Tương tự với trường hợp của sinh viên Lê Bảo Phương, dù biết những món đồ mình sắp chi tiền mua không đem lại nhiều giá trị cho cuộc sống, nhưng vẫn không thể ngừng việc mua sắm vô tội vạ, thói quen này đại diện cho nhiều bạn trẻ hiện nay thường lâm vào cảnh thiếu hụt kinh tế, thậm chí là cả vay nợ để phục vụ cho sở thích mua sắm của mình.
TS Huỳnh Thanh Điền (Chuyên gia kinh tế) khuyến khích các bậc phụ huynh đầu tư vào giáo dục tài chính con trẻ càng sớm càng tốt, từ đó tạo kiến thức nền tảng giúp con vững vàng cho cuộc sống sau này. Bắt nguồn từ việc kiếm tiền thông qua việc tạo ra giá trị có ích cho xã hội, tiếp theo là sử dụng tiền để giúp ích cho sức khỏe, và tương lai của con trẻ, cuối cùng là giúp con nhận ra và tôn trọng giá trị sức lao động.
Hiện nay, việc giáo dục tài chính cho trẻ đã được nhiều trung tâm phối hợp với công tác trường để tạo ra những buổi sinh hoạt giúp các em sớm có được thói quen tiết kiệm và không lãng phí tiền bạc. Song song với đó, ba mẹ cũng cần chọn lọc kiến thức giáo dục tài chính, để thiết lập lộ trình hợp lý với mức độ phù hợp với khả năng tiếp thu của trẻ.
Khi trẻ từ 5 – 6 tuổi, ba mẹ có thể dạy những bài học đơn giản để nhận dạng các tờ tiền và công dụng. Trẻ từ 7 tuổi trở lên bắt đầu có sự phát triển rõ nét về tư duy, lúc này, ba mẹ dạy cho trẻ kiến thức về tài chính gắn liền với việc giúp trẻ nhận thức đúng về giá trị của đồng tiền. Điều này không chỉ giúp trẻ có khả năng tự lập trong suy nghĩ, mà còn khơi gợi cho con hiểu rằng, muốn thực hiện mong ước, hãy dựa vào chính mình.