Nền văn minh Ai Cập cổ đại được biết đến như ánh hào quang rực rỡ nhất của thế giới cổ đại khiến hậu nhân thán phục và mải mê tìm kiếm câu trả lời cho những bí ẩn. Trọn bộ 2 tập tiểu thuyết “Người Ai Cập – Quyền lực và tình yêu” của tác giả Mika Waltari mở ra cánh cửa bước vào thế giới xa xưa, giúp độc giả có trải nghiệm đầy hấp dẫn về lịch sử cổ đại huyền bí và cuộc sống đời thường Ai Cập.
Mika Waltari là nhà văn Phần Lan có văn nghiệp đồ sộ với hơn 100 tác phẩm được xuất bản, bao gồm ít nhất 30 tiểu thuyết, 20 vở kịch và 15 truyện vừa. Ông đã năm lần được trao giải thưởng văn học nhà nước của Phần Lan. Đặc biệt sự thành công của kiệt tác “Người Ai Cập – Quyền lực và tình yêu” đã khiến ông trở thành một trong những nhà văn nổi tiếng nhất thế kỉ XX.
“Người Ai Cập – Quyền lực và tình yêu” là tiểu thuyết lịch sử gồm Mười lăm sách kể về cuộc đời danh y Sinuhe những năm 1390-1335 trước Công lịch. Sinuhe, nhân vật chính – người kể chuyện, là một đứa trẻ bị bỏ trôi sông, được vợ chồng thầy thuốc nghèo không có con mang về nuôi. Nhờ sự hướng đạo của cha, Sinuhe đã theo học nghề y để nối nghiệp cha, chữa bệnh cho người nghèo. Nhờ có đôi tay khéo léo và tài chữa bệnh, Sinuhe trở thành một danh y nổi tiếng, bạn và ngự y riêng của Pharaon Ekhnaton, bạn của tể tướng Horemheb, người sau này cũng trở thành Pharaon. Thế nhưng “những gì viết lên các vì sao trong ngày được sinh ra” đã đẩy đưa Sinuhe đến với biết bao thăng trầm, đau khổ và cuối cùng bị chính người bạn từ thuở hàn vi đuổi khỏi quê hương Ai Cập và sống hết cuộc đời ở chốn lưu đày.
Từ nơi bị giam lỏng ấy Sinuhe đã viết lại những nỗi đắng cay, oan nghiệt cũng như những hạnh phúc hiếm hoi trong cuộc đời mình thành cuốn sách này chỉ để “cho mình” và cũng để “gột rửa mình”. Đó là điều mà Sinuhe tuyên bố ngay từ trang đầu cuốn sách:
“Tôi viết cuốn sách này cho mình, bởi vì sự hiểu biết như nước kiềm ăn mòn trái tim tôi và tôi đã đánh mất tất cả những niềm vui có được trong cuộc đời. Tôi viết cuốn sách này, bởi rượu đắng chát trong cổ họng mình. Tôi viết cuốn sách này, vì tôi đã không còn muốn vui thú với đàn bà và những vườn cây, ao cá không còn làm tôi thấy vui mắt.” Và “Cuốn sách này do Sinuhe, kẻ bị lưu đày, người khốn khổ nhất trong tất cả những người nghèo khổ ở Kemet, viết ra.”
“Người Ai Cập – Quyền lực và tình yêu” không chỉ lôi cuốn bởi cốt truyện hấp dẫn, logic mà còn bởi những bài học sâu sắc về trái tim con người – một trái tim vốn sinh ra là để yêu thương nhưng hằn xước vì những đắng cay cuộc đời. Trong bối cảnh những tranh giành quyền lực trong vương triều và những cuộc chiến tranh dã man, tàn bạo giữa các vương quốc vẫn nổi bật lên khát vọng yêu thương của con người, không chỉ là tình yêu nam nữ mà còn là tình bằng hữu cao cả.
Nổi bật trong tác phẩm là chuyện tình yêu giữa Sinuhe với kỳ nữ Nefernefernefer, với trinh nữ Minea xứ đảo Crete và với Merit, nữ hầu bàn quán rượu ở Thebes. Ba mối tình là những cung bậc tình yêu và bi kịch khác nhau đã được Waltari miêu tả một cách đầy cuốn hút bằng ba chương riêng (Sách thứ tư, Sách thứ bảy và Sách thứ mười một) trong tổng số mười lăm sách của tác phẩm.
Nếu Nefernefernefer là ngã rẽ đau khổ của mối tình đầu non nớt, ngây dại với những rung động đầu đời – người để lại cho Sinuhe bài học rằng “đàn bà có bản tính của loài mèo, cũng rất thích đùa giỡn, vờn con mồi của nó và dùng vuốt sắc làm đau con mồi không biết chán” hay Minea là mối tình chớm nở tàn nhanh để Sinuhe đau đớn vụt mất tình yêu trong sự bàng hoàng hụt hẫng thì Merit là tình yêu cuối cùng của đời ông với tất cả những dịu êm như vỗ về sau bao cơn sóng cuộn. Sinuhe từng nói:
“Merit ạ, em là nhà của anh và là tổ quốc của anh. Em là bánh mì trong tay anh và rượu trong miệng anh. Em là người duy nhất trên thế gian khiến anh không còn cô đơn khi ở bên và anh yêu em vì điều đó.”
Ngoài ra chúng ta còn bắt gặp tình yêu đơn phương, vụng trộm của Horemheb với công chúa Baketaton, ham muốn nhục dục của quản gia hậu cung Mehunefer với Sinuhe, của Thái hậu Teje với quốc trượng Eje. Các mối tình chiếm một phần lớn và được miêu tả một cách cuốn hút trong tác phẩm cuốn độc giả vào thế giới thần thoại cổ đại đầy hấp dẫn.
Trong suốt cuộc đời Sinuhe, tình bạn giữa ông và hai Pharaon trong cuộc chiến vương quyền nghiệt ngã được tái hiện qua những thăng trầm lịch sử. Sinuhe đã từng nhận lệnh trở thành tai mắt của Horemheb, đi khắp nơi tìm hiểu về tiềm năng quân sự của các quốc gia lâu đời (Sách thứ tám) với niềm tin tuyệt đối về tình bạn, tình yêu và lòng trung thành tuyệt đối với đất nước mà không ngờ rằng chính nó đã biến ông thành một kẻ giết người thay vì làm một thầy thuốc chân chính.
Có thể nói, bên cạnh một Horemheb thèm khát quyền lực là một Ekhnaton hiền hòa với ước mong cải tổ Ai Cập thành một đất nước “tất cả mọi người đều bình đẳng, và trong trật tự thế giới mới sẽ không còn nô lệ và chủ nhân”(Sách thứ mười), Sinuhe tìm thấy tiếng nói chung và nguyện chiến đấu đến cùng với Ekhnaton. Thế nhưng, nghiệt ngã thay, khi thất bại của cuộc đấu tranh trở thành hiện thực, Ekhnaton chết sau khi uống phải chén thuốc độc do Sinuhe cay đắng pha dưới sự ép buộc của Horemheb.
Sự ra đi của một người bạn để lại mùi máu tanh trên đôi bàn tay tội lỗi khiến Sinuhe ân hận đến cuối cuộc đời mình. Khi ấy ông đã giết người bạn thân của mình vì tin rằng đó là điều tốt nhất cho quê hương, rằng đó là cách duy nhất để kết thúc chiến tranh. Thế nhưng, sau này khi Horemheb đã lên nắm quyền, ông dần nhận ra người bạn sớm đã được mệnh danh là “con trai của diều hâu” đã không còn là cậu bé thời niên thiếu mà tất cả những gì ông thấy chỉ là kẻ đa nghi khát khao quyền lực và chiến tranh để rồi bị chính người mình tin tưởng đày đi xứ lạ. Sinuhe từ một trái tim ngây thơ giàu lòng trắc ẩn nhuốm màu tội lỗi để rồi lại trở về gột rửa những đau thương.
Bên cạnh tình yêu giữa người với người, tác phẩm còn thể hiện tình yêu vô bờ của Sinuhe đối với thành phố Thebes quê hương và đất nước Ai Cập của ông: “Ai đã từng sinh ra ở Thebes sẽ khát khao trở lại Thebes, bởi lẽ trên trái đất không có thành phố nào giống như Thebes” (Sách thứ nhất). Câu nói của Sinuhe “Ai đã từng một lần uống nước sông Nile người đó sẽ khát khao trở lại sông Nile. Nước ở bất cứ nơi nào khác không thể làm anh ta nguôi cơn khát” được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần như một “điệp khúc” trong tác phẩm thể hiện tình yêu cuồn cuộn chảy trong máu thịt với mảnh đất quê hương.
Hình ảnh “Những túp lều đất, mùi phân súc vật và mùi khen khét của cá rán trong dầu” nơi những ngõ nhỏ của khu phố nghèo ở Thebes luôn hiện về trong tâm trí Sinuhe những lúc phiêu dạt nơi đất khách. Trước khi bị đày khỏi Ai Cập, Sinuhe nói: “Tôi không hề sợ cô đơn, vì cả đời tôi chỉ có một mình và sinh ra tôi đã cô đơn, nhưng trái tim tôi tan chảy vì buồn khi nghĩ rằng tôi sẽ không bao giờ được nhìn lại Thebes, không bao giờ được cảm nhận lớp bùn mềm của đất Kemet dưới chân mình cũng như sẽ không bao giờ được uống nước sông Nile nữa.” (Sách thứ mười lăm).
Và, trước khi bị giải đi đày nơi xa xứ, Sinuhe chỉ xin Horemheb: “Tôi cũng muốn chào tạm biệt Thebes, đi dọc Đại lộ Nhân Sư một lần nữa và cảm nhận mùi nhang khói cúng thần linh trong những cột sặc sỡ của ngôi đền lớn và mùi cá rán vào lúc chập tối ở khu phố nghèo khi những người vợ nhóm lửa trước những túp lều đất sét và những người chồng đi làm về vai sệ xuống vì mệt mỏi.” (Sách thứ mười lăm).