Ở Trung Quốc vào những năm 2010, có một nghiên cứu về hiện tượng “bộ tộc kiến” từng gây xôn xao dư luận: những người trẻ tốt nghiệp đại học thuộc thế hệ 8x, nhập cư vào các thành phố lớn với hy vọng tìm một cuộc sống tốt hơn, nhưng rốt cuộc họ thất nghiệp triền miên hoặc chỉ tìm được những công việc lương thấp. Vì không thích nghi được với thị trường việc làm, những cử nhân này chấp nhận sinh sống ở những nơi tồi tàn và kiên nhẫn chờ thời, sống theo bầy đàn nên được ví như loài kiến…
Trong cuốn sách “Lời khuyên dành cho thầy cô”, nhà khoa học kiêm giảng viên kỳ cựu John Vu đã nêu ra những thách thức của thế giới việc làm hiện nay, cùng những thay đổi cần có trong hệ thống giáo dục.
Một thế giới việc làm không còn như cũ
Công nghệ và toàn cầu hoá đã làm thay đổi hoàn toàn cách thức vận hành của các công ty. “Tự động hóa quy trình sản xuất đang xảy ra ở mọi nơi trên thế giới, từ Mỹ, châu Âu tới châu Á và sắp tới sẽ là châu Phi”, giáo sư viết trong cuốn sách, “Những công việc cần lao động phổ thông đang mất đi nhanh chóng do tự động hóa và công nghệ robot”.
Bên cạnh đó, nhu cầu về việc làm dựa trên tiến bộ khoa học và công nghệ ngày càng gia tăng, để hỗ trợ cho các công việc như kiểm soát sản xuất, quản lý kho, tự động hóa công việc văn phòng, tối ưu hóa quy trình… Xu hướng này tạo ra sự thiếu hụt nguồn nhân lực có kỹ năng thiên về công nghệ.
Chưa hết, nhờ vào kết nối internet, việc làm dễ dàng được dịch chuyển từ nước này sang nước khác, và sinh viên tốt nghiệp không chỉ cạnh tranh về việc làm ở trong nước mà với cả sinh viên nước ngoài.
Giáo sư nêu ví dụ: “Ở Tây Ban Nha, Hy Lạp và Ý, những nước mà trước đây không lâu đã từng là những nền kinh tế mạnh và không thiếu việc làm, nền kinh tế nhanh chóng trở nên sa sút vì phần lớn công việc đã được dịch chuyển sang các nước Đông Âu như Ba Lan, Hungary và Czech, vì chi phí nhân công ở các nước này thấp hơn khi họ gia nhập Liên minh châu Âu”.
Trong thị trường việc làm cạnh tranh gay gắt, có những thói quen giảng dạy bỗng trở nên cũ kỹ và tụt hậu, không giúp ích gì cho những cử nhân tương lai. Thầy đọc trò chép, nhồi nhét kiến thức thay vì rèn luyện năng lực thực tế, giáo trình cũ kỹ không tương thích với công nghệ thay đổi chóng mặt, hay tâm lý phụ thuộc vào tấm bằng đại học… là những điều mà giáo sư John Vu kêu gọi cần thay đổi - nếu người học và người dạy không muốn chứng kiến một “bộ tộc kiến” vô vọng tiếp theo ra đời.
5 điểm trường học cần thay đổi
Vậy, một nền giáo dục thích nghi tốt với thời đại cần có những gì? Vị giáo sư đã đưa ra những gợi ý đột phá trong cuốn sách “Lời khuyên dành cho thầy cô”.
Sinh viên thuộc bất cứ ngành học nào đều cần có hiểu biết nhất định về thị trường việc làm thế giới, sự cạnh tranh giữa các quốc gia, xu hướng công nghệ của các nước, xu hướng kinh doanh và cơ hội nghề nghiệp toàn cầu.
"Cách tốt nhất để các trường đại học làm được điều này là phát triển các chương trình đào tạo mới, đáp ứng tiêu chuẩn của nền công nghiệp toàn cầu, không chỉ thị trường trong nước”, tác giả nhấn mạnh.
Những cải tiến này cần hết sức nhanh chóng. “Khi biết được rằng sinh viên đại học của nhiều nước đang phải học theo những giáo trình được viết từ nhiều năm trước, tôi tự hỏi tương lai của họ sẽ ra sao”, GS John Vu bày tỏ.
Giáo sư kể rằng, tại nơi ông đang giảng dạy, một giảng viên trẻ từng tới gặp ông và đề nghị phát triển một môn học tên là “Phương pháp tính toán trong khoa học thần kinh”, một môn tích hợp giữa sinh học với khoa học máy tính, kỹ thuật, toán học. Vị giảng viên trẻ này tin rằng đây là một môn học mới quan trọng đối với sinh viên.
“Với cương vị người quản lý, tôi hỏi anh ấy: “Thầy nghĩ chúng ta có thể mất bao lâu để đưa sáng kiến này vào chương trình giảng dạy?”. Anh ấy dự báo: “Sẽ mất khoảng hai năm”. Tôi hỏi tiếp: “Nếu đây là một môn học thiết yếu, tại sao phải đợi đến hai năm?”. Anh ấy nghĩ một lúc rồi nói: “Tôi có thể hoàn tất trước cuối năm tới”. Tôi bảo anh ấy: “Thầy sẽ có cả mùa hè để chuẩn bị và tôi muốn chúng ta có thể đưa môn học vào chương trình trong đầu năm học tới”. Kết quả là chúng tôi đã trở thành trường đại học đầu tiên ở Mỹ dạy môn học mới mẻ này”, giáo sư cho biết.
GS John Vu cho rằng chẳng bao lâu nữa, người học và nhà tuyển dụng có thể tin tưởng các hình thức “giáo dục công nghệ”, như khóa học trực tuyến mở đại trà hay đại học trực tuyến, và do đó, sẽ phụ thuộc ít hơn vào trường học truyền thống lẫn tấm bằng đại học.
“Đến lúc đó, các công ty sẽ không còn cần đến giáo dục truyền thống vì họ đã có nguồn cung cấp nhân lực “đúng người, đúng việc” từ hệ thống giáo dục mới”, ông nhận định. “Google, Facebook, LinkedIn, Microsoft, Amazon đã bắt đầu thuê người không cần bằng cấp, nhiều người trong số họ chỉ hoàn thành các khóa học đại trà trực tuyến”.
Giáo sư chỉ ra một “mô hình lớp học mới” của tương lai, trong đó người thầy đóng vai trò là người cố vấn, còn học sinh là người học chủ động.
Truyền cảm hứng, khơi gợi đam mê, động viên và quan tâm, giúp học sinh định hướng tương lai, mở mang về thế giới thực không ngừng thay đổi… là những điều sinh viên thời nay cần ở giáo viên, cũng là những điều không máy móc nào thay thế được. Và tất nhiên, một nhà giáo với vai trò đơn thuần là truyền đạt kiến thức đã mãi mãi là câu chuyện của quá khứ.
“Có mối tương quan chặt chẽ giữa chất lượng nền giáo dục với mức tưởng thưởng xứng đáng về tài chính mà thầy cô giáo nhận được từ nghề của họ”, tác giả nhấn mạnh. Khi mức lương của thầy cô giáo không đủ trang trải các chi phí, thì họ cũng không thể cống hiến mọi nỗ lực vào việc dạy học.
“Chúng ta phải đầu tư vào các chương trình đào tạo thầy cô giáo và xem việc đảm bảo thu nhập cho thầy cô giáo là cách chúng ta đầu tư tương lai, vì thầy cô giáo là những người đang giữ chìa khóa cho sự thịnh vượng của thế hệ tương lai”, giáo sư John Vu kết luận.