của những app nghe sách trả tiền cũng là theo dòng xu thế.
Nhưng ngay cả khi người dùng không ngại trả tiền, điều gì sẽ thuyết phục họ đăng ký một dịch vụ nghe audiobook thay vì mua sách in?
Theo ông Nguyễn Văn Phước, nhà sáng lập Công ty First News - Trí Việt, nhiều độc giả đã thưởng thức từng trang sách in vẫn có nhu cầu khám phá một không gian trải nghiệm mới. Ở đó, họ được phục vụ bởi những giọng đọc chuyên nghiệp trên nền âm thanh hấp dẫn.
|
Chuyện bản quyền
Cũng giống như âm nhạc, theo Lê Hoàng Thạch, chuyện thương thảo bản quyền để chuyển sách in thành sách nói khá rắc rối.
Có những quyển tác giả là người giữ bản quyền, có quyển thuộc về nhà xuất bản, có sách lại do dịch giả nắm. Một số tiểu tiết như nhạc nền, hình vẽ trên bìa đôi khi thuộc sở hữu của bên thứ ba. Do vậy, muốn thu âm một quyển sách nào, đội ngũ của Voiz FM phải tìm hiểu kỹ lưỡng và làm việc với đầy đủ các bên.
Hoàng Thạch khẳng định: “Không chỉ tuân thủ quy định, Voiz FM cũng chung tay bảo vệ tác quyền”. Từ tháng 7-2020, start-up này thường xuyên báo cáo các trường hợp vi phạm bản quyền (đăng tải nội dung do Voiz FM sản xuất hoặc giữ bản quyền) trên những nền tảng YouTube, Spotify...
Trên cơ sở đó, các nền tảng công nghệ này cũng đã hợp tác gỡ hơn 30.000 nội dung sách nói vi phạm bản quyền chỉ trong chưa đầy một năm, trong khi ước tính ban đầu chỉ là vài ngàn nội dung.
Không phải việc sao chép file đọc sách của một đơn vị khác mới là vi phạm. Việc đọc lại một quyển sách nhưng chưa xin phép tác quyền cũng đã sai phạm.
Ông Lê Hoàng - phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - cho biết dù các kênh có thể viện lý do đọc sách vì cộng đồng, nhưng theo quy định vẫn phải xin phép. Có thể một kênh sách nói “vì cộng đồng” không lấy tiền trực tiếp từ người nghe, nhưng lại có nguồn thu từ YouTube, quảng cáo. Nguồn thu đó đến từ việc khai thác tài sản trí tuệ thuộc sở hữu của người khác là hoàn toàn sai.
Dưới góc nhìn của nhà xuất bản, ông Nguyễn Văn Phước cho rằng mối liên kết với những đơn vị làm sách nói uy tín sẽ đưa giá trị của một tác phẩm đi xa hơn. Các tên tuổi sách nói khi lớn mạnh cũng sẽ là nguồn lực chống lại vấn nạn sách giả, sách lậu vốn đầy rẫy hiện nay.■
Nghe sách nói mới đọc sách in Trạm Radio là kênh nghe sách văn chương nổi tiếng với nhiều bạn trẻ, phát sóng trên cả YouTube, Facebook, Soundcloud, Spotify. Là kênh cộng đồng, Trạm Radio lấy nguồn thu duy nhất từ ủng hộ của bạn đọc. Thu Hoài, một trong hai người đảm nhiệm kênh, chia sẻ khi liên hệ các nhà xuất bản xin phép đọc sách cho dự án, nhóm chỉ được trích không quá 40%, thậm chí 20% nội dung sách. Vì vậy, việc chọn lọc phần để đọc phải rất kỹ để lấy phần đắt giá nhất. Về phía nhà xuất bản, tiết lộ một phần nội dung cũng có cái lợi khi dẫn dắt độc giả đến những quyển sách tiềm năng. Nếu nghe trên Trạm Radio thấy hay, người ta có thể đặt mua sách giấy truyền thống. Cũng có trường hợp như một độc giả ở TP.HCM chia sẻ: sách có sẵn ở nhà nhưng không đọc, nghe trích đọc trên Trạm Radio mới thấy “có hứng” và lôi sách giấy ra đọc trọn vẹn. |