Kết thúc tháng 9, Hành trình Từ trái tim cũng khép lại chuyến đi đến vùng sâu, xa miền Đông và vùng sông rạch Đồng bằng Sông Cửu Long. Trong suốt 17 ngày di chuyển liên tục bằng đường bộ kết hợp đường thủy, Hành trình đã vượt hơn 2.000km, trao sách quý tới tận tay người dân ở 18 tỉnh, thành phố gồm: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ.
Đây là chuyến đi tiếp nối của Hành trình xuyên Việt (2018), hành trình từ Tây Nguyên qua miền Trung đến với tất cả tỉnh miền núi phía Bắc (tháng 4.2019) và Hành trình biển đảo (tháng 6.2019).
Trong vòng một năm với 4 chuyến Hành trình đã qua, mỗi chuyến đi đều để lại những kỉ niệm khó quên. Và riêng với miền Đông và vùng ĐBSCL, mỗi tỉnh đều có nét khác biệt với những sản vật, tính cách con người rất riêng, nhưng đều điểm chung là có rất nhiều câu chuyện đáng nhớ về khát vọng vươn lên làm giàu, tinh thần khởi nghiệp.
Học sinh, sinh viên miền Tây hào hứng nhận sách do Hành trình Từ trái tim gửi trao
Chạm đến trái tim những người trẻ khao khát được bứt phá, muốn học theo Đặng Lê Nguyên Vũ làm chủ doanh nghiệp lớn
Ngày hôm nay, bạn định vị tương lai 5-10 năm nữa, mình sẽ ở vị trí nào trong xã hội? Không cần quan tâm đến năng lực, điều kiện, vạch xuất phát, ở thời điểm này, khát vọng của bạn là gì? Đó là 2 trong số nhiều câu hỏi mà chúng tôi đặc biệt quan tâm khi đồng hành cùng với Hành trình Từ trái tim băng qua rất nhiều nẻo đường vùng sông rạch chằng chịt. Bởi chúng tôi luôn tin người có khát vọng lớn chính là người sẽ đi xa. Đánh thức những giấc mơ, kiến tạo nên khát vọng chính là xây một nền móng vững chắc để xã hội không ngừng vươn lên, phát triển đến một tầm cao mới. Đó có lẽ cũng chính là một trong những sứ mệnh mà Hành trình Từ trái tim đang gánh vác.
Và trong lúc ghi nhận câu trả lời, thanh niên miền Tây đã khiến chúng tôi phải bất ngờ khi nói ra những khát vọng lớn lao của họ. Họ không chỉ ước mơ làm giàu cho bản thân, gia đình mà còn mong muốn được phụng sự quê hương, đất nước. Nhiều bạn đã hoạch định cụ thể năng lực, điều kiện gia đình, quê hương mình, và gắn ước mơ đổi đời với ước mơ thay đổi mảnh đất mình đang sống dựa trên cả những điều tự hào nhất và cả những điều cảm thấy tự ti nhất.
Một trong những nơi "đáng nể" là tỉnh Bến Tre, với phong trào Đồng khởi Khởi nghiệp. Ở đó, những người lãnh đạo phong trào khởi nghiệp kiến quốc cũng là những người đã và đang khởi nghiệp xuất sắc nhất. Hàng loạt ý tưởng sáng tạo đã biến thành doanh nghiệp trực tiếp tạo ra của cải, vật chất cho xã hội.
Chẳng hạn như dự án trồng sa sâm làm mặt nạ dưỡng da và thực phẩm chức năng của Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bến Tre - anh Phù Tường Nguyên Dũng; dự án chế biến sản vật nổi tiếng bến Tre - dừa xiêm - thành vô số sản phẩm đặc sắc xuất khẩu ra nước ngoài của nguyên Trưởng khoa Kinh tế Tài chính trường CĐ Bến Tre; dự án chế biến bột bã mía thành thức ăn chăn nuôi của anh Nguyễn Minh Thuận - Quyền Giám đốc Trung tâm Quan hệ Doanh nghiệp, trường CĐ Bến Tre.
Ở quê hương của phong trào Đồng khởi - Khởi nghiệp, doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ liên tục được mời chào đầu tư
Điều bất ngờ hơn nữa là những người trẻ ở Bến Tre, họ không bao giờ thỏa mãn với cái mình đang có. Tất cả đều không ngừng sáng tạo và tìm kiếm cơ hội mới mẻ, lớn lao hơn để vươn lên bứt phá, làm chủ một doanh nghiệp quy mô lớn hơn, đóng góp nhiều hơn cho quê hương, đất nước.
Chính khát vọng ấy đã khiến huyện Thạnh Phú - một huyện nghèo nhất ở Bến Tre, chỉ trong 3 năm đã giảm 10% số hộ nghèo, cận nghèo. Các chính sách hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, khuyến khích xuất khẩu lao động học hỏi kinh nghiệm để trở về quê hương khởi nghiệp làm giàu đã và đang được chính quyền Bến Tre thúc đẩy rất tốt.
Đó là một tín hiệu rất đáng mừng trong lúc Việt Nam đang hướng tới một chính phủ kiến tạo. Nếu tỉnh nào, địa phương nào cũng hồ hởi với phong trào khởi nghiệp như ở Bến Tre, có lẽ kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc hơn nhiều lần so với hiện tại.
Những rừng dừa bát ngát ở Bến Tre
Những hình ảnh về quê hương xứ dừa Bến Tre do Hành trình Từ trái tim ghi lại
Điều bất ngờ lớn nhất là trong suốt chuyến đi cùng Hành trình Từ trái tim, chúng tôi đã lắng nghe được rất nhiều tâm sự của người trẻ muốn khởi nghiệp và hết lời mời gọi Chủ tịch Trung Nguyên - ông Đặng Lê Nguyên Vũ đầu tư vào startup cũng như những khát vọng của người trẻ muốn noi gương ông để lập nên nghiệp lớn.
Tiêu biểu như bạn Nguyễn Tiểu Ngọc (sinh viên năm thứ 3, ngành Ngôn ngữ Anh, ĐH Trà Vinh). Vì chứng kiến cảnh người nông dân vất vả một nắng hai sương làm ra hạt gạo nhưng luôn phải bán với giá rẻ và bị tiểu thương thao túng thị trường, Ngọc nuôi khát vọng mở công ty chế biến, xuất khẩu lúa gạo quy mô hàng đầu Việt Nam. Công ty này sẽ giúp tiêu thụ lúa gạo từ bà con, đưa hạt gạo đến khắp nơi trên thế giới với chất lượng tốt hơn, đem lại nhiều giá trị gia tăng.
Nữ sinh Nguyễn Tiểu Ngọc ước mơ thành một người chủ doanh nghiệp ngành lúa gạo
"Mình rất muốn đi theo con đường của ông Đặng Lê Nguyên Vũ - người đã thành công trong việc biến hạt cà phê thô, ít giá trị trở thành những sản phẩm có giá trị cao, xuất khẩu ra thị trường thế giới, làm giàu cho quê hương, đất nước".
Trong cuộc trò chuyện với Ngọc, chúng tôi thực sự ám ảnh vì câu hỏi mà cô đưa ra khi nói rằng: "Bát cơm trắng bao đời nay nuôi sống người dân cả nước nhưng vì sao người làm ra hạt gạo vẫn mãi nghèo? Tại sao những người xuất thân con nhà nông lại không thể trở thành những ông chủ, bà chủ lớn của ngành lúa gạo nước nhà, khiến hạt gạo quê mình có sức ảnh hưởng trên toàn cầu, trở thành một vựa lúa thực sự của thế giới?".
Câu hỏi của Ngọc là những điều rất nhiều người đã nghĩ đến và cũng từng trăn trở. Lúa gạo vốn không chỉ là niềm tự hào của người ĐBSCL mà còn là tự hào chung của cả đất nước. Thế nhưng, niềm tự hào cũng trở thành nỗi tự ti khi bao năm qua trên thương trường quốc tế, hạt gạo trắng ngần, thơm ngon của nước Việt vẫn chưa thực sự được bán với mức giá tương xứng. Hẳn có rất nhiều sinh viên trăn trở như Ngọc nhưng mấy ai nuôi khát vọng lớn và muốn đi đến tận cùng để tìm ra câu trả lời như cô nữ sinh ấy?
Hưởng ứng phong trào khởi nghiệp, nhiều trường ĐH, CĐ, THPT ở ĐBSCL đồng loạt tổ chức hàng trăm cuộc thi sáng tạo khởi nghiệp với quy mô lớn, nhỏ khác nhau. Mỗi cuộc thi lại tập hợp hàng chục ý tưởng rất sáng tạo, khả thi. Điển hình như ở trường THPT Cao Lãnh 1, tỉnh Đồng Tháp. Chúng tôi đã thực sự bất ngờ khi học sinh mới học đến cấp 3 đã mơ ước trở thành chủ doanh nghiệp lớn và bắt tay ngay vào việc xây dựng kế hoạch làm giàu.
Ấn tượng nhất có lẽ là dự án mứt xoài cát Hòa Lộc của bạn Đoàn Thị Mỹ Tiên. Dự án của Tiên gây ấn tượng mạnh với các thầy cô và nhiều doanh nghiệp vùng ĐBSCL, được các doanh nghiệp mời về thực thi do loại mứt sấy dẻo của Tiên không quá ngọt, được đầu tư bao bì, mẫu mã bắt mắt.
Mỹ Tiên - Nữ sinh xinh đẹp chia sẻ với PV về dự án khởi nghiệp bằng mứt xoài Hòa Lộc
Ở lứa tuổi 17, Mỹ Tiên đã đọc rất kỹ 5 cuốn sách mà Hành trình Từ trái tim trao tặng và nhận ra, mỗi cuốn đều là giá trị căn cốt nhất trong một khía cạnh về tri thức, tư tưởng. Nếu đã đọc kỹ và trải nghiệm, thực hành theo một cuốn, những cơ duyên khác sẽ dẫn dắt bạn đọc nhiều cuốn khác và hiểu rất sâu sắc về một khía cạnh của đời sống.
"Chẳng hạn khi mình đọc Đắc nhân tâm và thực hành theo nó thì sau đó lại có duyên tình cờ đọc các cuốn khác như Hiểu về trái tim, Quẳng gánh lo đi & vui sống... giúp rèn luyện kỹ năng giao tiếp, ứng xử, làm giàu tâm hồn. Mình nhận ra Đắc nhân tâm là cuốn nền tảng nhất trong các cuốn mình từng đọc và nghĩ rằng các cuốn khác mà Hành trình trao tặng cũng như vậy".
Ngoài ra, những ý tưởng khởi nghiệp gắn với sản vật quê hương như sản xuất tinh dầu khử mùi xe hơi bằng lá dứa, làm rượu vang trái giác, trà mãng cầu, bột củ sen, tinh dầu khử mùi bằng hoa sen, mặt nạ dưỡng da từ cám gạo... cũng xuất hiện rất nhiều ở miền Tây.
Bên cạnh những ý tưởng gắn với điều kiện, sản vật vốn là niềm tự hào của người dân miền Tây, rất nhiều bạn trẻ lại nuôi khát vọng bắt nguồn từ điều họ thấy quê hương mình đang thiếu. Đáng nhớ nhất là khát vọng học theo Đàm Bích Thủy, xây trường mầm non với phong cách giáo dục giống như Fullbright của 2 nữ sinh Nguyễn Thanh Nguyệt và Nguyễn Thị Xuân Quyên (năm thứ 2, khoa Sư phạm Mầm Non, CĐ Sư phạm Tây Ninh).
Nguyễn Thanh Nguyệt và Nguyễn Thị Xuân Quyên
Họ muốn trở thành chủ nhân của dự án trường học phi lợi nhuận. Ở đó, họ sẽ đưa những kiến thức mới và áp dụng phương pháp giảng dạy khác biệt cho học sinh ngay từ bậc mầm non.
Quyên cho biết, cô muốn giảng dạy bằng tiếng Anh và áp dụng những kiến thức tiên tiến từ các nước phát triển. Ngôi trường đặc biệt của Quyên sẽ là nơi giúp học sinh ngay từ những ngày đầu bước chân tới trường để khi lên đến bậc tiểu học, các em đã có nền tảng kiến thức và tư duy khác biệt.
Điều mà 2 nữ sinh này mong muốn là trang bị cho các em những giấc mơ, những cách nghĩ khác, lớn lao hơn, đẹp đẽ hơn thế hệ mà họ đã được hưởng từ nền giáo dục công lập.
Với những con người giàu ước mơ, sáng tạo như vậy, khi Hành trình Từ trái tim đến trao sách, tổ chức tọa đàm bàn về văn hóa đọc và đánh thức khát vọng, chương trình thực sự đã chạm đến trái tim của hàng nghìn bạn trẻ.
Khát vọng đưa hạt lúa quê mình phát triển lên tầm cao mới cũng là điều mà bạn Lê Thị Ngọc Diệu chia sẻ với chúng tôi. Đúng lúc nữ sinh đang trăn trở về vấn đề khởi nghiệp thì Hành trình Từ trái tim lại đến với ĐH Trà Vinh. Những cuốn sách và tấm gương của Đặng Lê Nguyên vũ đã giúp cô hiểu ra rất nhiều điều
"Thay vì xuất khẩu gạo thô, những sản phẩm đã qua chế biến sẽ đem lại giá trị cao hơn. Mình nghĩ đây có lẽ cũng là thông điệp mà ông Vũ - người đã từng thành công với hạt cà phê - muốn nhắn nhủ đến sinh viên Trà Vinh khi đưa chương trình Hành trình Từ trái tim tới đây".
Hoa hậu Hương Giang tặng sách cho các bạn trẻ
Cô Lê Thị Kim Loan (giáo viên ở THPT Cao Lãnh 1) cho rằng: "Cái hay của Hành trình Từ trái tim là luôn có những người đẹp, tài năng, thành đạt đi cùng để chia sẻ những chiêm nghiệm của họ, giúp khơi dậy tinh thần ham đọc sách, trọng tri thức bởi không phải ngay từ đầu, ai cũng hiểu và biết tới 5 đầu sách mà Hành trình trao tặng. Ngoài ra, với những cuốn sách có chữ ký của người nổi tiếng, các bạn trẻ chắc chắn sẽ càng trân quý hơn".
Tại ĐH Cửu Long (Vĩnh Long), khi nói về Hành trình Từ trái tim, ông Trần Thọ Tùng (đại diện nhà trường) cho rằng, đây là chương trình rất ý nghĩa trong bối cảnh các trường ở vùng ĐBSCL đang đẩy mạnh việc kết nối với các doanh nghiệp, trang bị cho học sinh, sinh viên nền tảng để khởi nghiệp thành công.
"Rất cảm ơn lãnh đạo Tập đoàn đã giúp truyền đến sinh viên không chỉ kiến thức mà còn giúp trang bị đạo đức, kỹ năng sống, cách xử lý các mối quan hệ và đặc biệt nhất là lan tỏa cảm hứng vươn lên, chống lại chủ nghĩa số phận. Đây là hành động rất nhân văn mà lần đầu tiên, ĐH Cửu Long có cơ hội được đón nhận".
Đi thật xa, đến những nơi khó khăn nhất để thắp lên ánh sáng của niềm tin, khát vọng
Song song với chương trình tặng sách diễn ra tại các trường ĐH, CĐ, thư viện tỉnh, đoàn xe khác biệt của Hành trình Từ trái tim cũng len lỏi tới những vùng sâu, xa, khó khăn nhất của ĐBSCL để thắp lên ánh sáng của ngọn đèn tri thức, của niềm tin và khát vọng làm giàu.
Ấn tượng nhất có lẽ là câu chuyện trên sông nước ở chợ nổi Ngã Năm (Sóc Trăng), ở cù lao Mỹ Hòa Hưng (An Giang), cụm dân cư Nam Hang (Đồng Tháp) và những trường tiểu học, THCS như Vồ Dơi, Thường Phước, Phong Điền, U Minh Thượng...
Chạy xe từ 4h sáng để kịp có mặt lúc mờ tối ở chợ nổi Ngã Năm, chúng tôi đã vô cùng xúc động vì câu chuyện người phụ nữ lớn tuổi như dì Đan phải lên tới tận Bình Dương để mua sách cho cháu nội học ĐH. Không chỉ tặng sách, dì đan còn muốn quan tâm xem con cháu mình ăn học ra sao. Ở vùng chợ nổi, quanh năm người dân chỉ mải lo buôn bán trên ghe, xuồng, nào có ai ngờ vẫn còn những con người trọng tri thức và tôn trọng khát vọng của người trẻ nhiều đến thế.
"Người ta hổng có sợ con cháu mình đói ăn mà ngại nhất tụi nó nghèo tri thức. Trên đời này, nghèo tri thức là nghèo hết mọi thứ, nghèo cả tình yêu, tiền bạc. Cái nghèo ấy nó là cái hèn, cái bóng đè ghê gớm nhứt", là câu nói của dì Đan khiến chúng tôi nhớ nhất khi nhắc đến chuyến đi tới chợ nổi Ngã Năm.
Dì Đan không được học đến cấp 2, chưa từng đi đâu xa ngoài lộ trình từ Sóc Trăng lên Bình Dương, vậy mà cũng có thể hiểu rằng: "Tặng sách nó khác tặng tiền nhiều lắm chớ". Dì Đan nói, người Sóc Trăng tuy không giàu nhưng họ trọng tri thức. Ai hiểu biết nhiều, ai học giỏi, họ mến, họ thương nhiều lắm. Và khi Hành trình Từ trái tim chạm đến vùng đất hiếu học, khát khao truy cầu tri thức như thế... những cuốn sách như đã thực sự chạm đến trái tim họ, được họ nâng niu, trân quý.
"Sách ông Vũ tặng hay quá, tui muốn xin thêm vài chục cuốn nữa tặng cho hàng xóm có được hông", dì Đan đã từng trăn trở khi vừa lật mở những trang sách đầu tiên.
Và, không chỉ có tấm lòng mến mộ 5 cuốn sách quý gồm: Đắc nhân tâm, nghĩ giàu làm giàu, Quốc gia khởi nghiệp, Khuyến học, Không bao giờ thất bại tất cả là thử thách, người dân ở chợ nổi Ngã Năm còn rất nể tấm lòng phụng sự xã hội của ông Đặng Lê Nguyên Vũ.
"Công nhận cái tầm nhìn của ổng rộng lớn thiệt. Người ta muốn trang bị tri thức cho người mình đứng lên tầm cao của thế giới chứ không chỉ dạy cho dân mình giỏi làm ăn, sinh kế ở quanh mảnh đất chật hẹp", anh Ngô Khánh Nguyên - một người được dì Đan tặng lại những cuốn sách từ Hành trình Từ trái tim và chỉ mới đọc một chút cuốn Nghĩ giàu làm giàu đã nói với chúng tôi như thế.
Đến với cù lao Mỹ Hòa Hưng, chúng tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh người phụ nữ không biết chữ, sống trên căn nhà nổi ven sông Hậu đã cẩn trọng, dùng hai tay nâng cuốn sách lên trước bóng đèn mà hỏi rằng: "Đây là sách gì thế".
Nguồn điện chị đang soi sáng cuốn sách phải đổi bằng công chị đi làm giúp việc miễn phí cho người ta. Không có điện, đêm về con gái không thể học bài được. Để cho con ăn học, chị Nguyễn Thị Kim Phụng dù đau yếu, vất vả đến đâu cũng cắn răng chịu đựng. Câu chuyện chị kể rằng có đêm, thấy mẹ làm việc đến kiệt sức, người con gái vừa học bài vừa đỏ hoe khóe mắt khiến chúng tôi trực trào nước mắt.
Chị Phụng đã mất một người con vì bệnh nặng, cả đời chị sống nghèo trên sông dù vốn rất căm ghét cuộc sống bị bao quanh bởi bốn bề mênh mông biển nước. Ước mơ cho con có tri thức, để con thoát nghèo là điều chị luôn trăn trở.
Khi tôi giới thiệu cho chị về 5 cuốn sách Đắc nhân tâm, Nghĩ giàu làm giàu, Quốc gia khởi nghiệp, Khuyến học, Không bao giờ thất bại tất cả là thử thách... chị Phụng tỏ ra rất hào hứng. "Cầm sách ông Đặng Lê Nguyên Vũ tặng này, chị dù không biết chữ vẫn cảm thấy rất xúc động. Chị sẽ tặng lại cho con gái, cho nó có khát vọng đổi đời, chắc chắn nó sẽ rất trân quý những cuốn sách này".
Có người nói với tôi, khát vọng là thứ ai cũng có và hiểu rất rõ. Thực ra không phải như vậy. Rất nhiều người vì luôn lo sợ thất bại, thiếu tri thức, tầm nhìn và trải nghiệm cuộc sống đã không bao giờ dám ước mơ lớn. Chẳng hạn như ở những ngôi trường vùng sâu, xa, khó khăn ở miền Tây, rất nhiều em nhỏ đã bật khóc khi nhận ra, bấy lâu nay mình thực sự chưa có một khát vọng nào được xem là lớn lao.
Đó là câu chuyện của em Lê Nguyên Quyền và Võ Huy Khánh ở cụm dân cư Nam Hang (Đồng Tháp). Bố mẹ của cả 2 đều lên Bình Dương làm công nhân. 2 cậu bé học chung lớp, sống cùng ông bà già cả. Mỗi lần nhìn thấy gia đình các bạn có đủ ba má quây quần bên bữa cơm chiều, 2 đứa lại nắm chặt tay nhau vì tủi thân và vì muốn động viên nhau cùng cố gắng.
Tâm sự với chúng tôi, giống như rất nhiều học sinh có ba má đi làm xa, cả Quyền và Khánh đều mong có thể kiếm ra tiền để ba má quay về nhà sống chung nhưng nếu hỏi các em là làm sao để có tiền thì ít em thực sự có câu trả lời.
Nhận những cuốn sách Hành trình trao tặng, Quyền và Khánh cũng tỏ ra rất háo hức. Nghe chúng tôi kể qua cuộc đời của Chung Ju Yung trong cuốn tự truyện Không bao giờ thất bại tất cả là thử thách, ai nấy đều đỏ hoe mắt. Đó là lần đầu tiên các em nghe nói đến những khát vọng và giấc mơ lớn.
"Hóa ra vẫn còn cách khác để ở gần bố mẹ là học giỏi, làm giàu, thành công hơn là đi làm thuê. Đây là lần đầu có người nói với em như vậy", Quyền nói.
Ở trường tiểu học và THCS Phong Điền (Trần Văn Thời, Cà Mau), rất nhiều em nhỏ cũng đã bật khóc nức nở khi lần đầu được người ở xa đến trao sách và nghe cô giáo chủ nhiệm kể về tấm gương làm giàu của Đặng Lê Nguyên Vũ. Đó là lần đầu tiên các em biết thế nào là khát vọng lớn. Đó cũng là lần đầu, các em nhận ra thế giới ngoài kia có quá nhiều con người vĩ đại và câu chuyện của họ không chỉ có trong sách vở mà tất cả đều là những người bằng xương bằng thịt đang sống trong thời đại của các em.
Hành trình Từ trái tim là một bước rất cần thiết để kiến tạo xã hội
Lý giải về Hành trình Từ trái tim, Á hậu Hoàng My cho rằng những gì mà Hành trình đang làm là bước rất quan trọng để kiến tạo lại nền tảng xã hội bằng cách ban đầu là xây dựng cho mọi người, nhất là giới trẻ nền móng cơ bản về tri thức, đạo đức, về ý chí, khát vọng, vấn đề xác định năng lực, vị trí của bản thân...
Theo Hoàng My, thông qua việc đọc những cuốn sách giá trị, không ngừng tu rèn bản thân, chúng ta có thể sửa hành vi, thói quen, thay đổi từ việc nhỏ rồi sau đó là thay đổi việc lớn, tiến tới thay đổi cuộc đời. Đất nước có hùng cường hay không, điều đó phụ thuộc vào nền tảng của mỗi công dân nước họ. Nếu nền móng đã vững thì chúng ta có thể đi được rất xa.
"Hành trình Từ trái tim đang cố gắng xây nền móng như thế. My nghĩ rằng, một ngày nào đó nếu đất nước mình trở thành một dân tộc dẫn dắt, văn minh, hiện đại, bác ái... thì chúng ta rất cần phải ghi công chương trình Hành trình Từ trái tim".
Lý giải về Hành trình Từ trái tim, HH Hương Giang cho rằng, thay vì trực tiếp hỗ trợ tài chính khởi nghiệp cho một số người trẻ, ông Vũ đã chọn chuyển giao cho nhiều người kinh nghiệm, tri thức của những nhân vật nổi tiếng trên thế giới đã thành công và đúc kết được. Từ đó, mỗi người tự học hỏi và chọn cho mình cách làm tốt nhất.
Theo Hương Giang, sự thành công của một cá nhân sẽ kéo theo đó là thành công của gia đình, dòng họ, quê hương và của cả dân tộc thậm chí là cả thế giới. Một người như Lý Quang Diệu có thể thay đổi cả đất nước Singapore thì không có lý do nào, trong hàng triệu người Việt Nam, nếu chúng ta ai cũng chăm đọc sách, chịu tiến bộ từng ngày mà lại không thể tìm ra một vĩ nhân làm được điều tương tự như thế.
Trao đổi riêng với PV, Nhà giáo Nhân dân nổi tiếng, Hiệu trưởng ĐH Nam Cần Thơ, GS Võ Tòng Xuân (một người rất tâm huyến với vùng đất ĐBSCL) nhận xét: "Những gì Tập đoàn Trung Nguyên đã và đang làm đã gây chú ý tới cả cấp lãnh đạo nhà nước. Trong đó, chuyến Hành trình đến với vùng ĐBSCL có ý nghĩa rất lớn tỏng việc đánh thức khát vọng của thế hệ trẻ, giúp họ phải tập trung suy nghĩ nhiều hơn đến việc có thể làm được điều gì để giúp đỡ ba má, quê hương và đất nước mình vươn lên".
* Năm 2020, “Hành trình Từ trái tim” sẽ tiếp tục mở rộng trao tặng thêm các đầu sách mới trong “Tủ sách nền tảng đổi đời” với hơn 100 đầu sách thuộc 12 lĩnh vực căn cốt nhất do Chủ tịch Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ tâm huyết, cẩn trọng tuyển chọn từ hàng triệu cuốn sách, từ hàng ngàn tấm gương danh vĩ nhân thành công nhất của nhân loại. Tủ sách Nền tảng đổi đời sẽ được trang bị đến hàng chục ngàn thư viện, nhà văn hóa… và hàng triệu hộ gia đình ở 63 tỉnh thành trên cả nước. Đặc biệt Hành trình sẽ đến với quân và dân trên các cụm đảo miền Trung, quần đảo Trường Sa để trao tặng tủ sách ý nghĩa này.
T.N