Anh Nguyễn Thanh Cường vốn sinh ra ở Hà Nội. Nhưng đến năm 4 tuổi, anh rời xa mẹ và các chị để theo cha vào Sài Gòn sinh sống. Anh Cường chia sẻ: “Đối với một đứa trẻ ở giai đoạn 4 đến 8 tuổi thì tế bào não nhận thức và tiếp thu rất nhiều. Tôi bị hụt hẫng rồi trở nên ương bướng, ngang ngạnh. Đó là cú sốc đầu đời khiến bản thân tôi bị “trượt”.
Vào những năm 1985 – 1986, tình trạng trấn lột thường xuyên diễn ra. Tôi không nghĩ mình sẽ phạm tội vì bản thân vẫn thích làm hiệp sĩ hơn. Tôi thích đi bắt cướp. Một hai lần đầu, tôi cũng bắt được cướp và giao cho công an. Nhưng nhiều lần sau đó, tôi thấy bọn cướp bỏ của rồi chạy. Tôi thấy nếu mình đi giao nộp cho công an cũng phí công. Thế là, tôi đem bán và thu được vài chỉ vàng. Đó là vết trượt đầu tiên. Hiệp sĩ kiếm tiền dễ lắm. Tôi không đi ăn trộm nhưng lại rình mò những tên trộm để cướp của chúng. Sau đó, tôi và một số thành phần đụng độ, tranh giành địa bàn. Vậy là chém nhau! Tôi chém nhau hàng ngày”.
Anh Cường cho biết thêm, tuổi trẻ của anh rất ngông cuồng và thường xuyên bị cơ quan chức năng bắt giữ. Năm 17 tuổi, anh lãnh mức án 2 năm tù giam vì tội chống người thi hành công vụ, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng,…
Năm 1990, anh Cường ra tù và quyết định lấy vợ ở tuổi 19: “Tôi cưới vợ để có động lực từ bỏ, không sa ngã nữa. Thế nhưng, kinh tế ngày một khó khăn. Tôi nhìn vợ con nheo nhóc mà không biết cách nào để chăm lo cho vợ con. Điều này một lần nữa đưa tôi trở lại con đường phạm tội. Và cách có tiền nhanh nhất, nhiều nhất chính là cờ bạc”. Kết quả, anh Cường nhận mức án 3 năm tù giam vì tội tổ chức đánh bạc.
Clip: Quá khứ của trùm giang hồ khét tiếng: "Tôi chém nhau hàng ngày"
Sau khi ra tù lần nữa, anh Cường quyết tâm làm lại cuộc đời, đi theo con đường làm ăn chân chính. Thế nhưng, biến cố liên tục xảy ra với gia đình khi cả anh và vợ đều lần lượt được chẩn đoán ung thư. May mắn là bệnh tình của hai vợ chồng đều không quá nguy hiểm và có thể chữa trị được.
Trong quá trình tiếp xúc với những bệnh nhân ung thư, Cường chứng kiến được rất nhiều hoàn cảnh thương tâm. Sau cái chết của người bạn thân bị ung thư, Cường nguyện với lòng sẽ làm việc thiện nguyện suốt 49 ngày như một lời tiễn biệt sau cuối dành cho bạn. Nhưng khi đi qua 49 ngày phát cơm, những bệnh nhân ung thư ốm yếu, trọc tóc, run rẩy... vẫn đứng chờ anh trước bệnh viện. Từ đó, ông Nguyễn Thanh Cường gắn bó với công việc phát cơm từ thiện ở bệnh viện đến tận bây giờ.
Anh Cường cho biết, việc phát cơm từ thiện trước bệnh viện lúc đầu chỉ khoảng 100 – 150 suất mỗi ngày. Sau đó, việc làm này được nhiều người hưởng ứng và ngày càng lan tỏa hơn. Bạn bè của anh Cường cũng ra sức quyên góp, ủng hộ để hoạt động đầy ý nghĩa này có thể diễn ra đều đặn hàng ngày.
Anh Cường tâm sự: “Khi thoát được án tử, tôi xác định rằng bản thân mình phải trả nợ cho cuộc đời. Ông trời đã cho tôi quá nhiều thứ rồi”.
Clip: Gã giang hồ muốn trả nợ cho đời sau khi thoát được án tử