Khi miêu tả chiến tranh và những biến động xã hội, tình bạn và tình yêu, Waltari đã thành công trong việc đúc kết những điều quan trọng nhất của con người. Hầu như ở chương nào, người đọc cũng được gặp những câu văn đầy tính triết lý.
“Xưa đã thế và sau này vẫn thế” là một sự đúc kết, chiêm nghiệm cuộc đời được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong tiểu thuyết. Vũ trụ, vạn vật vô cùng rộng lớn, vận hành theo một quy luật khách quan chung không bao giờ thay đổi. Sinuhe nói: “Bởi vì con người về bản chất còn xấu xa, độc ác và tàn bạo hơn cả cá sấu ở dưới sông. Trái tim của anh ta cứng hơn đá. Sự hợm hĩnh của anh ta nhẹ hơn khói bụi. Hãy dìm anh ta xuống sông, khi quần áo khô cong, anh ta lại hệt như trước.” (Sách thứ nhất). Bởi vậy, đừng bao giờ thay đổi thế giới quanh ta mà hãy thay đổi chính mình, thay đổi cách nhìn, cách suy nghĩ của mình về cuộc đời. Mỗi người đều có những suy nghĩ, lối sống, tính cách và quan điểm sống khác nhau.
Cũng giống như Sinuhe và Horemheb trong câu chuyện là bạn thân từ nhỏ nhưng mỗi người đều chọn cho mình một lối sống khác biệt để thực hiện ước mơ. Khi Sinuhe thuyết phục bạn mình với tín ngưỡng thần Aton, Horemheb đã bác bỏ và cho rằng đó là thứ “suy nghĩ ngớ ngẩn”. Cũng chính Sinuhe tiếp tục một mình lên án chế độ xã hội của Horemheb và đi khắp nơi truyền bá tư tưởng công bằng để rồi nhận lại sự kì thị và phỉ báng ngờ nghệch của người đời. Hay như Kaptah đã từng nói với Sinuhe: ““Hành động của con người giống như một hòn đá bị ném xuống nước. Nó bị rơi rất mạnh và nước bắn lên, nhưng sau một thời gian nước lại phẳng và không nhìn thấy đá. Ký ức của con người cũng giống như vậy.” (Sách thứ tư) để ông nhận ra Thành phố Thiên Đường và những triết thuyết về thần Aton của Ekhnaton chỉ là ước muốn hão huyền khiến cuộc chiến tranh đẫm máu xảy ra và chính Pharaon mất đi tính mạng.
Đến cuối cùng, thứ duy nhất làm con người hạnh phúc không phải là quyền lực, không phải là tiền bạc cao sang mà là tình yêu thương và lòng nhân ái – Đây là một triết lí được hầu hết các nhân vật nhận ra dù rõ ràng hay không, sau những cay đắng khổ đau. “Không có sự khác biệt giữa con người với con người, ai cũng trần trụi sinh ra trên đời và trái tim con người là thước đo duy nhất giữa người với người. Không thể đo con người bằng màu da hoặc ngôn ngữ của họ, cũng không thể đo con người theo quần áo hoặc đồ trang sức, và không thể đo con người theo sự giàu có hay nghèo khó của họ mà chỉ bằng trái tim.” (Sách thứ mười lăm) – Sinuhe nói với những người nghèo sau khi đã trải qua những cuộc chiến tranh khốc liệt.
Ông đã nhận ra rằng: “có lẽ sự trả thù mê hoặc con người và vị của nó ngọt ngào, nhưng trong tất cả những bông hoa của cuộc sống, hoa trả thù nở bung và tàn nhanh nhất và đầu lâu người chết nhăn nhở cười, nhạo báng ta từ bên dưới cơn thèm khát trả thù” (Sách thứ mười) khi cố làm thỏa mãn sự thù hận của bản thân với Nefernefernefer nhưng thứ nhận lại là cảm giác trống vắng, tội lỗi. Hay như chính Horemheb khi đã thành công trở thành một Pharaon, thỏa mãn khát khao quyền lực bấy lâu nay, song hắn không hề hạnh phúc với cuộc hôn nhân như vũng bùn lầy cùng người vợ mang nặng nỗi căm ghét và một vọng lâu nhục nhã. Vậy chẳng phải người làm vua cũng như kẻ đang đi đày nơi biển Đỏ chẳng ai sung sướng hơn ai?
Khép lại những trang sách, bên cạnh những cảm xúc, suy tư lắng đọng về tình yêu, tình bạn, tình người, mỗi người đọc chiêm nghiệm ra những quan điểm nhân sinh cho riêng mình. Qua lời kể hấp dẫn, văn phong tả thực với những mô tả nhân vật hài hước nhưng đầy tinh tế và thâm thúy, tác giả Mika Waltari đã khiến cho tác phẩm trở thành một nguồn tư liệu lịch sử quý giá và đồng thời chứa đựng những quan điểm nhân sinh sâu sắc đúng với mọi thời đại.
Những giá trị sâu sắc của cuốn sách là lý do dù ra đời đã lâu nhưng Người Ai Cập - Quyền lực và Tình yêu vẫn là một trong số các tác phẩm kinh điển bán chạy nhất, trở thành Cuốn tiểu thuyết Phần Lan duy nhất được chuyển thể thành phim Hollywood; Được bình chọn là cuốn sách thế kỷ của Phần Lan 2017 và Được dịch sang 41 ngôn ngữ . Tạp chí The New York Times nhận xét cuốn sách là “Một bức tranh toàn cảnh sống động, thú vị về thời cổ đại của một người kể chuyện tài ba”.
Hãy cùng chúng tôi đọc và đồng hành cùng Sinuhe qua những vùng đất cổ xưa – nơi Thebes nhộn nhịp hay thành Babylon xinh đẹp, cảm nhận và chiêm nghiệm về cuộc đời con người tài hoa với số phận nghiệt ngã này nhé.