Nhân cách của con được hình thành như thế nào
Dù đã nói nhiều lần, tôi vẫn muốn nhắc lại rằng trong nuôi dạy con cái, cha mẹ tuyệt đối đừng quên việc quan trọng nhất đó là giúp con loại bỏ tính ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến bản thân mình. Điều quan trọng thứ hai là rèn cho trẻ biết suy nghĩ cho người khác, đồng cảm với người khác. Trong hai điều này, một điều hướng đến khả năng kiềm chế bản thân, điều còn lại nói đến tình cảm bản thân dành cho người khác, không có điều nào dạy lấy bản thân làm trung tâm cả.
Khi cha mẹ dạy con biết suy nghĩ cho người khác trước khi nghĩ đến bản thân thì con sẽ trưởng thành thuận lợi, việc nuôi dạy của cha mẹ cũng dễ dàng hơn. Ngược lại, con sẽ sống với suy nghĩ rằng mình là hoàng tử, công chúa, phải được mọi người cung phụng. Chỉ cần một lần nuông chiều theo những yêu cầu vô lý của trẻ, thì đã đủ hình thành ở trẻ thói quen ích kỷ rồi, và về sau cha mẹ sẽ khó lòng dạy dỗ con được nữa. Đến khi con mười lăm, mười sáu tuổi, dù cha mẹ có muốn dạy con về lòng yêu thương người khác thì cũng muộn rồi, những đứa trẻ chỉ biết nghĩ đến bản thân ấy sẽ chẳng thể lĩnh hội được đạo lý thương yêu ai khác ngoài bản thân mình.
Gần đây, hiện tượng những đứa trẻ thiếu kiềm chế, luôn sẵn sàng xung đột với người khác đã trở thành một vấn đề trong xã hội. Hiện tượng này xảy ra cả ở những đứa trẻ độ tuổi mẫu giáo, điều đó cho thấy, tính ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân đã hình thành ở trẻ từ trước năm lên ba tuổi rồi.
“Những đứa trẻ luôn được nuông chiều sẽ có khả năng kềm chế ý muốn kém hơn và chúng thường sa đà vào những ham muốn ấy. Khi muốn một món đồ gì đó, chúng sẽ tìm mọi cách để có được kể cả phải ăn trộm. Tương tự, khi chúng muốn một người phụ nữ nào đó, chúng cũng sẽ dùng mọi cách để có thể đạt được ý định.
Hiện nay, tôi vẫn thường có các buổi trò chuyện giáo dục với các học sinh trốn học. Quả nhiên, trong số những đứa trẻ ấy, tất cả đều được gia đình nuông chiều quá mức. Chỉ cần chúng cảm thấy không hợp với thầy cô, không thuận mắt bạn bè, hay thậm chí chỉ cần thấy việc học không suôn sẻ là chúng trốn học ngay. Những đứa trẻ được nuông chiều ấy cũng không có khả năng kiên nhẫn chịu đựng thứ gì, bởi vì trong chúng không tồn tại lòng khoan dung.”
Trẻ em luôn được nuôi dạy theo cách mà cha mẹ chúng muốn, chúng là tấm gương phản chiếu hình ảnh cha mẹ, là một bản sao của cha mẹ. Một đứa trẻ kỳ quặc là kết quả của phương pháp giáo dục sai lầm của cha mẹ. Tôi thực sự mong muốn các bậc cha mẹ hiểu được rằng phần nhân cách cơ bản nhất của con người cần phải được nuôi dưỡng trước khi trẻ lên ba, nếu không kịp giáo dục ngay lúc đó, thì về sau dù cha mẹ có cố gắng thay đổi con đến mức nào đi nữa thì cũng đã quá muộn.
Trẻ trở thành người tốt hay kẻ xấu là từ giáo dục trong gia đình
Việc giáo dục trẻ những năng lực căn bản trong giai đoạn ấu thơ là điều cực kỳ quan trọng. Trách nhiệm giáo dục con trẻ không chỉ là của nhà trường hay xã hội mà trước hết đó là trách nhiệm của mỗi gia đình. Vai trò giáo dục quan trọng nhất là gia đình chứ không phải trường, lớp. Tuy nhiên, nếu chúng ta nói giáo dục trong gia đình thực sự quan trọng hơn giáo dục ở nhà trường thì hẳn là nhiều người đang làm công tác giảng dạy sẽ rất bất bình. Đa số giáo viên cho rằng giáo dục là công việc của nhà trường, và không muốn cha mẹ xen vào nhiều quá. Ngay cả các bậc phụ huynh cũng sẽ nương theo cách nghĩ đó mà cho rằng giáo dục không phải là việc của mình. Cha mẹ đã không nhận ra rằng mình đang phạm một sai lầm to lớn.
Nói đến giáo dục, người ta lại nghĩ ngay đến việc dạy kiến thức, chính ý nghĩ cố định này khiến cho ý nghĩa thực sự của giáo dục đã bị bỏ qua. Giáo dục chân chính nghĩa là không quá đặt nặng những yếu tố phụ thuộc như dạy kiến thức và kỹ thuật, thay vào đó phải coi yếu tố phẩm cách và đạo đức là tiêu chí hàng đầu. Hiểu như vậy để thấy trách nhiệm quan trọng nhất trong giáo dục thuộc về gia đình chứ không phải nhà trường. Vì vậy, câu nói: “Nguồn gốc phá hủy nền giáo dục hiện nay ở ngay chính mỗi gia đình” trong bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ là một sự nhìn nhận hết sức đúng đắn.
Tôi xin nhắc lại hai điều quan trọng mà giáo dục trong gia đình nên đặc biệt lưu ý. Đầu tiên, cha mẹ phải làm chủ lý trí của mình để khống chế, điều chỉnh tình cảm của bản thân. Thứ hai là phải dạy dỗ và làm gương cho con từ bỏ thói ích kỷ, phải dạy con biết nghĩ đến người khác.
Nhờ con làm những việc nhỏ, gieo hạt giống tâm hồn cho con
Cha mẹ vẫn thường vô tình dùng những câu cấm đoán hoặc ra lệnh để dạy con như: “Con không được làm vậy”, “Đừng làm vậy nữa con, “Bố/Mẹ cấm con làm vậy”... Những câu nói kiểu này chỉ khiến trẻ khó mở lòng với cha mẹ. Nếu kéo dài, có thể biến trẻ trở thành một đứa trẻ trầm lặng, khép kín. Ngược lại, một đứa trẻ khép kín có thể mở lòng nếu cha mẹ biết dùng những câu nói thích hợp. Một trong những dạng câu nói đó chính là câu nhờ giúp đỡ. Thay vì dùng ngôn ngữ để ra lệnh cho con, cha mẹ hãy biến câu nói thành một lời nhờ giúp đỡ, thì trẻ sẽ cảm thấy được giá trị của mình và tự động biết vâng lời.
Hằng ngày, cha mẹ có thể thử nhờ trẻ làm một vài việc vặt trong khả năng của trẻ. Hãy dùng những câu nhờ vả nhẹ nhàng như: “Con giúp mẹ việc này nhé!” “Con có thể đi mua hộ mẹ chút đồ không?” “Con giúp mẹ làm cơm cà-ri được không?”, hoặc bất cứ công việc nào phù hợp năng lực của trẻ. Trẻ sẽ không có động lực làm việc khi bị ra lệnh, nhưng khi được nhờ giúp, trẻ sẽ luôn sẵn lòng làm mọi việc được nhờ. Bởi đó là những câu nói xuất phát từ đáy lòng và thể hiện sự tôn trọng đối phương.
Vì trẻ luôn sẵn lòng làm theo lời nhờ của cha mẹ, nên cha mẹ cần luôn sẵn lòng dọn dẹp mọi “hậu quả” trẻ gây ra khi trẻ hoàn thành chưa tốt công việc. Tuyệt đối đừng xem những việc làm chưa tốt của con là sự phiền phức. Dù trẻ có vụng về trong công việc đi nữa, cha mẹ đừng quên ôm trẻ, nói với trẻ lời cảm ơn chân thành: “Cảm ơn con đã giúp mẹ”, “Nhờ có bé tốt bụng giúp mẹ hết đó. Mẹ yêu bé nhất.” Như vậy trẻ sẽ cảm thấy được mẹ tôn trọng, được mẹ khen và cảm nhận được tình thương của mẹ sẽ khiến trẻ trở nên ngoan ngoãn hơn và việc nuôi dạy trẻ cũng trở nên vô cùng thoải mái.
Mọi đứa trẻ đều khát khao được cha mẹ coi trọng, muốn được cha mẹ khen, muốn đón nhận tình yêu thương từ cha mẹ. Khi nhận được sự tôn trọng từ cha mẹ, tự trẻ sẽ có cảm giác được coi trọng. Hơn nữa, thông qua việc cha mẹ nhờ con, con sẽ hiểu được sự tôn trọng cha mẹ dành cho mình, và trẻ cũng sẽ dành lại cho cha mẹ sự tôn trọng tương tự.
Trích sách 70 thói quen tốt trong việc nuôi dưỡng con theo phương pháp Shichida