Cú hích, theo khái niệm của Richard Thaler và Cass Sunstein, là bất kỳ phương diện nào của kiến trúc lựa chọn có thể thay đổi hành vi con người theo một cách có thể đoán trước nhưng không cấm đoán hoặc thay đổi các lợi ích kinh tế của họ.
Như thế, trong cuộc sống hằng ngày, những sự lựa của chúng ta, bao gồm những quyết định quan trọng nhất cuộc đời, đều có thể được dẫn dắt bằng những cú hích. Các cú hích này có thể tồn tại ở nhiều dạng khác nhau, từ các quy tắc mặc định, tin nhắn nhắc nhở cho đến những hình ảnh cảnh báo, lời mời chào…
Thaler và Sunstein tin rằng bằng cách vận dụng thuần thục cú hích, chúng ta có thể nâng cao khả năng cải thiện cuộc sống của con người và giải quyết nhiều vấn đề lớn của xã hội trong khi vẫn bảo đảm được quyền tự do lựa chọn của mọi người.
Nhưng một câu hỏi được đặt ra là, khi nào thì con người mới thực sự cần cú hích?
Câu trả lời của Thaler và Sunstein là bất cứ khi nào. “Một câu trả lời chi tiết hơn là người ta có khuynh hướng cần đến những cú hích nhất khi gặp phải những quyết định đòi hỏi sự chú ý hiếm thấy, khi cảm thấy vô cùng khó đưa ra quyết định, khi không nhận được phản hồi kịp thời, và khi không thể diễn giải những khía cạnh của tình huống hiện tại thành những mô tả mà họ có thể dễ dàng hiểu được”, bộ đôi tác giả viết.
Lấy ví dụ cụ thể, nếu bạn muốn lái xe từ nhà đến nơi làm việc hoặc một quán ăn quen thuộc gần nhà, bạn sẽ không cần đến chức năng định vị trên điện thoại. Nhưng nếu cần phải tìm kiếm một địa điểm trong thành phố xa lạ, có lẽ bạn sẽ cần đến thiết bị GPS. Đó được xem là một cú hích.
Dĩ nhiên, bạn hoàn toàn có thể né tránh các cú hích thông qua việc phản đối nhận cảnh báo ung thư bằng hình ảnh trên bao thuốc lá, không sử dụng công cụ GPS hoặc từ chối thực hành giãn cách xã hội, nhưng Thaler và Sunstein cho rằng việc phản đối các cú hích như vậy không khác gì phản đối nước và không khí. Bởi lẽ bạn không thể nào tránh được chúng.
Bộ đôi tác giả kết luận: “Chúng ta không thể tránh được kiến trúc lựa chọn và những hiệu ứng mà nó mang lại, và vì vậy, câu trả lời ngắn gọn là một câu trả lời khá hiển nhiên: hãy đưa ra những cú hích có tính hỗ trợ nhất và ít gây hại nhất”.
“Cú hích – Nudge” do Richard H. Thaler và Cass R. Sunstein viết được xuất bản lần đầu vào 2008 và nhanh chóng trở thành một trong những quyển sách bán chạy trên toàn cầu với hơn 2 triệu bản được bán ra. Sau khi hợp đồng bản in kết thúc, hai tác đã cập nhật, viết lại gần như toàn bộ quyển sách và gọi đây là ‘Cú Hích - phiên bản cuối cùng’.
Đến nay, “Cú hích” đã truyền cảm hứng cho nhiều chính phủ ở các quốc gia trên thế giới thành lập đội ngũ tìm hiểu hành vi hoặc các đội hích khác nhau, bao gồm Úc, New Zealand, Đức, Canada, Phần Lan, Singapore, Hà Lan, Pháp, Nhật Bản, Ấn Độ, Qatar và Saudi Arabia... Cũng nhờ cuốn sách này, rất nhiều người đã học được cách sử dụng kiến trúc lựa chọn để tự đưa ra những quyết định có lợi cho người thân, gia đình và xã hội.