Khi sự lựa chọn trở nên khó khăn, con người thường đưa ra quyết định thiếu khôn ngoan. Lúc này, mọi người cần một cú hích để thúc đẩy họ đưa ra những quyết định tốt hơn.
Lý thuyết cú hích lần đầu tiên được phổ biến bởi Richard Thaler và Cass Sunstein trong quyển sách “Cú hích” ra mắt vào năm 2008. Dựa trên những nghiên cứu về kinh tế học hành vi và tâm lý học, hai học giả đã chứng minh rằng con người thường bị ảnh hưởng bởi các cú hích tinh vi trong quá trình đưa ra quyết định.
Ví dụ, hầu hết chúng ta đều biết rõ mình thích thứ gì hơn: kem hương cà phê hay kem hương va-ni, Bruce Springsteen hay Bob Dylan, bóng rổ hay bóng đá... Nhưng nếu phải đoán xem mình thích gì giữa những lựa chọn không quen thuộc như khi ăn tối lần đầu tiên tại một nhà hàng ở nước ngoài hoặc tại một xứ sở có nền ẩm thực lạ lẫm, bạn sẽ làm gì?
Các du khách khôn ngoan thường nhờ đến sự giúp đỡ của người khác (như nhân viên phục vụ). Tại nhà hàng, nhân viên phục vụ có thể gợi ý cho bạn rằng “Đa số khách ngoại quốc thích món X và không thích món Y”. Lúc này, sự lựa chọn của chúng ta đang bị tác động bởi các cú hích.
Hay như thông lệ tại các quán sushi danh tiếng nhất là hãy để bếp trưởng quyết định món ăn cho bạn. Chỉ cần nói “omakase” (Hãy chọn món cho tôi) và bạn sẽ có bữa ăn ngon miệng. Nếu hôm đó trong thực đơn có những món mà thực khách nước ngoài thường không thích ăn, bếp trưởng sẽ hỏi xem bạn có thật sự muốn thử món đó hay không. Đó cũng là một kiểu của cú hích.
Nhìn chung, con người có thể được dẫn dắt bằng những cú hích. Điều quan trọng là đừng cố hích chỉ vì muốn thao túng người khác, mà hãy thúc đẩy họ hướng đến những mục tiêu tốt đẹp hơn. Đây cũng là thông điệp quan trọng mà “Cú Hích - Phiên bản cuối cùng” đem lại.
Bởi lẽ, một cú hích đúng đắn có thể tạo ra những thay đổi đáng kể, cũng như “Cái đập cánh của con bướm có thể gây ra cơn cuồng phong ở cách xa nó hàng vạn dặm”. Thaler và Sunstein cũng nhiều lần nhấn mạnh rằng chỉ nên “Hích cho những điều tốt đẹp” vì cú hích không phải là thuế, phạt vạ, trợ cấp hay lệnh cấm. Nó là những thứ được tạo ra để giúp con người trở nên tốt hơn, đồng thời hướng tới một chế độ quản lý hiệu quả hơn.
Xuyên suốt quyển sách, tác giả nhiều lần cho biết đây là quyển sách nói về chủ nghĩa gia trưởng tự do. Tuy nhiên, các khái niệm, ví dụ ở đây không nhằm mục đích “thao túng” tư duy của người đọc mà nói đúng hơn, là để minh oan cho chủ nghĩa này. Tác giả viết: “Chủ nghĩa gia trưởng để bao trùm những nỗ lực nhằm bảo vệ con người khỏi những sai sót của chính họ bằng cách hướng họ tới những lựa chọn mà họ sẽ đưa ra nếu được thông tin đầy đủ và không bị ảnh hưởng bởi các thiên kiến hành vi. Đây là một chủ nghĩa gia trưởng của phương tiện chứ không phải của cứu cánh; các cú hích nói chung được thiết kế để giúp mọi người tìm ra những phương tiện đúng cho cứu cánh của chính họ.”
Chung quy, con người luôn có tư tưởng hướng đến cuộc sống thoải mái và tiện lợi nhất. Trong quá trình này, những cú hích có chọn lọc sẽ góp phần cải thiện được cuộc sống của mọi người.