Trên thế giới, hai tác phẩm này có mặt tại hầu hết mọi quốc gia với hàng chục triệu bản bán ra (cho mỗi tựa) và luôn nằm trong top những tựa sách có ảnh hưởng nhất mọi thời đại.
Còn tại Việt Nam, bản dịch “Đắc nhân tâm” của First News đã trải qua 90 lần tái bản, trong khi đó, số lần tái bản của “Quẳng gánh lo đi và vui sống” là gần 40.
Cuộc đời của tác giả hai cuốn sách kinh điển này - Dale Carnegie - cũng hàm chứa những thăng trầm thú vị và truyền cảm hứng không kém gì nội dung những tác phẩm của ông.
1. Thuở nhỏ nghèo khó
Sinh năm 1888 trong một nông trại nghèo ở Missouri, Dale Carnegie trải qua tuổi thơ vất vả. Cậu bé nông dân khi đó từng đi hái dâu và dọn bụi ké để kiếm 5 xu cho một giờ làm việc.
Dale Carnegie cũng từng phải vật lộn để được học hành. Khi theo học trường sư phạm ở Warrenburg, Missouri, Dale là một trong 6 sinh viên không chi trả nổi cho việc ăn ở tại thị trấn. Anh xấu hổ vì sự nghèo túng của mình và mặc cảm thua kém cứ dần lớn lên, vì vậy, anh rất muốn tìm một lối tắt dẫn đến sự khác biệt.
2. Từng là “một trong những kẻ bất hạnh nhất New York”
Trước khi dạy học và viết “Đắc nhân tâm”, Dale Carnegie kiếm sống bằng nghề bán xe tải và tự nhận mình là “một trong những kẻ bất hạnh nhất New York”.
“Tôi ghét công việc của mình. Tôi ghét phải sống chung với lũ gián dơ bẩn trong một căn phòng tồi tàn. Tôi còn nhớ hồi ấy tôi thường treo những chiếc cà vạt của mình trên tường, thế rồi một buổi sáng, khi với tay lấy một chiếc thì chạm phải một bầy gián từ trong đó chạy túa ra. Tôi cũng ghét phải ăn trong những nhà hàng rẻ tiền và mất vệ sinh mà rất có thể cũng lúc nhúc gián trong gian bếp”, Dale Carnegie kể lại giai đoạn năm 1909.
Quyết định thay đổi cuộc đời của Dale Carnegie là từ bỏ công việc chán ngắt đó và chọn kiếm sống bằng nghề đi dạy. Sau đó, Dale được nhận vào dạy trong các lớp học buổi tối dành cho người lớn.
Ban đầu, ông chỉ dạy môn Public Speaking (Nói trước công chúng), nhưng sau nhiều năm, ông nhận ra con người cần thêm khả năng thu phục lòng người, và ông phát triển rồi thêm những bài học đối nhân xử thế vào khoá học của mình.
Năm 1934, Shimkin, biên tập viên của nhà xuất bản Simon & Schuster, đã tham dự một buổi nói chuyện của Dale Carnegie, và ông ấy đã thích thú đến mức đăng ký ngay một khoá học. Sau một vài buổi đầu của khóa học, ông quá ấn tượng với những gì được nghe và được chứng kiến, đến mức ông đã cố thuyết phục Dale Carnegie viết một quyển sách.
Và “Đắc nhân tâm” đã ra đời từ đó.
3. “Đắc nhân tâm” thành công một phần nhờ “đúng thời điểm”
Thời điểm “Đắc nhân tâm” được xuất bản lần đầu năm 1936, không ai đoán được nó sẽ nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ đến vậy
Quyển sách của Dale Carnegie khi ấy chỉ được in có 5000 bản. Cả Dale Carnegie và nhà xuất bản Simon & Schuster đều không ngờ rằng ngay khi phát hành, quyển sách đã trở thành một hiện tượng đáng kinh ngạc trong ngành xuất bản Hoa Kỳ.
Một phần thành công của cuốn sách đến từ việc ra đời đúng thời điểm. Cụ thể, vào giữa những năm 1930, sức ép của cuộc đại khủng hoảng đã bắt đầu giảm bớt. Mặc dù chiến tranh đang rình rập ở châu Âu, nhưng ở Mỹ, người dân đã bắt đầu nhìn về phía trước để tái thiết cả nền kinh tế lẫn cuộc sống của chính họ.
Sau những khó khăn của thập niên trước, tâm trạng của quần chúng lúc này đang là sự lạc quan thận trọng và mọi người muốn nhận ra tiềm năng của mình khi họ hướng về phía trước để tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn. Đây là thời điểm chín muồi cho sự ra đời của một quyển sách như “Đắc nhân tâm”.
4. “Quẳng gánh lo đi và vui sống” ra đời từ một thư viện
Thời gian trôi qua, Dale Carnegie phát hiện thêm một trong những rắc rối lớn nhất của người lớn: lo lắng.
Phần lớn học viên của Dale là doanh nhân - giám đốc điều hành, nhân viên bán hàng, kỹ sư, kế toán; tuy thuộc nhiều ngành nghề khác nhau nhưng hầu như ai cũng có những rắc rối của riêng mình. Trong lớp cũng có cả phụ nữ là các nữ doanh nhân và các bà nội trợ; và họ cũng lo âu về nhiều điều.
Dale Carnegie đến thư viện lớn nhất của New York và rất ngạc nhiên khi chỉ tìm được 22 quyển sách xếp dưới đề mục WORRY - LO LẮNG. Và ông cũng cảm thấy thích thú không kém khi có tới 189 quyển xếp dưới đề mục WORMS - CÁC LOÀI GIUN! Số sách viết về giun nhiều gấp gần chín lần số sách viết về lo lắng! Điều đó chứng tỏ còn nhiều nhu cầu cho sách về loại bỏ lo lắng.
Sau đó, Dale đã xem hết 22 quyển sách viết về nỗi lo lắng xếp trên giá của thư viện New York. Ông cũng mua tất cả sách có thể tìm được về chủ đề này. Ông đọc hàng trăm quyển tiểu sử, từ Khổng Tử cho tới Churchill; cùng với đó, ông phỏng vấn hàng chục người nổi tiếng ở những lĩnh vực khác nhau…
Ngoài ra, Dale Carnegie còn dành 5 năm quan sát và thử nghiệm các phương pháp chế ngự lo lắng trên các học viên của mình, để từ đó viết nên cuốn sách kinh điển thứ hai: “Quẳng gánh lo đi và vui sống”.
5. Người thay đổi cuộc đời Warren Buffett
Nhiều doanh nhân nổi tiếng đã chứng thực hiệu quả của sách Dale Carnegie lên công việc làm ăn của họ. Trong đó, nổi tiếng nhất phải kể đến tỷ phú, huyền thoại đầu tư Warren Buffett.
Warren Buffett cho biết ông đã tham gia khóa học “How to Win Friends and Influence People” của Dale Carnegie khi mới 20 tuổi. Huyền thoại đầu tư cũng để bằng tốt nghiệp khóa học Dale Carnegie trong văn phòng của mình (thay vì để tấm bằng đại học hay cao học).
“Nó được đặt ở đó bởi vì nó đã thay đổi cuộc đời của tôi, giúp tôi trở thành con người khác”, Warren Buffett từng chia sẻ.