Vào đầu thiên niên kỷ mới, hàng ngàn thanh thiếu niên đã đại diện cho đất nước mình tham gia một cuộc thi quốc tế. Mặc dù cuộc thi này sắp tạo ra những cú sốc trên toàn cầu, nhưng thời điểm ban đầu lại ít được chú ý. Không có màn trình diễn hoành tráng không có đám đông cổ vũ cuồng nhiệt và không có huy chương được trao. Chỉ có một cuộc họp báo nhỏ ở Paris để công bố kết quả.
Lần đầu tiên trong lịch sử, các chuyên gia đã nghĩ ra một cách để so sánh trực tiếp năng lực của những người trẻ trên khắp thế giới. Bắt đầu từ năm 2000, cứ ba năm một lần, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế sẽ mời học sinh mười lăm tuổi từ hàng chục quốc gia tham gia PISA – một bài kiểm tra tiêu chuẩn về các kỹ năng toán, đọc và khoa học cho học sinh. Điểm số của các em sẽ tiết lộ những trí óc trẻ tuổi của quốc gia nào có hiểu biết nhất – cũng tức là nơi có những trường học tốt nhất.
Kết quả không chỉ để khoe khoang. Không có gì quan trọng đối với sự tiến bộ ở các thế hệ tương lai cho bằng chất lượng hệ thống giáo dục hiện tại. Các quốc gia hàng đầu sẽ trở thành ngọn hải đăng cho phần còn lại của thế giới xây dựng trường học tốt hơn và xã hội có trình độ học vấn cao hơn.
Các ứng cử viên sáng giá trong cuộc thi khai mạc năm 2000 là Nhật Bản và Hàn Quốc. Họ nổi tiếng vì sở hữu những học sinh thông minh, có thói quen học tập chăm chỉ. Nhưng khi kết quả được công bố, mọi người đều ngỡ ngàng. Quốc gia có thành tích cao nhất không nằm ở châu Á; cũng không phải là một trong những cường quốc giáo dục thông thường ở châu Mỹ hay châu Âu – không phải Canada, Vương quốc Anh hay Đức; cũng không phải là Úc hay Nam Phi. Nước chiến thắng không phải đất nước nào khác mà chính là Phần Lan – quốc gia ở vị thế kèo dưới, không được chú ý trước đó.
Chỉ mới một thế hệ trước, Phần Lan còn được biết đến như một quốc gia lạc hậu về giáo dục – ngang hàng với Malaysia và Peru, thậm chí là xếp sau những quốc gia còn lại ở vùng Scandinavia. Tính đến năm 1960, 89% người Phần Lan không học hết lớp chín. Đến những năm 1980, trong các so sánh quốc tế về tỷ lệ tốt nghiệp cũng như thành tích Olympic toán và khoa học, học sinh Phần Lan vẫn ở mức trung bình.
Thật hiếm thấy một quốc gia đi được quãng đường xa như vậy trong thời gian ngắn đến thế. Một số nhà quan sát cho rằng đó chỉ là một sự may mắn. Sau đó, cuộc thi năm 2003 đã chứng minh họ sai: Phần Lan lại giành vị trí dẫn đầu với số điểm thậm chí còn cao hơn. Năm 2006, họ giành chiến thắng lần thứ ba liên tiếp, vượt trội hơn hẳn so với 56 quốc gia tham dự còn lại.
Tất nhiên, tất cả các bài kiểm tra đều có sai sót, nhưng nền giáo dục xuất sắc của Phần Lan không chỉ giới hạn ở PISA – hay ở học sinh trung học. Vào năm 2012, khi Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế thực hiện một bài kiểm tra năng khiếu khác cho hơn 165.000 người trưởng thành ở hàng chục quốc gia, Phần Lan cũng đứng đầu trong nhóm tuổi thanh thiếu niên và những người ở độ tuổi hai mươi về cả môn toán lẫn môn đọc hiểu.
Các hiệu trưởng nhà hoạch định chính sách và nhà báo nhanh chóng đổ xô đến Phần Lan với hy vọng có thể tìm ra công thức bí mật để xoay chuyển tình thế cho trường học của họ. Nhưng các chuyên gia giáo dục quốc tế cảnh báo rằng công thức này không thể dễ dàng xuất khẩu vì có một số yếu tố cốt lõi mang tính địa phương chẳng hạn như: Phần Lan chỉ có dân số năm triệu người nhưng họ đều giàu có và đồng nhất về văn hóa.
Mặc dù các yếu tố này có thể đóng một vai trò nào đó trong những thành tựu của Phần Lan, nhưng chúng không đủ để giải thích sự trỗi dậy nhanh chóng của đất nước này. Hãy lấy nước láng giềng phía bắc của Phần Lan là Na Uy làm ví dụ, quốc gia này thậm chí còn có tỷ lệ trẻ em nghèo thấp hơn và lớp học ít học sinh hơn. Điều kỳ lạ là trong cùng thời kỳ Phần Lan lên ngôi, điểm thi của Na Uy lại giảm mạnh. Và Phần Lan cũng liên tục vượt trội so với các quốc gia khác ở vùng Scandinavia. Phải có điều gì đó khác nữa đang diễn ra.
Trong khi Phần Lan liên tục vượt kỳ vọng thì nước Mỹ lại loay hoay không đạt được các mục tiêu giáo dục. Trong kỳ thi PISA 2006, trên tổng số 57 quốc gia, Mỹ xếp thứ 35 về môn toán và thứ 29 về môn khoa học – đến năm 2018, thành tích của Mỹ cũng không cải thiện đáng kể, chỉ đứng ở vị trí thứ 25 chung cuộc. Các trường học của chúng ta cần học hỏi rất nhiều từ bước nhảy vọt phi thường của Phần Lan.
Để tìm kiếm công thức đằng sau “nước xốt bí mật”, tôi đã đến Phần Lan. Sau khi nói chuyện với nhiều chuyên gia giáo dục và lùng sục qua các nghiên cứu chuyên sâu, tôi thấy rõ rằng Phần Lan không có một thành phần kỳ diệu nào. Thậm chí thứ nước ép việt quất đặc trưng của họ – vốn rất ngon – cũng không phải. Nhưng nhiều bằng chứng cho thấy rằng một số thành phần chất lượng nhất trong công thức của họ cũng có thể áp dụng ở khắp mọi nơi - và có một số điều chỉnh mà chúng ta có thể thực hiện để cải thiện chúng. Dựa trên việc nghiên cứu những điều đã làm nên sự khác biệt ở Phần Lan, tôi tin rằng phần lớn thành công của họ bắt nguồn từ nền văn hóa mà họ tạo dựng.
Nền văn hóa đó bắt nguồn từ niềm tin vào tiềm năng của tất cả mọi học sinh. Thay vì chỉ tập trung vào những học sinh giỏi nhất và xuất sắc nhất, các trường học Phần Lan được thiết kế để mang lại cho mọi học sinh cơ hội phát triển như nhau. Trong kỳ thi PISA, khoảng cách thành tích giữa các trường và giữa các học sinh của Phần Lan là nhỏ nhất trên thế giới. Hoàn cảnh thua thiệt hiếm khi trở thành điểm bất lợi ở Phần Lan nếu đem so với bất kỳ nơi nào khác: cùng với tỷ lệ học sinh có thành tích cao nhất trong những người xếp hạng đầu, thì trong bảng xếp hạng những học sinh có thành tích thấp, Phần Lan cũng giữ vị trí xếp hạng cuối cùng.
Ở các trường học của Phần Lan, có một câu thần chú phổ biến là “Chúng ta không thể lãng phí bất kỳ chất xám nào”. Tư duy này khiến văn hóa giáo dục của họ trở nên khác biệt. Họ biết rằng chìa khóa để nuôi dưỡng tiềm năng không phải là đầu tư vào những học sinh sớm bộc lộ những dấu hiệu có tài năng đỉnh cao, mà đầu tư vào mọi học sinh, bất kể tài năng họ thể hiện ra bên ngoài thế nào.