Trong cuốn sách “Cuộc đời phía trước", Krishnamurti đã giải thích cho vấn đề không thể tập trung như sau:
“Hoạt động mà không có sự lĩnh hội sâu sắc sẽ dẫn tới sự hỗn loạn, tới tình trạng hiện tại của thế giới. Khi không tự biết mình, hoạt động chắc chắn sẽ dẫn tới sự xung đột không thể tránh khỏi. Và thiền định là khởi đầu cho việc khám phá để tự biết mình. Sự khám phá mang tính tự do và sáng tạo, nhưng nếu chỉ đơn thuần tập trung vào một phẩm hạnh, để trở thành điều gì đó trong hiện tại hoặc tương lai, thì không phải là khám phá trong sự tự biết mình. Phẩm hạnh được trau dồi như vậy thì không bao giờ tự do, sáng tạo, vậy nên vẫn còn bị giới hạn trong ranh giới của sự thiếu suy nghĩ. Vì vậy, tập trung tư tưởng vào thứ gì đó – vào một bức tranh, hình ảnh, biểu tượng, một ý niệm – không phải là thiền. Việc buộc tâm thức chú ý vào thứ gì đó sẽ ngăn cản sự khám phá; nó chỉ định hình tâm thức theo một khuôn mẫu, dù cao quý tới đâu đi nữa, nhưng nó không thể giải tỏa, giải phóng tâm trí. Giải phóng tâm trí mới chính là thiền định”.
Bộ não cũng giống như một đưa trẻ. Khi nó quan tâm đến điều gì, nó sẽ tập trung hoàn toàn, nhưng nếu buộc phải tập trung thì nó không còn quan tâm và tâm trí của nó sẽ lang thang thơ thẩn. Để vô cùng tỉnh thức, cần có sự chuyên tâm không ngừng. Và điều này có thể thực hiện được nếu luyện tập chăm chỉ.
Thế nhưng, Kirshnamurti cũng cảnh báo rằng đừng để việc luyện tập trở thành một thói quen. Tâm trí tỉnh giấc sẽ hiện hữu khi ta không ngừng suy nghĩ thấu đáo, và suy nghĩ thấu đáo không phải là thói quen. Và khi ta cảm thấy khó lòng trở nên tỉnh thức thì hãy viết ra mọi suy nghĩ và cảm xúc trong suốt ngày hôm đó. Hãy viết ra ý định đằng sau những lời nói, phản ứng mang tính ganh tỵ, đố kỵ, tự phụ, nhục dục, ...
Hãy viết ra vào bất cứ lúc nào và nghiên cứu nó, mà không phán xét, không chỉ trích. Khi đó chúng ta sẽ nhận thức được tình trạng của bản thân mình. Khi tự biết mình, thì có tư duy đúng, và từ đó sẽ kéo theo những thứ khác.
Kirshnamurti cũng cho rằng thiền định vốn không chỉ là sự tự nhận thức không ngừng, mà còn là sự từ bỏ bản ngã không ngừng nghỉ. Từ tư duy đúng sẽ có thiền định, và từ đó bắt đầu hiện hữu sự tĩnh lặng của trí tuệ. Trong sự tĩnh lặng này, cái tối thượng sẽ được nhận ra.
Khi viết ra điều ta suy nghĩ và cảm nhận, những mong muốn và phản ứng của ta sẽ mang lại một nhận thức nội tại, phối hợp giữa vô thức với ý thức, mang lại sự hòa hợp và hiểu biết. Nỗ lực này nằm trong quá trình suy nghĩ cẩn trọng, chứ không nằm trong quá trình tập trung tư tưởng vào điều gì đó, việc mà chỉ ngăn cản ta lĩnh hội cái toàn thể.
Cuộc đời phía trước - Những suy ngẫm về giáo dục và hành trình đi tìm ý nghĩa cuộc sống.