Nhiều năm trước, khi tôi dạy chuyên ngành kỹ sư phần mềm ở Trung Quốc, một giáo sư dạy môn kinh tế đưa tôi đến một khu công nghiệp, nơi hàng trăm cơ xưởng đang hoạt động. Ông ấy nói: “Chúng tôi có lực lượng lao động rộng khắp và chi phí thấp nhất thế giới. Mục đích của chúng tôi là trở thành công xưởng của thế giới”. Tôi hỏi: “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu thế giới không còn nhu cầu về nhân công?”. Ông ấy cười: “Các nhà máy chế tạo luôn cần nguồn nhân lực, làm sao chuyện đó có thể xảy ra được?”.
Khi sinh viên tốt nghiệp không có việc làm
Đúng là vào thời điểm đó thì như vậy. Nhưng gần đây, khi tôi quay trở lại dạy ở Trung Quốc, vị giáo sư ấy cho tôi biết nạn thất nghiệp ở đây đang gia tăng. Ông ấy nói: “Công nghệ đang thay đổi nhiều thứ và tự động hóa đã thế chỗ nhiều nhân công. Ngày càng có nhiều người lao động không có việc làm. Khi nền kinh tế thịnh vượng, chỉ số tiêu dùng cao sẽ kích thích các công ty sản xuất nhiều hơn và cần nhiều nhân công hơn, nhưng nền kinh tế không phát triển như mong đợi”.
Tôi đồng cảm với ông ấy: “Lý thuyết đó chỉ đúng trong quá khứ. Với xu hướng toàn cầu hóa, các nhà máy trên thế giới sẽ được dịch chuyển đến bất kỳ nơi nào có chi phí thấp nhất vì các doanh nghiệp cần tối đa lợi nhuận. Ngày nay, Trung Quốc không còn là nước có chi phí thấp nhất thế giới và không thể cạnh tranh được với các nước có chi phí thấp hơn, chẳng hạn như ở châu Phi. Tuy nhiên, xu hướng đó chỉ mới bắt đầu, chẳng mấy chốc công nghệ tự động hóa tinh vi sẽ dẫn đến việc robot thay thế nhân công, thì ngay cả các nước có chi phí thấp nhất cũng không thể cạnh tranh với máy móc tự động.
Tôi nghĩ các nhà kinh tế cũng cần nghiên cứu về công nghệ để hiểu những thay đổi xảy ra trong thời đại thông tin này. Nhiều học thuyết kinh tế đang được giảng dạy vốn dành cho thời đại công nghiệp - thời đại mà chi phí thấp và xuất khẩu sản phẩm là những nhân tố then chốt. Ngày nay, những học thuyết này đã không còn phù hợp nữa. Thay vì tập trung vào sản xuất và xây dựng thêm nhiều nhà máy, các ông nên ưu tiên cải tiến giáo dục trong lĩnh vực công nghệ để đào tạo ra nhiều lao động trí thức trước khi quá muộn”.
Ông ấy thắc mắc: “Hiện nay chúng tôi có nhiều sinh viên đại học hơn bao giờ hết và số người tốt nghiệp đại học đang tăng lên tới vài triệu người mỗi năm. Chúng tôi đều hy vọng rằng thế hệ này sẽ có những cơ hội tốt hơn thế hệ trước nhưng trong một số lĩnh vực vẫn có nhiều sinh viên tốt nghiệp không có việc làm, làm thế nào họ có thể đóng góp được cho nền kinh tế?”.
Tôi nêu quan điểm: “Vấn đề là nền kinh tế của các ông vẫn dựa trên việc gia công sản xuất. Nếu không ưu tiên tạo ra môi trường việc làm cho người lao động có trình độ cao, nhiều sinh viên ra trường sẽ không tìm được việc làm phù hợp. Một vấn đề nữa là hệ thống giáo dục ở đất nước các ông hầu như không có sự đổi mới đáng kể, nên sinh viên tốt nghiệp không có những kỹ năng mà thị trường việc làm toàn cầu đang cần. Do đó, những người tốt nghiệp đại học không thể đi làm việc ở nước khác, trong khi khắp nơi trên thế giới đều đang thiếu hụt các chuyên viên có kỹ năng”.
Vị giáo sư đồng ý với tôi và cho rằng đó là một khoảng cách khó lấp đầy. Đó là lý do tại sao trong xã hội Trung Quốc có hiện tượng “bộ tộc kiến”, tức là tình trạng hàng triệu người tốt nghiệp đại học không có việc làm, ở lại thành phố, sống chen chúc trong tầng hầm của các tòa nhà hay khắp các ngõ hẻm để kiếm việc làm. Nhiều người nản chí, sa vào các hoạt động phạm pháp hay nghiện ngập. “Ông đã đọc quyển sách Bộ tộc kiến của giáo sư Liêm Tư chưa?”, vị giáo sư hỏi tôi.
Một “thế hệ bị lãng phí”
“Bộ tộc kiến” chỉ những người trẻ tốt nghiệp đại học thuộc thế hệ 8x, nhập cư vào các thành phố lớn với hy vọng tìm một cuộc sống tốt hơn nhưng thất nghiệp triền miên hoặc chỉ tìm được những công việc lương thấp, trái với ngành nghề, sinh sống ở những nơi tồi tàn và kiên nhẫn chờ thời (sống theo bầy đàn như loài kiến). Tác phẩm Bộ tộc kiến là kết quả của một nghiên cứu trong hai năm, phỏng vấn 600 sinh viên có bằng đại học sống lây lất ở vùng ven các thành phố lớn Trung Quốc.
Tôi nói với ông là tôi đã đọc quyển sách. Thật đáng buồn khi những người có trình độ đại học lại không thành công với nghề nghiệp mình đã chọn. Tôi cũng nói thêm với ông: “Với trách nhiệm của người làm giáo dục, chúng ta cần tìm ra giải pháp vì nếu không có giải pháp đúng đắn, chúng ta sẽ có một ‘thế hệ bị lãng phí’ và có thể trở thành gánh nặng cho xã hội. Một hệ quả rất có thể xảy ra là những người bị thất nghiệp trong một thời gian dài sẽ trở nên tách biệt khỏi xã hội và tham gia vào những hoạt động không mong muốn hay trái đạo đức. Nhiều nhà kinh tế đã cảnh báo về những quả bom hẹn giờ này”.
Vị giáo sư trông có vẻ tâm tư: “Tôi biết điều đó. Tôi cùng với các giáo sư kinh tế học khác đang thảo luận về việc làm thế nào để chuyển biến nền kinh tế từ nền kinh tế sản xuất sang nền kinh tế sáng tạo”.
Tôi gửi gắm vài lời với ông: “Để làm được điều này, mọi thứ đều phải bắt đầu từ hệ thống giáo dục. Hiện nay chỉ có vài nước đi đúng hướng như Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore. Nhiều nước khác vẫn còn tin rằng chỉ cần chuyển đổi mục tiêu phát triển quốc gia từ ‘công xưởng của thế giới’ thành ‘trung tâm công nghệ cao’ thì đã thành công. Đây là quan điểm sai lầm vì sáng tạo công nghệ đòi hỏi phải có lao động tri thức làm lực lượng then chốt chứ không đơn thuần chỉ cần xây dựng thêm nhiều khu công nghệ. Sự chuyển đổi phải bắt đầu từ một nền giáo dục lấy công nghệ làm then chốt, trong đó giáo dục STEM cần được chú trọng.
Một thực tế đáng lưu ý là nền kinh tế sản xuất đòi hỏi ‘sức mạnh cơ bắp’ trong khi nền kinh tế sáng tạo đòi hỏi ‘sức mạnh trí não’. Do đó, một hệ thống giáo dục mạnh là điều kiện tiên quyết. Khuyến khích nhiều học sinh thi vào đại học là cách để phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng, hướng đến xây dựng nền kinh tế dựa trên sáng tạo công nghệ. Nhưng nếu hệ thống giáo dục không được cải tiến đồng thời bằng cách chú trọng hơn vào lĩnh vực công nghệ thì các ông sẽ chỉ tạo ra một thế hệ tốt nghiệp đại học ‘dễ bị tổn thương về kinh tế’ với khả năng thất nghiệp cao”.