Nhìn chung việc mất đi một thứ gì đó thường khiến bạn cảm thấy đau khổ gấp đôi so với niềm vui khi bạn có được đúng thứ đó. Làm thế nào chúng tôi biết được điều này?
Hãy xem thí nghiệm đơn giản sau. Một nửa sinh viên trong một lớp học được trao cho những ly cà phê có in huy hiệu trường của họ trên đó. Những sinh viên không được nhận ly được yêu cầu xem xét kỹ ly của người bên cạnh. Sau đó, người có ly có thể bán ly của mình và người không có ly có thể mua chúng. Họ thực hiện cuộc mua bán bằng cách trả lời câu hỏi: “Với các mức giá sau đây, bạn có sẵn lòng bán/mua cái ly này hay không?”. Kết quả là những người có ly đòi bán với giá cao khoảng gấp hai lần giá những người muốn mua ly chấp nhận trả.
Cuộc thí nghiệm đã được lặp lại hàng chục lần và hàng ngàn cái ly đã được sử dụng, nhưng kết quả hầu như lần nào cũng giống nhau. Một khi bạn có cái ly, bạn không muốn bán nó đi. Nhưng nếu bạn không có cái ly nào, bạn cũng không cảm thấy nhất định phải có một cái. Điều này có nghĩa là người ta không áp một giá trị cụ thể nào cho đồ vật; điều quan trọng thường là họ có đang bán hoặc mua hay không.
Nỗi ác cảm với sự mất mát cũng có thể được thể hiện qua những trò cá cược may rủi. Giả sử tôi hỏi bạn có muốn đánh cược bằng cách tung đồng xu với tôi không. Nếu sấp, bạn thắng X đô-la; nếu ngửa, bạn thua 100 đô-la. Vậy bạn muốn con số X đó là bao nhiêu thì bạn mới chịu đánh cược? Câu trả lời của hầu hết những người được mời tham gia khoảng 200 đô-la. Điều này phản ánh mong muốn thắng 200 đô-la để bù cho khả năng bị thua 100 đô-la.
Ác cảm với mất mát sinh ra sức ỳ tâm lý, tức là người ta có mong muốn mãnh liệt tiếp tục nắm giữ những thứ mình đang có. Nếu bạn do dự không muốn cho đi vì không muốn bị mất mát, khả năng cao là bạn sẽ bỏ qua những cơ hội vàng mà lẽ ra bạn có thể có nếu làm khác đi. Ở một thí nghiệm khác, một nửa sinh viên trong lớp được nhận những ly cà phê, và nửa còn lại được nhận những thỏi sô-cô-la lớn. Cả hai món này có giá bằng nhau, nhưng khi được hỏi thì đa số sinh viên đồng ý đổi ly lấy sô-cô-la và ngược lại. Thế nhưng khi được cho cơ hội để thật sự đổi ly và sô-cô-la với nhau, chỉ có 10% trong số họ đồng ý.
Nỗi ác cảm với sự mất mát có nhiều tác động trong việc hoạch định chính sách công. Nếu muốn khuyến khích người dân giảm dùng túi nhựa, bạn nên cho họ một khoản tiền nhỏ để họ tự mang theo túi có thể tái sử dụng hay bạn nên yêu cầu họ phải trả một khoản tiền nhỏ tương đương cho mỗi chiếc túi nhựa? Thực tế cho thấy cách đầu tiên hoàn toàn không có hiệu quả, nhưng phương án thứ hai thì có giúp làm giảm việc dùng túi nhựa một cách rõ rệt. Người ta không muốn mất tiền dù cho số tiền là không đáng kể.
Bài viết được trích lược từ cuốn Cú hích - Phiên bản cuối cùng của tác giả Richard H.Thaler và Cass R.Sunstein do First News chuyển ngữ phát hành.
Từ phiên bản đầu tiên của Cú Hích được xuất bản cách đây hơn một thập niên, "cú hích" đã trở thành từ vựng mới đối với các doanh nhân, nhà hoạch định chính sách, những công dân năng nổ và người tiêu dùng ở khắp nơi trên thế giới. Rất nhiều người đã học được cách sử dụng kiến trúc lựa chọn - một khái niệm do chính tác giả sáng tạo nên - để giúp đưa ra những quyết định có lợi hơn cho bản thân, gia đình và xã hội.
Nội dung cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề đa dạng, từ đại dịch COVID-19, y tế, tài chính cá nhân, chương trình tiết kiệm hưu trí, cho tới nợ tín dụng, các khoản vay thế chấp, bảo hiểm y tế, biến đổi khí hậu và "bùn lắng", nhưng bên cạnh đó vẫn không quên một trong những nguyên tắc cơ bản của việc hích, đó là làm cho việc cần làm trở nên đơn giản và thú vị!