Tham vọng và bi kịch đời người
Tác giả đã sử dụng bút pháp “truyện trong truyện”, khi cho nhân vật chính Sinuhe trở thành “tác giả” Sinuhe viết lại cuốn tự truyện về cuộc đời mình, để tăng thêm phần hấp dẫn và sự thuyết phục về tính chân thật của toàn bộ câu chuyện. Sinuhe đã mang đến cho người đọc một câu chuyện sử thi bi tráng, ngồn ngộn yếu tố xã hội, bối cảnh lịch sử mà lại gần gủi, quen thuộc với đời sống con người ở mọi thời đại.
Trong xã hội đó, có đầy đủ các giai tầng. Có vua cai trị và thần dân phủ phục. Có sự chinh phạt và lệ thuộc. Có chủ nô và nô lệ. Có người giàu và người nghèo. Có khôn ngoan và ngu dốt. Có niềm tin mù quáng và nỗi ê chề tuyệt vọng của sự mất lòng tin... Nhưng xuyên suốt là bức tranh về những tham vọng không có điểm dừng với quyền lực và của cải, là những mê muội điên cuồng của dục vọng, đã đẩy con người vào chỗ tranh giành, giết hại lẫn nhau. Là sự tàn nhẫn của chiến tranh, sự độc ác của con người, sự dơ bẩn của lòng tham. Là sự dối lừa, đảo điên của thế sự. Tất cả đã đẩy những con người trong vòng xoáy đó vào tận cùng tổn thương, đau khổ và mất mát. Để rồi, từ đó, người đọc nhận ra những triết lý nhân sinh về một cuộc sống cần có để vượt qua đau khổ của con người.
Tập một mở đầu với hình ảnh danh y Sinuhe, khi ấy đã là một kẻ bị lưu đày, kể lại việc viết cuốn sách về cuộc đời đầy bi thảm của mình, trong bối cảnh các cuộc chiến tranh giành quyền lực và chiến tranh xâm chiếm diễn ra liên miên trong lòng đất nước Ai Cập cổ đại, và các nước lân bang.
Danh y Sinuhe là đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, ai đó đã đặt trong một chiếc thuyền sậy thả trôi trên sông Nile. Sinuhe được cha mẹ nuôi là lương y nghèo Senmut và Kipa nhân hậu nuôi dưỡng bằng tất cả tình thương yêu, chăm chút. Họ đã cho anh một tuổi thơ dù nghèo khó nhưng đầy hạnh phúc. Lớn hơn một chút, Sinuhe được cha nuôi nhờ cậy một người bạn cũ là danh y trong hoàng gia gởi vào học ngành y trong đền thờ thần Amon.
Khi Sinuhe trở thành danh y, bắt đầu kiếm sống được bằng nghề chữa bệnh và mua được một nô lệ, thì anh rơi vào cạm bẫy đầu tiên trong cuộc đời, cạm bẫy của sắc dục. Nefernerfernefer, một phụ nữ nóng bỏng, đầy kinh nghiệm, nhưng vô cùng tham lam, hiểm độc, đã lợi dụng sự sa ngã, say mê sắc dục đến mức chìm đắm trong mê muội của Sinuhe, để tước đoạt của anh tất cả của cải, kể cả phần mộ mà cha mẹ nuôi của anh chuẩn bị cho họ. Để cuối cùng, Sinuhe mất tất cả; cha mẹ nuôi của anh phải chết trong đau khổ, không nơi chôn cất.
Đi để học từ sai lầm
Quá xấu hổ, Sinuhe đã cùng người nô lệ trung thành của mình là Kaptah rời bỏ Ai Cập, đến Simyra (Syria) kiếm sống bằng nghề thầy thuốc. Từ đó, anh bắt đầu hành trình phiêu bạt qua nhiều vùng đất; chịu nhiều thử thách; trải nghiệm nhiều vui buồn, sướng khổ, mất mát, đắng cay. Anh phải chứng kiến sự tàn bạo của chiến tranh, sự độc ác đến tận cùng của con người, nhưng cũng đón nhận nhiều rung cảm ấm ấp của tình người.
Trên bước đường phiêu bạt đó, khi đến xứ Mitanni của người Hittite, Sinuhe đã gặp được Minea, một cô gái trong sáng, họ yêu nhau chân thành. Tình yêu đó đã xoa dịu Sinuhe, lòng anh đầy vui sướng khi kể lại: “đêm đó tôi muốn làm điều tốt với tất cả mọi người, trong lòng tôi không có đến một ý định xấu xa nào, mỗi người đàn ông là anh em trai tôi, mỗi phụ nữ là mẹ tôi và mỗi thiếu nữ đều là em gái tôi, ở miền đất đen cũng như tất cả các miền đất đỏ, dưới cùng một bầu trời vằng vặc ánh trăng”.
Nhưng rồi vì niềm tin mù quáng, Minea đã tự nguyện trở thành vật hiến tế cho thần. Cái chết của Minea một lần nữa khiến Sinuhe thấy cuộc đời mình sụp đổ. Nhờ sự an ủi và tận tuỵ của nô lệ Kaptah, Sinuhe quyết định trở về quê nhà Ai Cập sau nhiều năm phiêu bạt. Chuyến trở về đầy cảm xúc “Tôi lại ở quê nhà sau khi đã đi hết nhiều con đường lầm lỗi và ở nhiều miền đất, vừa trốn tránh bản thân, vừa thu thập kiến thức”.
Nhưng những kiến thức đó liệu có ích gì không? Và quê nhà có cho anh một chốn nương thân yên ổn khi vẫn hàng ngày chìm đắm trong cuộc đấu đá tranh giành quyền lực. Cuộc đời càng thử thách anh khắc nghiệt hơn khi anh gặp lại người bạn cũ - Horemheb, trở thành ngự y tin cậy của Pharaon Ekhnaton, và bị cuốn vào vòng xoáy tranh giành quyền lực, của cải, sắc dục.
Bi kịch với Sinuhe còn khủng khiếp hơn những năm tháng đã trải qua, khi anh lờ mờ phát hiện mình là một trong những hoàng tử, con của Pharaon Amenhotep Đệ Tam, đã bị thả trôi sông ngay sau khi vừa được sinh ra, do đấu đá hậu cung. Một sự thật quá đau đớn. Một tội ác không thể dung thứ. Sinuhe đã đối diện sự thật đó như thế nào? Anh đã làm gì? Tâp hai Người Ai Cập - Quyền lực & tình yêu sẽ giải quyết trọn vẹn bi kịch đó.
Không chỉ tranh giành quyền lực
Không chỉ là câu chuyện tranh giành quyền lực, qua tiểu thuyết, tác giả cũng đưa ra nhiều triết lý nhân sinh đáng suy ngẫm; những mô tả sống động về cuộc sống, con người, cảnh đẹp thiên nhiên làm xao động lòng người; những thủ thỉ về tình người làm xúc động nhân tâm; những kiến thức về ngành y thời Ai Cập cổ đại đáng kinh ngạc; những quan niệm về tự do, tôn giáo đáng suy nghĩ. Ví dụ, khi ông viết những điều này:
“Đối với một danh y, không điều gì là quá thần thánh và danh y không chịu khuất phục trước điều gì ngoài cái chết, đó là lời dạy của bố tôi”.
“Ông Oneh dạy chúng tôi luật lệ và đạo đức của Ai Cập cổ đại. Không có hành vi xấu nào thoát khỏi sự trừng phạt”.
“Người ta luôn lượn lờ từng đoàn quanh những điều giả dối giống như bầy ruồi bu quanh những chiếc bánh mật; lời người kể chuyện tỏa hương thơm ngát dù góc phố nơi anh ta ngồi đầy phân súc vật, còn sự thật thì người ta trốn chạy”.
“Sự thật là con dao sắc, sự thật là vết thương vô phương cứu chữa trong con người, sự thật là nước kiềm đắng cay gặm nhấm tâm can”.
“Quyền lực giống như một cây sậy trong tay con người... cây sậy bị gãy và con chim khôn ngoan kịp bay sang đung đưa trên ngọn cây khác”.
Hay cái nhìn của tác giả về người nghèo: “Tôi đã học để nhận ra nếu người giàu có và quyền quí ở tất cả các nước và các thành phố lớn đều giống nhau và suy nghĩ theo cùng một cách, thì người nghèo ở tất cả các nơi cũng giống nhau và suy nghĩ như nhau, mặc dù phong tục họ khác nhau và thần linh của họ có tên khác nhau. Tôi học để nhận ra người nghèo nhân hậu hơn người giàu, vì khi nghĩ chúng tôi nghèo, họ đã cho chúng tôi cháo và cá khô từ lòng tốt của mình, không mong chờ chúng tôi tặng lại họ thứ gì, trong khi người giàu dùng gậy xua đuổi người nghèo đi và miệt thị họ”.