70 thói quen tốt - Dạy con biết nỗ lực ước mơ và hy vọng

20/04/2019 08:30
70 thói quen tốt - Dạy con biết nỗ lực ước mơ và hy vọng

Thời kỳ quan trọng nhất của cuộc đời không phải là ở tuổi học đại học, mà là thời kỳ đầu tiên, giai đoạn từ khi sinh ra cho tới khi sáu tuổi.

Có nhiều bậc phụ huynh khiến cuộc đời trở nên khó khăn đối với con mình lúc trưởng thành vì quá sốt sắng tìm cách biến mọi thứ trở thành dễ dàng cho con lúc còn nhỏ. Nhưng cũng đừng vì thế mà ép trẻ bằng sự hà khắc, hãy hướng trẻ học bằng cách thu hút tâm trí trẻ, để bạn có thể phát hiện tốt hơn năng khiếu đặc biệt của con mình.

Những đoạn trích dưới đây trong cuốn sách 70 thói quen tốt trong việc nuôi dưỡng con theo phương pháp Shichida sẽ giúp các bậc phụ huynh nhìn nhận và nuôi dưỡng con một cách thông minh, sáng tạo để trẻ có không gian phát triển sở thích bộc lộ tính cách của mình.

Hiểu được nuôi dạy con là niềm vui và hạnh phúc

Người xưa nói, “Trước tuổi lên năm, con cái đã trả hết chữ hiếu cho cha mẹ”, nghĩa là trong khoảng thời gian này việc nuôi dạy con với cha mẹ là một niềm hạnh phúc. Đây là cách nói rất hay và rất đẹp, diễn đạt được niềm vui của việc nuôi dạy con. Tuy vậy, vẫn có nhiều bậc cha mẹ chưa cảm nhận được niềm vui này.

Có lần, tôi xem một chương trình tivi có chủ đề: “Mẹ nghĩ thế nào về việc nuôi dạy con?”. Chương trình truyền hình này đã phát phiếu điều tra cho năm mươi người mẹ sống ở thành phố với câu hỏi: “Theo bạn, nuôi dạy con là việc như thế nào?” Kết quả, câu trả lời của các mẹ là “phải kiên nhẫn”, “phải chịu hy sinh”, “phải chịu đựng” ... Nhìn chung, tất cả đều nghĩ nuôi dạy con giống như một gánh nặng. Ngoài ra, có vài người mẹ còn nói những câu rất tiêu cực về việc nuôi dạy con như: “Cuộc sống riêng của mình coi như đã chấm hết. Giờ đây chỉ còn biết kiên nhẫn chịu đựng mà thôi.”

Tuy nhiên, trong số đó cũng có một người mẹ trả lời rằng:“Con cái là của Trời cho”. Rốt cuộc, trong năm mươi người mẹ, đã có một người hiểu được rằng nuôi dạy con “thực sự là một niềm hạnh phúc”. Tôi cảm thấy cũng được an ủi phần nào. Khi tâm hồn cha mẹ tràn ngập những suy nghĩ tiêu cực như: “Mình không biết cách nuôi con” hay “Con mình chậm lớn”, hoặc những cảm xúc tiêu cực khi thấy con hành xử sai, cũng như không cảm thấy vui khi ở bên con, thì việc nuôi dạy con sẽ không còn là một niềm hạnh phúc nữa. Nhưng nếu tận mắt nhìn thấy con khôn lớn từng ngày một cách rõ ràng, thấy con quyến luyến cha mẹ, thì việc nuôi dạy con sẽ trở thành niềm vui và là điều tốt đẹp.

Hình ảnh đứa con cũng chính là hình ảnh cách nuôi dạy con của cha mẹ. Con cái lớn lên như thế nào, thay đổi ra sao, hoàn toàn là do cha mẹ. Nếu cha mẹ biết và áp dụng đúng cách thì nuôi dạy con sẽ trở thành một công việc của niềm vui và niềm hạnh phúc. Cha mẹ không biết cách nuôi dạy con cái sẽ khiến việc nuôi dạy con trở nên khó khăn và không vui vẻ gì. Nếu cha mẹ có thể trao cho con một tình yêu bền chắc, con sẽ lớn nhanh, khỏe mạnh và ngoan ngoãn. Nuôi dạy con là công việc cao quý nhất trong mọi công việc của đời người. Vì khi nuôi dạy con, cha mẹ đang thực hiện trọng trách được chính tổ tiên giao phó, đó là tạo dựng thế hệ kế tiếp. Tuy nhiên, gần đây ngày càng có nhiều bậc cha mẹ có khuynh hướng biến con cái thành tài sản tư hữu, coi con như vật sở hữu của mình, vì cho rằng đó là con mình, nên muốn nuôi dạy thế nào cũng được. Họ nghĩ như vậy và nuôi dạy con bằng chính cách nghĩ đó.

Vì con cái là báu vật được tổ tiên trao truyền, nên cha mẹ phải nuôi dạy con một cách nghiêm túc. Tôn trọng từng đứa trẻ như những con người trưởng thành và tận tâm nuôi dạy trẻ là việc rất quan trọng. Để làm được điều đó, cha mẹ phải hiểu cách giáo dục con và phải nuôi dưỡng, phát triển tâm hồn con. Vậy thì, cha mẹ cần nuôi dưỡng, phát triển tâm hồn của con như thế nào?

Luôn động viên: “Con có thể làm được”

Những người thành công trong cuộc sống thường lãng mạn và có ước mơ. Ai cũng có những ước mơ, nhưng trên đường đời, chúng ta thường đánh mất hoặc để ước mơ lụi tàn. Trên hành trình cuộc sống, thường có nhiều người chấp nhận buông xuôi, bỏ cuộc, không nỗ lực phấn đấu nữa vì nghĩ mình không may mắn, không có tài năng và chỉ là đồ bỏ đi.

Chìa khóa để nuôi dưỡng ước mơ chính là dạy trẻ biết nỗ lực không ngừng. Đằng sau thành công của một người đều là sự nỗ lực bền bỉ. Như một huấn luyện viên thể thao nổi tiếng từng nói, “Theo kinh nghiệm của tôi, có những người lúc đầu không thấy biểu hiện tài năng gì nhưng nhờ có ước mơ và biết phấn đấu hết mình nên đã trở thành vận động viên xuất sắc, trở thành người thành công.

Nếu nỗ lực hết mình, thì chính trong quá trình đó, bản thân bạn sẽ học được những giá trị cần thiết. Những người nghĩ rằng chỉ cần nắm vững thuần thục các kỹ năng mà không cần ra sức phấn đấu sẽ không thể là người thành công. Điều đó cho thấy rằng họ đã không nắm được những giá trị nhân sinh quan cần thiết để giúp bản thân đạt được thành công.”

Để con không đánh mất ước mơ, thì ngay cả khi nhìn thấy năng lực của con mình không được tốt, cha mẹ vẫn phải tin vào bản chất vốn có của con, công nhận 100%

năng lực của con, bất kể thành tích học tập của con ở trường ra sao và phải luôn nuôi dạy con bằng những lời động viên, khuyến khích. Lời động viên: “Cha mẹ luôn tin con sẽ làm được.” sẽ có tác dụng rất lớn trong việc nuôi dưỡng ý chí của con. Kể từ lúc được sinh ra, mỗi đứa trẻ đã có một vai trò riêng trong cuộc đời. Cha mẹ hãy giúp con tin rằng mình là duy nhất và không thể thay thế. Hãy dạy con biết rằng nếu sống có mục đích tốt đẹp, thì những điều tốt đẹp sẽ luôn tìm đến.

Giúp con biết ấp ủ ước mơ và hy vọng

Hạnh phúc lớn nhất của đời người là gì? Phải chăng là trở nên giàu có hay nổi tiếng hơn người? Nếu chỉ suy nghĩ về hạnh phúc bản thân mà không quan tâm đến hạnh phúc của người khác, thì dù có thành công trong sự nghiệp đi nữa, tâm hồn bạn cũng chỉ còn lại sự trống rỗng. Những công việc, nghề nghiệp, sự nghiệp to lớn nếu chỉ nhắm đến lợi nhuận thì dù thành công đến mấy cũng không thể lâu bền. Làm người, ai cũng mong muốn thành công và được nhiều may mắn. Vậy, làm thế nào để vận mệnh của mình trở nên tốt đẹp hơn?

Vận mệnh của ta là do chính chúng ta tạo ra. “Vận” nghĩa là chuyển động, là cái luôn vận động. Còn “mệnh” là cái đã định sẵn khi sinh ra, là cái được trời định. Do đó, mệnh còn được gọi là “thiên mệnh”. Như vậy, “Vận mệnh” là cái luôn luôn vận động từ những cái đã định sẵn trước khi ta chào đời.

Những điều tiên đoán trong Kinh Dịch* không phải là không thể thay đổi được. Kinh Dịch cho rằng vạn vật trong vũ trụ biến đối không ngừng (biến dịch), nhưng trong những biến đổi ấy luôn tồn tại những nguyên lý bền vững (bất dịch), hiểu được những nguyên lý này sẽ hiểu được vũ trụ rộng lớn, hiểu được con người và đoán định được đời người (giản dịch). Biết về “mệnh” và tự tạo ra mệnh của mình, đó là “lập mệnh”. Bởi lẽ, “lập mệnh” chính là mối quan hệ nhân quả luôn vận động tạo ra nhiều vận mệnh mới.

Có ý chí cao là giữ cho tâm hồn mình luôn mong muốn bản thân có ích cho người khác và khát khao cống hiến hết mình trong thế giới bao la rộng lớn này. Ngoài ra, đó còn là lòng mong muốn sở hữu những tố chất xuất sắc còn đang bị ẩn giấu, và quan trọng là phải biết ra sức nỗ lực đạt được ý muốn này. Có ý chí cao và không ngừng nỗ lực hướng đến điều đó, con người sẽ được mài giũa, tài năng sẽ ngày càng bộc lộ. Ý chí càng cao, con người càng trưởng thành, vận mệnh tốt cũng sẽ đến.

Vì vậy, cha mẹ hãy tập cho con có thói quen xác lập mục tiêu ngay từ khi còn nhỏ, và dạy con tự biết hướng tới mục tiêu đã đặt ra. Hơn nữa, cha mẹ hãy dạy con biết sống sao cho được “Nữ Thần Hộ Mệnh” yêu thương. Hãy cho con biết “Nữ Thần Hộ Mệnh” luôn yêu thương người nào biết sống nỗ lực hết mình mỗi ngày, không kiêu ngạo.

Người luôn đạt tuyệt đối 100 điểm không hẳn là người được “Nữ thần” dành nhiều tình cảm yêu thương nhất. Tại sao như vậy? Những người luôn dễ dàng đạt thành tích tốt luôn sống mà không cần nỗ lực gì nhiều, vì họ không phải trải qua khó khăn gian khổ trong cuộc sống và cũng chưa từng gặp thất bại. Do đó, sự rèn luyện tinh thần trong họ cũng ít hơn. “Nữ thần hộ mệnh” yêu thích nhất đó là những người có tinh thần nỗ lực phấn đấu không ngừng kể cả trong nghịch cảnh. Những ai gặp càng nhiều khó khăn, thử thách thì càng có nhiều cơ hội mài giũa tâm hồn. Do đó, các bậc cha mẹ nên dạy cho con biết rằng, càng gặp khó khăn, đau khổ thì con càng cho bản thân nhiều cơ hội để rèn luyện và tinh thần nỗ lực trau dồi để vượt trội hơn người. Hãy biết ơn vì điều đó.

Trích sách 70 thói quen tốt trong việc nuôi dưỡng con theo phương pháp Shichida

Cha mẹ Việt có những thói quen rất khác biệt trong việc nuôi con. Chúng có thể kế thừa từ kinh nghiệm mà các thế hệ trước truyền lại. Những thói quen ấy cũng có thể bắt nguồn từ hoàn cảnh cuộc sống, từ tác động đa chiều của môi trường xã hội xung quanh, hay những tác nhân hiện đại từ mạng xã hội, từ công việc, từ tiếp thu các phương thức hay nền giáo dục khác nhau.

Cuốn sách này đưa ra, một cách chọn lọc, bảy mươi thói quen có tác động tích cực đến việc dạy con mà Giáo sư Shichida chắt lọc được trong một thời gian nghiên cứu dài. Giáo sư đã quan sát dựa trên kinh nghiệm và trao đổi với rất nhiều cha mẹ về những thói quen này.

Cuốn sách 70 thói quen trong việc dưỡng dục con theo phương pháp Shichida dạy bạn biết nuôi con một cách cách sáng tạo, biết tạo động lực để con học giỏi, cùng con phấn đấu đạt được mục tiêu, sống có trách nhiệm và sớm trưởng thành…


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 3, 29/10/2024