Thời đại thứ tư - 3 lý do khiến việc cấy ghép máy tính vào não bộ người vẫn còn là thử thách

Thanh Huyền19/08/2023 09:00
Thời đại thứ tư - 3 lý do khiến việc cấy ghép máy tính vào não bộ người vẫn còn là thử thách

Trên thực tế, việc cấy ghép máy tính vào não người vẫn cần những bước tiến xa để máy tính có thể đồng bộ hoàn toàn với bộ não của con người.

Việc cấy ghép máy tính vào não người là ý tưởng đã được nhắc đến trong nhiều năm. Mặc dù các công trình nghiên cứu của các công ty tư nhân và trường đại học đã đem đến những tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực này, nhưng trên thực tế, vẫn cần những bước tiến xa để máy tính có thể đồng bộ hoàn toàn với bộ não của con người.

Tháng 5/2023, Neuralink - công ty công nghệ sinh học thuộc sở hữu của tỉ phú Elon Musk cho biết, đơn vị này đã được cơ quan chức năng Mỹ chấp thuận thử nghiệm cấy ghép chip não ở người. Trước đó, một nhà nghiên cứu tại Đại học John Hopkins (Mỹ) cũng công bố sẽ dẫn đầu một nghiên cứu phát triển trí tuệ nhân tạo từ tế bào não của con người.

Tuy nhiên, theo phân tích của tác giả Byron Ressee trong cuốn sách “Thời đại Thứ Tư” – trên thực tế, việc cấy máy tính vào não người vẫn còn rất nhiều khó khăn. Trong cuốn sách, tác giả đi sâu phân tích các thách thức liên quan đến chủ đề người máy thông minh, máy tính có ý thức và tương lai của con người, như: Máy tính phải có khả năng đọc được suy nghĩ của con người, máy tính phải ghi được suy nghĩ vào não bộ, hay bộ não con người phải có khả năng tương thích với tốc độ xử lý của máy tính…

Điều này nghe có vẻ lạ lẫm, bởi chúng ta biết ngày nay có rất nhiều công ty đang chế tạo những thiết bị, bộ phận cơ chế giả có thể được điều khiển bằng tâm trí. Tuy nhiên, theo tác giả Byron Ressee, việc một bộ phận giả như tay hoặc chân có thể bị điều khiển theo tín hiệu điện não vốn rất khác với việc máy tính có thể “hiểu” được những suy nghĩ thực sự của con người.

Đơn cử, ông đưa ra một nghiên cứu mà đối tượng nghiên cứu ở đây là một người đàn ông còn nguyên hai tay, đã có kế hoạch thực hiện thủ thuật lập sơ đồ não để điều trị chứng động kinh từ trước. Các nhà nghiên cứu đã chế tạo một chiếc găng tay có gắn những thiết bị điện tử có thể truyền tín hiệu tới từng ngón tay. Sau đó, họ đặt một cảm biến lên phần não có chức năng điều khiển các ngón tay của đối tượng nghiên cứu. Bằng cách truyền tín hiệu đến từng ngón tay, họ có thể xác định chính xác phần nào của não đang điều khiển ngón tay nào.

Họ đã thành công, và đối tượng nghiên cứu đã có thể cử động các ngón tay giả bằng ý nghĩ của mình. Tuy nhiên, bàn tay này chỉ hoạt động khi được điều khiển bằng chính bộ não của người đàn ông này.

Có thể thấy, sáng chế nói trên hoàn toàn khác biệt với việc máy tính có thể thực sự hiểu chúng ta nghĩ gì, đặc biệt là những ý nghĩ trừu tượng và giàu cảm xúc, như “đôi giày này thật đẹp!”, hay đơn giản như việc “tôi muốn bật đèn”. Tác giả Byron Ressee nhấn mạnh trong cuốn sách: “Không phần nào trong não bộ của bạn là dành riêng cho việc lưu trữ suy nghĩ của bạn về những đôi giày bạn sở hữu. Chúng ta thậm chí còn chưa biết các ý nghĩ được mã hóa như thế nào trong bộ não của mình”.

Mặt khác, khoảng trống của việc hiểu được cách bộ não mã hóa và lưu trữ các ý nghĩ cũng là thách thức cho việc dùng một thiết bị vật lý như máy tính để ghi thông tin trực tiếp vào bộ não con người. Điều này cũng tương tự như việc chúng ta muốn lưu trữ một bài hát có thể phát được trên một băng từ nhưng lại không biết được các hạt từ tính được sắp xếp và được đọc trên các máy hát như thế nào.

Thử thách thứ ba, đó là ngay cả khi chúng ta đã giải mã được cách bộ não hoạt động và mã hóa thông tin thì khả năng chúng tương thích với máy tính vẫn là một dấu hỏi lớn. Chúng ta biết rằng, chip hoặc bộ vi xử lý máy tính hoàn toàn là các linh kiện điện tử, là những “phần cứng”có thể được cải tiến hằng năm. Điều này rất khác so với một bộ não vốn có những giới hạn sinh học riêng, được nhà sử học Yuval Noah Harari mô tả trong “Thời đại Thứ Tư” là “mềm như cháo yến mạch và lơ lửng trong hộp sọ, phản ứng chậm chạp với sự xâm nhập và thường bị viêm khi có các vật thể lạ”.

Lấy ví dụ, khi một người nảy ra ý nghĩ trong đầu: “Làm thế nào để học tiếng Pháp?”, máy tính hoặc con chip sẽ cố gắng để ghi toàn bộ thông tin liên quan đến tiếng Pháp vào não bộ. Về cơ bản, trí nhớ của con người – hay bộ não, có thể chứa những thông tin cần thiết để chúng ta thông thạo tiếng Pháp. Nhưng câu hỏi đặt ra là, liệu bộ não con người có bị “quá tải”? Hay nói cách khác, liệu chúng có chịu được việc ghi toàn bộ thông tin trong vòng vài giây và vài phút hay không?

Suy cho cùng, việc kết hợp máy tính với não người vẫn là một ý tưởng đầy tranh cãi nhưng cũng không kém phần hấp dẫn. Bởi nếu xóa nhòa được ranh giới giữa con người và máy tính, não bộ chúng ta có thể xử lý được khối lượng dữ liệu khổng lồ, suy nghĩ nhanh hơn, tiến hóa theo hướng khắc phục những khiếm khuyết sinh học để khỏe mạnh hơn, thậm chí trở nên bất tử bằng cách truyền sự sống của mình qua cỗ máy tính vô tri vô giác.

Qua góc nhìn sâu sắc, đa chiều về tương lai của người máy và trí tuệ nhân tạo của tác giả Byron Ressee trong cuốn sách “Thời đại Thứ Tư”, có thể thấy, đây là một đề tài hấp dẫn thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, các chuyên gia trên hành trình phát triển nhân loại.


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025