‘Xoay chuyển tình hình Biển Đông’ - Tiếng còi báo động cho sự sụt giảm nghề cá

Trần Mặc18/11/2023 08:00
‘Xoay chuyển tình hình Biển Đông’ - Tiếng còi báo động cho sự sụt giảm nghề cá

Sự sụt giảm của nghề cá tại Biển Đông không chỉ ảnh hưởng đến sinh kế của nhiều ngư dân khu vực mà còn đe dọa đến an ninh lương thực của thế giới.

Với nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi: 2.500 loài cá, 500 loài san hô tạo rạn, nhiều loài thảm có biển và rừng ngập mặn thuộc loại đa dạng nhất thế giới… nghề cá ở Biển Đông lâu nay luôn giữ vai trò vô cùng quan trọng từ cấp địa phương, quốc gia cho đến quốc tế.

Theo đó, nguồn thủy sản ở đây đang cung cấp khoảng 12 % sản lượng đánh bắt cá của cả thế giới, đồng thời mang lại việc làm cho hàng triệu người ở mười quốc gia và vùng lãnh thổ xung quanh.

Tuy nhiên, việc đánh bắt quá mức hiện đang đe dọa đến sự bền vững của nghề cá. Tiến sĩ Ralph Emmers ở Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang cho biết trong hơn 40 năm qua, các nguồn tài nguyên thủy sản ở Đông Nam Á ước tính giảm còn 25% so với trước đây, thậm chí có thể ít hơn.

Như vậy, Biển Đông đang phải đối mặt với nhiều thách thức về an ninh lương thực và nguồn cá. Không chỉ vậy, các khoản trợ cấp đánh bắt cá của nhà nước, các yêu sách chồng chéo về vùng đặc quyền kinh tế và sự cạnh tranh của các tàu cá thương mại lớn trong lĩnh vực trị giá hàng tỉ đô cũng là những vấn đề cốt lõi ở vùng biển nhiều cơ hội nhưng cũng lắm rắc rối này.

Trước tình trạng này, James Borton - một nhà báo, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Chính sách Đối ngoại của Đại học Johns Hopkins, và nhà “khoa học công dân” (citizen science) ở đồng bằng sông Cửu Long - cho rằng đã đến lúc các nhà khoa học biển phải chung tay ứng phó để bảo tồn sự đa dạng sinh học ở vùng biển này.

Trong cuốn “Xoay chuyển tình hình Biển Đông” vừa mới ra mắt của mình, James viết: “Ngày càng có nhiều nhà khoa học biển từ các bên yêu sách và ASEAN đồng ý rằng sự sụp đổ của nghề cá đang diễn ra, và thực tế này đã tạo nên điểm chung vô cùng chắc chắn để giải quyết vấn đề an ninh lương thực tại khu vực. Trong vài năm tới, nhu cầu gia tăng vì dân số ngày càng tăng và nền kinh tế ngày càng lớn sẽ xung đột trực tiếp với tình trạng khai thác quá mức, ô nhiễm, tàn phá môi trường sống và biến đổi khí hậu.”

Thông qua quan sát và thực nghiệm, James Borton đã phác họa nên bức tranh toàn cảnh về tình hình Biển Đông trong cuốn sách của mình. Ở đó, ông không chỉ nêu bật những vấn đề nghiêm trọng đang xảy ra trong hệ sinh thái của Biển Đông mà còn đề xuất giải pháp tiềm năng để giải quyết vấn đề này.

Trong sách, James dành hẳn một lượng lớn không gian để nói về ngoại giao khoa học và xem đây là một trong những giải pháp khả thi nhất cho vấn đề ở Biển Đông. Ông khẳng định: “Sự kết hợp giữa chính sách và khoa học là điều cần thiết để quản lý các vùng nước địa chính trị đầy nguy hiểm này. Khái niệm ngoại giao khoa học không phải là một mô hình mới, nhưng nó bao hàm sự hợp tác và khéo léo giải quyết các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường nơi chúng phát sinh.”

Bên cạnh đó, James cũng cho rằng cơ chế ngoại giao khoa học này không chỉ giải quyết một cách hiệu quả các tranh chấp ở Biển Đông mà còn có thể là chìa khóa xây dựng hòa bình cho các xung đột môi trường tương tự khác.

 


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 5, 21/11/2024