Thế nhưng, chúng ta thường chỉ hướng tâm một chiều trên chặng đường sự sống. Chúng ta luôn mong muốn có công việc mình yêu thích, lương cao, người yêu hoàn hảo... Khi mọi thứ đi ngược lại mong cầu, chúng ta tự sanh tâm đau khổ. Nếu mọi bài toán trên đời này đều thuận theo lòng người thì hẳn vũ trụ đã trở nên rối loạn. Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?
Muốn hạnh phúc, tâm chúng ta phải vững. Tâm vững để nhìn thấy cuộc đời này còn biết bao điều kỳ diệu. Chúng ta còn hơi thở, còn sức khỏe, còn công việc, còn gia đình... còn được sống. Bấy nhiêu món quà đó luôn tồn tại mỗi ngày. Chỉ là thỉnh thoảng, chúng ta mải mê tìm hạnh phúc bên ngoài mà quên nuôi dưỡng mầm cây hạnh phúc bên trong. Chỉ cần nuôi dưỡng mỗi ngày một chút chánh niệm, hạnh phúc sẽ đâm chồi, nở hoa.
Trong cuốn sách "Hạnh phúc đến từ sự biến mất", thiền sư Ajahn Brahm đã nhẹ nhàng chia sẻ những trải nghiệm và suy nghĩ của mình về con đường đi tìm hạnh phúc vĩnh hằng. Đó chính là con đường chánh niệm, diệt trừ cái tôi, trở nên “vô ngã” của Đức Phật từ ngàn xưa. Để từ đó, chúng ta thấu hiểu hơn những giáo lý của Đức Phật, biết sống ở hiện tại, không còn vọng tưởng tương lai, thôi dính mắc quá khứ. Khi rèn luyện đủ lâu và đủ sâu, chúng ta sẽ nhận ra được những thứ đối lập trong vũ trụ hóa ra thật nhiệm màu. Tâm ta vững khi lòng ta dừng. Dừng ở đây không phải là chấm dứt mọi thứ mà nó mang ý nghĩa biết buông bỏ và chấp nhận.
Ajahn Brahm cho rằng: “Nếu bạn muốn quá nhiều từ cuộc đời, bạn đau khổ. Bạn tự tạo nên đau khổ bằng sự kỳ vọng, mong mỏi của mình. Khi bạn hiểu những giới hạn của cuộc đời, và những hạn chế trong khả năng của bạn, bạn biết rằng tất cả những gì bạn có thể làm là cố hết sức giúp đỡ và không làm hại người khác. Nhưng thậm chí với ý định tốt nhất, đôi khi bạn cũng không thành công. Đó là cuộc sống; bạn không thể làm gì để thay đổi điều đó. Lòng từ bi, bác ái đối với thế giới xung quanh bạn xuất phát từ việc thấy sự vật hiện tượng đúng như bản chất của chúng – thấy bản chất của rừng rậm là nguy hiểm và khổ đau”.