Cuộc đời phía trước - Kiến thức không phải là tất cả

Nguyễn Phương09/11/2022 08:00
Cuộc đời phía trước - Kiến thức không phải là tất cả

Theo quan điểm của nhà hiền triết Krishnamurti thì con người tích lũy và tôn thờ kiến thức. Họ nghĩ rằng kiến thức là thứ vô cùng quan trọng trong cuộc sống – kiến thức về những gì đã xảy ra và về những gì sắp xảy ra.

Họ nghĩ rằng kiến thức là thứ vô cùng quan trọng Toàn bộ tiến trình tích lũy thông tin, tôn thờ kiến thức này phải chăng nảy sinh từ cái nền sợ hãi? Ta sợ rằng không có kiến thức, ta sẽ bị lạc lối, ta không biết phải tự mình hành xử ra sao.

Thế rồi dựa vào việc đọc sách thánh hiền, dựa vào những tin tưởng và kinh nghiệm của người đời cũng như của chính bản thân ta, dần dần ta xây dựng một nền tảng kiến thức trở thành truyền thống và ta ẩn trú đằng sau truyền thống này. Ta nghĩ kiến thức hay truyền thống này là thiết yếu, nếu không có nó, ta không thể tồn tại, ta không biết phải làm gì.

Giả sử, khi ta đã đạt đến một địa vị xã hội nào đó, kinh nghiệm này cùng với cảm giác thành đạt, uy thế, quyền lực, khiến ta có cảm giác an tâm, thoải mái. Do đó, việc biết về sự thành đạt của mình, việc biết rằng mình là một “ai đó”, rằng mình có địa vị, quyền lực, đã củng cố thêm cái tôi, bản ngã, phải không?

Bạn có để ý thấy kiến thức đã thổi phồng các học giả uyên thâm ra sao không, hay kiến thức đã cho cha mẹ, thầy cô giáo bạn một thái độ ra sao khi họ nói: “Ta có kinh nghiệm nhiều hơn con; ta biết còn con không biết”. Do đó, kiến thức, vốn đơn thuần là thông tin, dần dần trở thành thức ăn nuôi sống thói kiêu căng, nuôi dưỡng cái ngã, cái “tôi”.

Rất nhiều người sử dụng kiến thức như một loại công cụ để nuôi dưỡng thói kiêu căng và lòng dục của mình. Họ muốn trở thành một “người nào đó”. Nhưng đằng sau những trang kinh sách ấy, liệu họ có trải nghiệm hay không? Ở một vài mức độ, rõ ràng chúng ta phải có kiến thức.

Nhưng việc nhận ra kiến thức được sử dụng vào các mục đích vị kỷ như thế nào còn quan trọng hơn gấp bội. Bạn sẽ thấy những người trưởng thành khao khát địa vị và bám chấp sự thành đạt của họ ra sao. Họ muốn xây dựng một cái tổ an toàn cho chính mình, họ muốn có quyền lực, uy thế, sức mạnh – và phần đông chúng ta, bằng nhiều cách khác nhau, cũng theo đuổi những thứ giống vậy. Ta không muốn là chính mình, dù ta là ai đi nữa, ta muốn là một nhân vật nào đó. Chắc chắn có sự khác biệt giữa “là” và “muốn là”. Khao khát là hay trở thành ai đó được duy trì tiếp nối và được củng cố nhờ kiến thức, vốn được dùng để tự phóng đại bản thân.

Cho nên, hành động thực sự quan trọng đối với tất cả chúng ta, khi trưởng thành, là thâm nhập vào các vấn đề này và thấu hiểu chúng để không kính trọng một người chỉ vì người đó có chức tước, địa vị cao, hoặc được cho là có kiến thức uyên bác. Đọc sách cũng sẽ giúp ích, nhưng đôi khi, nó vẫn thiếu tính trải nghiệm cho bản thân bạn. Nên nhớ rằng trải nghiệm trực tiếp thực tại, mới là thứ quan trọng, mang tính cốt yếu.

---

Một số cuốn sách giúp bạn có cái nhìn bao quát hơn về chính mình và thế giới từ thiền sư Krishnamurti:

Cuộc đời phía trước - Những suy ngẫm về giáo dục và hành trình đi tìm ý nghĩa cuộc sống

Đôi điều cần suy ngẫm - Một trí não thông minh là một trí não luôn luôn học hỏi, chứ không bao giờ kết luận


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 6, 17/01/2025