Thay vì bỏ chạy, anh ta lại gây ra một đám cháy khác
Đội lính cứu hỏa đáp xuống gần đỉnh Mann Gulch vào cuối buổi chiều tháng Tám nắng như thiêu của năm 1949. Vì đám cháy đã lan ra khắp khe núi, họ phải tiến theo triền dốc hướng về phía bờ sông Missouri. Kế hoạch của đội là đào một hào đất bao quanh đám cháy để cô lập và chuyển hướng nó về nơi không có nhiều thứ có thể bắt lửa.
Sau khi di chuyển được khoảng 400 mét, đội trưởng Wagner Dodge phát hiện đám cháy đã bùng lên khắp thung lũng và đang tiến thẳng về phía họ. Ngọn lửa đã vươn cao hơn mười mét. Chẳng bao lâu, đám cháy sẽ lan với tốc độ đủ đến thiêu rụi mọi thứ trong phạm vi chiều dài hai sân vận động chỉ với một phút đồng hồ.
5h45 phút chiều. Tình hình cho thấy việc đào hào bao quanh đám cháy đã không còn là một giải pháp đáng cân nhắc. Nhận ra đó là lúc phải chuyển từ trạng thái chiến sang chạy, Dodge ngay lập tức chỉ đạo toàn đội chạy ngược trở lên triền dốc. Đội lính cứu hỏa giờ đây phải dồn hết sức lực để leo lên dốc núi dựng đứng, băng qua đám cỏ cao ngang đầu gối mọc trên địa thế gập ghềnh. Trong tám phút, họ đi được gần 500 mét, chỉ còn cách đỉnh núi chưa đầy 200 mét nữa.
Trong tình huống đích đến an toàn đã ở ngay trước mặt nhưng ngọn lửa đang đuổi sát theo sau, Dodge đã có một hành động khiến cả đội bàng hoàng. Thay vì cố chạy thoát thân trước khi lửa bắt kịp, anh dừng lại và khum người xuống rút ra một hộp diêm, quẹt hết các que diêm và ném chúng vào đám cỏ trước mặt.
“Chúng tôi nghĩ anh ấy hẳn là mất trí rồi”, một thành viên sống sót của đội sau này nhớ lại. “Ngọn lửa sắp táp vào lưng chúng tôi rồi, đội trưởng điên hay sao mà gây thêm một đám cháy khác như thế?”. Anh ta còn nghĩ bụng: Gã Dodge khốn kiếp này muốn thiêu sống tôi đây mà. Tất nhiên là chẳng một ai trong đội nghe theo Dodge khi anh ra sức hò hét, vẫy tay gọi mọi người đến chỗ anh: “Nhanh lên! Theo lối này này!”.
Điều mà các thành viên đội cứu hỏa không nhận ra là Dodge đã vạch ra một chiến lược sinh tồn: anh đã tạo ra một lối thoát hiểm bằng lửa. Bằng cách đốt cháy trụi đám cỏ trước mặt, anh đã dọn sạch nguồn bắt lửa của đám cháy phía sau. Kế đến, Dodge thấm ướt chiếc khăn tay bằng nước từ bình nước cá nhân, dùng chiếc khăn ướt che miệng, rồi anh nằm úp mặt xuống ở chỗ đất đã cháy rụi cỏ trong mười lăm phút tiếp theo. Khi lửa từ đám cháy rừng đuổi tới nơi và cháy phừng phực phía trên đầu Dodge, anh vẫn không bị ngợp nhờ sát mặt đất có đủ ô-xy.
Bi kịch là 12 thành viên đội cứu hỏa trên không đã tử nạn. Người ta tìm thấy chiếc đồng hồ bỏ túi của một trong số các nạn nhân, kim đồng hồ chỉ 5h56 chiều trước khi nó bị nung chảy.
Vì sao chỉ có ba người lính cứu hỏa sống sót? Thể lực có thể là một yếu tố quyết định, vì hai thành viên sống sót đã chạy nhanh hơn lửa, kịp leo đến đỉnh đồi nên thoát chết. Nhưng trong trường hợp của Dodge thì chính sự tráng kiện của trí óc đã cứu sống anh.
Khi đám cháy rừng ở Mann Gulch đuổi sát nút, những người lính cứu hỏa buộc phải đưa ra quyết định. Trong thế giới lý tưởng, họ sẽ có đủ thời gian để dừng lại, phân tích tình hình, và cân nhắc các lựa chọn. Nhưng với ngọn lửa đang cháy bùng dữ dội sau lưng chỉ còn cách đó chưa đầy 100 mét, việc ngừng lại suy nghĩ là không thể.
Dodge không thoát chết nhờ suy nghĩ chậm rãi, thấu đáo. Ông sống sót nhờ khả năng nhận định lại tình huống nhanh hơn người khác. Mười hai đồng đội của ông đã trả giá quá đắt bởi vì họ không hiểu được cách xử lý của Dodge. Họ cũng không suy xét lại các giả định của mình kịp lúc.
Trong tình huống căng thẳng cực độ, con người thường quay về cơ chế phản ứng tự động, theo những gì đã ăn sâu trong đầu. Đó là sự thích nghi để tiến hóa – miễn là bạn vẫn ở trong cùng một điều kiện môi trường mà những phản ứng đó từng hiệu quả.
Thoát chết bằng cách đốt lửa
Là lính cứu hỏa, phản xạ đã ăn sâu trong trí bạn là tìm mọi cách để dập lửa chứ không phải châm thêm một ngọn lửa khác. Nếu bạn ở trong tình huống phải thoát khỏi đám cháy để giữ mạng, cách phản ứng bạn đã học là chạy càng xa càng tốt khỏi đám cháy chứ không phải chạy về phía nó. Trong các tình huống thông thường, những bản năng kia có thể sẽ cứu sống bạn. Dodge sống sót trong thảm kịch Mann Gulch bởi vì ông đã nhanh chóng gạt bỏ cả hai kiểu phản xạ trên.
Dodge chưa từng được ai dạy cách đốt lửa để mở đường thoát. Ông thậm chí cũng chưa từng nghe đến khái niệm này trước đó; nó thuần túy là sự ứng biến của ông. Sau này, hai thành viên sống sót đã làm chứng trước tòa, khẳng định rằng không có bất cứ kỹ thuật nào tương tự việc tạo đám lửa để mở đường thoát từng được dạy trong chương trình huấn luyện lính cứu hỏa. Nhiều chuyên gia dành cả đời nghiên cứu các nạn cháy rừng cũng không biết rằng có thể thoát chết bằng cách đốt lửa để tạo một khoảng không an toàn xuyên qua lửa.
Trở lại vụ cháy rừng Mann Gulch, vài phút trước khi tình huống trở nên nguy kịch, những người lính cứu hỏa còn bỏ lỡ một cơ hội tái tư duy khác – mà cơ hội đó lại ở ngay trong tầm tay. Trước khi Dodge bắt đầu ném các que diêm ra bãi cỏ, ông đã chỉ đạo cả đội vứt bỏ lại các thiết bị nặng mà họ mang theo. Họ đã trải qua tám phút dồn hết sức để leo lên triền dốc trong khi vẫn mang vác những dụng cụ chữa cháy như búa, cưa, xẻng và cả túi hành trang nặng hơn chín ký lô.
Nếu bạn đang phải chạy hết sức để giữ mạng mình, dường như việc hiển nhiên bạn cần làm đầu tiên là phải bỏ lại mọi thứ khiến bạn chậm lại. Tuy nhiên với lính cứu hỏa, các trang bị này là những vật bất ly thân để làm nhiệm vụ. Luôn mang bên mình và bảo quản đồ nghề cẩn thận là điều họ đã thuộc nằm lòng qua chương trình huấn luyện và qua kinh nghiệm làm việc.
Vì vậy, chỉ tới khi Dodge ra lệnh thì hầu hết các đội viên mới vứt bỏ trang bị của họ, nhưng ngay cả khi đó, vẫn có một người cầm theo cái xẻng cho đến khi một đồng đội giằng nó ra khỏi tay anh ta.
Nếu bạn là lính cứu hỏa, việc vứt bỏ đồ nghề không chỉ đòi hỏi bạn phải xóa bỏ thói quen và phớt lờ bản năng. Vứt bỏ đồ nghề có nghĩa là thừa nhận thất bại và đánh rơi một phần những thứ làm nên con người bạn. Điều này có nghĩa là bạn phải suy nghĩ lại mục tiêu của mình trong công việc, cũng như vai trò của bạn trong cuộc sống.
Cháy rừng là sự kiện tương đối hiếm. Hầu hết sự sống của chúng ta không phụ thuộc và một quyết định tích tắc buộc ta phải xem những công cụ mang theo bên mình là thứ gây nguy hiểm còn một đám cháy lại là lối thoát an toàn. Thế nhưng, những tình huống buộc chúng ta phải tái tư duy các giả định của mình lại phổ biến một cách đáng ngạc nhiên – thậm chí có thể phổ biến với tất cả mọi người.
Tất cả chúng ta đều phạm cùng kiểu sai lầm như những người lính cứu hỏa, chỉ là hậu quả không quá đỗi nghiêm trọng như thế và cũng vì vậy mà chúng ta phớt lờ chúng. Lối tư duy thường ngày đã trở thành những thói quen trì kéo chúng ta và chẳng ai buồn thắc mắc về những lối mòn tư duy đó cho tới khi quá muộn.
Chúng ta tin mình vẫn an toàn mặc dù thắng xe kêu cọt kẹt, cho tới khi xe mất thắng trên xa lộ. Chúng ta mong giá thị trường chứng khoán vẫn tiếp tục tăng, kể cả khi giới phân tích đã cảnh báo bong bóng bất động sản sắp vỡ. Bạn vẫn tin cuộc hôn nhân sẽ bền vững dù người bạn đời đang ngày một xa cách. Bạn tự trấn an rằng công việc của mình vẫn được đảm bảo, ngay cả khi vài đồng nghiệp của bạn đã bị sa thải.
Có thể bạn không mang một cái rìu, cái xẻng bên mình, nhưng bạn có những công cụ về nhận thức mà bạn vẫn sử dụng đều đặn. Đó có thể là những điều bạn biết, giả định, phỏng đoán, hay những quan điểm cá nhân mà bạn khư khư giữ lấy. Một vài trong số đó còn chẳng liên quan đến công việc của bạn, – chúng liên quan đến ý thức về bản ngã của bạn.