Trong hệ thống thiền Vipassana - loại hình thiền định nguyên thủy của Phật giáo, thiền là biết rõ từng tâm niệm bên trong mình. Khi biết đến cùng, ta sẽ có thể đi đến giác ngộ và giải thoát. Thiền sư Ajahn Brahm là một trong những vị cao tăng, người thầy dẫn dắt tâm linh của hàng ngàn môn đệ và là tác giả của nhiều đầu sách về thiền định theo trường phái này. Trong cuốn sách “Hạnh phúc đến từ sự biến mất”, Ajahn Brahm đã đưa ra những quan điểm sâu sắc về khổ đau, vô ngã và thiền định. Qua đó, thiền sư mở ra một cách nhìn mới về hạnh phúc – không phải từ những giá trị bên ngoài mà là việc hiểu và buông bỏ cái tôi, cái ngã để thoát khỏi bể khổ từ bên trong.
Một chân lý quan trọng được thiền sư phân tích và đề cập trong cuốn sách là bể khổ. Ajahn Brahm viết: “Chúng ta đổ lỗi cho cỗ máy bị hư, nhưng bản chất tự nhiên của cỗ máy là hư. Sự vật hiện tượng bị hư hỏng, trục trặc, còn chúng ta thì sầu khổ. Do vậy, ta phải thay đổi thái độ của mình và ngừng chống chọi. Khi con người ngưng chống lại thế gian và bắt đầu hiểu về sầu khổ, ta sẽ nhận được phản ứng khác. Phản ứng đó gọi là Tuệ nibbidā (Tuệ chán nản).”
Tuệ nibbidā là cấp độ thứ 8 trong 16 cấp độ thiền Tuệ - khi ta nhận ra sầu khổ là hiện tượng tự nhiên của vòng luân hồi. Mọi tài sản, vật chất, mối quan hệ diễn ra trong đời đều là vô thường, đều có thể đột ngột thay đổi hay rời đi. Thay vì sầu khổ, tiếc nuối hay lo lắng cho những thứ không kiểm soát được, ta nên học cách buông bỏ, và rồi cái khổ sẽ dần tan biến, nhường chỗ cho trạng thái tự do nội tại. Hãy bắt đầu bằng cách thực hành thiền định và quán sát bản thân, đối diện trực tiếp với những cảm xúc tiêu cực của chính mình và vượt qua chúng. Khi cái tôi không còn chiếm hữu và kiểm soát tâm trí, bạn sẽ có thể tìm thấy sự bình an sâu thẳm bên trong mình.
Tuy nhiên, để đến được giai đoạn của Tuệ nibbidā, người tu tập cần phải trải qua một quá trình rèn luyện đòi hỏi sự dũng cảm to lớn, bởi chúng ta thường có xu hướng muốn trốn tránh thực tại đau khổ. Cuốn sách “Hạnh phúc đến từ sự biến mất” không khuyến khích tâm lý bi quan hay từ bỏ cuộc sống, mà chuyển hướng sự chú tâm của đại chúng từ việc tìm kiếm hạnh phúc bên ngoài sang giải thoát bản ngã bên trong. Kết hợp giữa triết lý Phật giáo và thực hành thiền tuệ, cuốn sách là một kim chỉ nam dẫn lối cho những ai đang tìm kiếm hạnh phúc và ý nghĩa thực sự của cuộc sống.