Nhìn chung, không ai trong chúng ta muốn mình phạm lỗi. Chúng ta cảm thấy khó chịu khi mắc sai lầm. Chúng ta sợ bị người khác chê cười và đánh giá vì những sai lầm ấy. Như khi cố gắng sử dụng một ngôn ngữ mới, nếu phát âm sai một từ vựng, bạn sẽ cảm giác như cả thế giới đều đang cười nhạo mình. Thế là chúng ta ngại phát âm và không dám dùng ngôn ngữ đó giao tiếp với người khác. Nhưng muốn nói thành thạo một ngôn ngữ, bạn phải có dũng khí đón nhận việc mình sẽ bị mắc nhiều lỗi, thậm chí là càng nhiều càng tốt, như câu chuyện của Benny và Sara Maria trong cuốn sách “Biến tiềm năng thành tài năng” của Adam Grant.
Thời mới lớn, Benny luôn đinh ninh rằng anh không có năng khiếu dùng song ngữ. Ở trường, anh đã học mười một năm tiếng Ireland và năm năm tiếng Đức, nhưng không thể giao tiếp bằng cả hai thứ tiếng. Tốt nghiệp đại học, anh chuyển đến Tây Ban Nha, nhưng sáu tháng sau đó, anh vẫn không thể nói được tiếng Tây Ban Nha. Khi bước sang tuổi hai mươi mốt, tiếng Anh vẫn là ngôn ngữ duy nhất anh nói trôi chảy; đến lúc này, anh gần như đã bỏ cuộc: “Tôi luôn tự nhủ rằng mình không có gien học ngôn ngữ”. Sara Maria cũng có khởi đầu khó khăn. Mặc dù đã học tiếng Tây Ban Nha trong sáu năm nhưng ngôn ngữ cô có thể dùng vẫn chỉ là tiếng mẹ đẻ. Cô tin chắc rằng mình đã bỏ lỡ giai đoạn vàng để học ngôn ngữ.
Rõ ràng, không ai trong số họ tin rằng mình có thể thông thạo ngoại ngữ. Nhưng về sau, họ lại được xem là nhữngn người có "siêu năng lực" có thể nói chuyện và suy nghĩ bằng nhiều ngôn ngữ. Sara có thể nói trôi chảy năm ngôn ngữ và bốn ngôn ngữ khác thì ở mức đàm thoại xã giao; còn Benny thì thông thạo sáu ngôn ngữ và đạt trình độ trung cấp ở bốn ngôn ngữ khác.
Làm sao họ có thể đạt được những “kỳ tích” ấn tượng như vậy?
Câu trả lời nằm ở việc họ dám bước ra khỏi vùng an toàn của mình và dám mắc lỗi, thậm chí là rất nhiều.
Khi bắt đầu học tiếng Quảng Đông, Sara không chỉ nghe podcast bằng tiếng Quảng Đông, xem phim cũng bằng tiếng Quảng Đông mà còn tập nói và chấp nhận nỗi đau khi giới thiệu bản thân bằng những từ sai, chịu đựng cảm giác xấu hổ khi đọc đoạn bộc bạch của mình với giọng điệu không chuẩn. Cô cũng gặp ác mộng về việc mình bị đứng hình khi đang phát biểu hoặc nói vấp, nhưng cô tự nhắc nhở mình rằng cảm giác lúng túng và việc hay mắc lỗi chính là dấu hiệu của sự học hỏi.
Benny cũng tương tự. Khi chuẩn bị học một ngôn ngữ mới, anh đặt ra mục tiêu rằng phải mắc ít nhất 200 lỗi mỗi ngày và đo lường sự tiến bộ bằng số lỗi mình mắc phải. Anh chia sẻ: “Càng mắc nhiều lỗi thì bạn càng tiến bộ nhanh hơn và ít cảm thấy phiền muộn vì mắc lỗi hơn. Cách chữa trị tốt nhất cho cảm giác khó chịu khi mắc sai lầm là mắc nhiều sai lầm hơn”. Đó cũng là một trong những lý do giúp trẻ em có xu hướng tiếp thu ngoại ngữ nhanh hơn người lớn. Bởi lẽ phần lớn trẻ em không sợ cảm giác ngu ngốc hoặc bị đánh giá. Các em em không ngại giao tiếp và bắt đầu bập bẹ ngay khi biết một số từ mới.
Nhiều thí nghiệm đã chỉ ra rằng khi học sinh tiếp cận thông tin mới, nếu họ được chỉ định ngẫu nhiên đưa ra các phán đoán sai rồi mới biết câu trả lời đúng thì họ sẽ ít mắc lỗi hơn trong các bài kiểm tra sau này. Khi ta được khuyến khích phạm sai lầm, cuối cùng ta lại mắc ít lỗi hơn. Những sai lầm ban đầu giúp ta nhớ câu trả lời đúng và thúc đẩy ta tiếp tục học hỏi.
Như trong cuốn sách “Biến tiềm năng thành tài năng”, Adam Grant đã chỉ ra: “Dằn vặt bản thân không khiến bạn mạnh mẽ hơn mà chỉ để lại những vết thương tinh thần. Tử tế với bản thân không có nghĩa là bỏ qua điểm yếu của bạn, mà là cho phép bản thân học hỏi từ những sai lầm khiến bản thân thất vọng. Chúng ta trưởng thành bằng cách chấp nhận những khuyết điểm của mình chứ không phải bằng cách trừng phạt”.