Ở nơi bầu trời gặp gỡ mặt đất, có một đường thẳng phân cách gọi là đường chân trời. Đó là điểm xa nhất mắt người có thể nhìn thấy nhưng không thể chạm tay vào. Nó kéo dài bất tận, mờ ảo trong không gian như một ranh giới mỏng manh giữa trời và đất, nơi nắng ban mai bắt đầu ló dạng hay ánh hoàng hôn dần khuất bóng. Mỗi khi hướng mắt về đường chân trời, ta thường cảm thấy nôn nao bởi những điều chưa biết, cũng như lo sợ trước những cuộc ly biệt sẽ xảy đến trong tương lai.
Mượn hình ảnh đường chân trời để miêu tả khoảnh khắc chia ly người thân khi họ từ giã cõi đời, thiền sư Ajahn Brahm viết trong cuốn sách “Buông bỏ buồn buông” như sau: “Nếu may mắn, có thể bạn sẽ có mặt bên giường người thân, ôm lấy họ và nói lời vĩnh biệt. Thế rồi họ sẽ lên thuyền rời bến, tìm về đại dương. Họ dần tan biến khỏi cuộc sống thực thể của bạn. Con thuyền đưa họ đến được đường chân trời, lằn ranh giữa sự sống và thế giới sau sự sống.” Và rồi kể từ giây phút đó, ta sẽ không còn được nhìn thấy, ôm ấp hay chuyện trò cùng họ. Nỗi đau đớn và mất mát đó thường khiến nhiều người suy sụp, đánh mất bản thân và cả cuộc sống về sau.
Nhưng chớ quá đau buồn, bởi: "Đường chân trời có thể chia cắt giữa những con người này với những con người khác đã băng qua nó, nhưng ai cũng hiểu rằng rồi sẽ có ngày hạnh ngộ" - thiền sư Ajahn Brahm viết. Theo Phật giáo, kết thúc kiếp sống này cũng là thời khắc mở ra kiếp sống khác. Sự ly biệt trong thực tại mở ra sự tái ngộ trong tương lai, mà duyên số và nhân quả sẽ là yếu tố quyết định ngày hạnh ngộ, chứ không phải không gian hay thời gian mà ta đang cảm nhận.
Cuộc sống vốn dĩ vô thường, chia ly cũng là một quy luật thiết yếu trong cuộc sống. Hiểu về vô thường không phải để ta thu hẹp trái tim mình hay lựa chọn cuộc sống cô độc, mà là để trân trọng và biết ơn mọi khoảnh khắc của hiện tại - khoảnh khắc ta còn được nhìn thấy, ấp ôm và chuyện trò cùng những người yêu thương. Đường chân trời hoá ra chỉ là một hình ảnh biểu tượng, tưởng chừng xa xôi nhưng kỳ thực vẫn luôn tồn tại trong trái tim mình.
Theo chân Thiền sư Ajahn Brahm qua 75 mẩu chuyện nhỏ trong “Buông bỏ buồn buông”, người đọc như lạc bước vào hành trình tìm kiếm hạnh phúc và bình yên nội tại. Ở đó, ta bắt gặp những người dám buông bỏ hận thù, tham lam, si mê để giữ tâm trí trọn vẹn và thư thái. Ta cũng học được bài học về lòng dũng cảm khi dám buông bỏ những đau thương, mất mát để tiếp tục sống và tiếp tục tin yêu.
Người ta trân quý có thể rời đi, nhưng những kỷ niệm và tình cảm chân thành vẫn luôn ở đó, dìu dắt ta vượt qua mọi chông gai của cuộc sống. Dũng cảm buông bỏ và tiến về phía trước mới là lời tri ân ý nghĩa nhất ta có thể dành tặng cho người thân yêu của mình.