Con người thường có khuynh hướng kiên trì quá đà với những lựa chọn dở tệ, theo tác giả, Tiến sĩ Annie Duke.
Với “Từ bỏ” (tựa gốc: “Quit”), Tiến sĩ Annie Duke mang ánh sáng nhận thức đến “lãnh địa” nhập nhằng của quyết định kiên trì - từ bỏ. Nhiều sự thật tâm lý và công cụ thú vị sẽ giúp bạn nhìn những thế lưỡng nan của mình dưới con mắt lý trí, tỉnh táo và sáng suốt hơn.
Sao kiên trì thường dễ chịu hơn từ bỏ?
Với thế mạnh là tấm bằng Tiến sĩ Tâm lý học Nhận thức, xuyên suốt 4 phần của cuốn sách, Annie Duke lần lượt chỉ điểm gãy gọn những thiên kiến nhận thức tạo nên khuynh hướng “kiên trì quá đà” của con người.
Tác giả chỉ ra, khi ta dấn thân vào một nỗ lực nhất định là ta đang ngày ngày tích luỹ thời gian, tiền bạc, và công sức. Tích luỹ càng nhiều, ta càng muốn cam kết nhiều thêm. Đây chính là khuynh hướng “leo thang cam kết”. “Cam kết của chúng ta càng leo thang khiến cho việc từ bỏ càng trở nên khó khăn. Toàn bộ quá trình này chẳng khác nào hòn tuyết lăn”, Annie Duke viết.
Điều này có thể giải thích tại sao bạn thường dành nhiều thời gian để xếp hàng, hay đổ thật nhiều tiền để sửa một chiếc xe trong khi giá trị ban đầu của nó còn ít hơn thế. “Vì tôi đã đổ nhiều công sức vào rồi nên tôi không muốn dừng lại như thế này” - câu biện hộ này là hết sức phổ biến.
Dòng suy nghĩ tương tự cũng diễn ra khi ta chôn chân với một công việc không còn đem lại hạnh phúc, duy trì quá lâu những mối quan hệ tiêu cực, hay “chôn tiền” vào lựa chọn kinh doanh đang lỗ rành rành.
Ngoài ra, tác giả còn nhắc đến thiên kiến hiện trạng (status quo bias), rằng chúng ta thường có “khuynh hướng muốn duy trì các quyết định, phương thức và con đường mà ta đã khởi sự, kháng cự với việc chuyển hướng sang một điều gì đó mới mẻ hoặc khác đi”...
Một yếu tố tâm lý khác được nhắc đến là sự sở hữu và chuyện căn tính. Theo Annie Duke, căn tính của chúng ta và những gì ta làm có liên quan mật thiết với nhau. Con người dễ rơi vào cảnh “bất hoà nội tại” khi buộc phải từ bỏ những gì đang làm, đang theo đuổi, vì điều đó chẳng khác nào đang từ bỏ chính mình.
Cũng phải kể đến cái nhìn không thiện cảm của xã hội với chuyện từ bỏ. “Dù ta cười cợt những ai từ bỏ quá muộn màng, nhưng khi ai đó từ bỏ đúng lúc thì ta lại chế nhạo họ đã buông tay quá sớm”, tác giả viết. Bên cạnh đó, nỗi sợ bị người khác đánh giá bên trong chính mỗi chúng ta cũng luôn bị thổi phồng.
Tất cả những yếu tố tâm lý và xã hội trên khiến cho lựa chọn “cất bước ra đi” luôn nhọc nhằn hơn là tiếp tục bám trụ vào một hướng đi và lựa chọn không ổn.
Tiêu chí khai tử và những công cụ khác
Trước những trở ngại đó, có cách nào giúp để ta bớt gắn bó quá mức với những lựa chọn dở tệ?
Trong “Từ bỏ”, tác giả giới thiệu những công cụ thú vị nhằm “lượng hoá” giá trị của quyết định từ bỏ - tiếp tục. Những công cụ này đôi khi được “vay mượn” từ những cá nhân xuất sắc trong những lĩnh vực đòi hỏi tinh thông về bỏ cuộc đúng lúc, như nhà đầu tư mạo hiểm, chuyên gia leo núi hay nhà phát triển sản phẩm.
Tác giả Annie Duke nhắc về tiêu chí khai tử: “Thiết lập những cột mốc, tiêu chuẩn và các dấu hiệu cảnh báo, gọi là tiêu chuẩn khai tử, để giúp bạn có thể từ bỏ sớm hơn”, cô định nghĩa. Ví dụ, với một nhà leo núi, tiêu chí khai tử có thể là: “Trước 1 giờ chiều phải quay xuống núi, dù cho bạn chưa leo lên tới đỉnh”. Khi bắt đầu hẹn hò với ai đó, hãy nhìn về tương lai và đặt câu hỏi: “Dấu hiệu nào sẽ khiến mình nghĩ rằng đã đến lúc chấm dứt mối quan hệ này?”.
Bạn có thể làm điều tương tự khi chuẩn bị ghi danh vào một trường đại học, chọn một ngành nào đó, bắt đầu một định hướng sự nghiệp hoặc nhận một công việc. “Nếu mình đạt (hoặc không đạt) đến một tình trạng nhất định vào một thời điểm nhất định thì mình phải từ bỏ”. Hoặc “Nếu đến Y (thời gian) mà mình chưa làm được X, thì mình sẽ từ bỏ”.
Một cụm từ khác được Annie nhắc đến là “giá trị kỳ vọng” (expected value), thuật ngữ phổ biến trong lý thuyết xác suất và thống kê. Trong cuốn sách, cô hướng dẫn bạn đọc tính toán (dựa theo giá trị và xác suất xảy ra) để nhận ra các phương án đang cân nhắc sẽ mang lại kết quả tích cực hay tiêu cực về đường dài.
Hơn nữa, khi tư duy theo giá trị kỳ vọng, bạn có thể so sánh các phương án khác nhau để xem lựa chọn nào tốt hơn. “Nếu mình chuyển sang làm điều gì khác, liệu nó có giá trị kỳ vọng cao hơn việc mình đang làm hay không?”, đó là câu hỏi mà chúng ta cần tự vấn chính mình.
Tác giả cũng khuyến khích bạn đọc sử dụng một MVP (Minimum Viable Product) - sản phẩm khả dụng tối thiểu - một khái niệm phổ biến với các chuyên gia công nghệ ở thung lũng Silicon. Một MVP - phiên bản tối giản của lựa chọn - cho phép bạn từ bỏ nhanh chóng một lựa chọn trước khi cam kết quá nhiều cho nó. Chẳng hạn, trước khi chuyển hẳn đến sinh sống thành phố nào đó, hãy dành chút thời gian du lịch tới đó và trải nghiệm trước. Để khi thấy không ưng ý với lựa chọn này, bạn hoàn toàn có thể rút lui từ sớm.
Còn rất nhiều những ý tưởng độc đáo khác được Annie Duke chia sẻ trong “Từ bỏ”. Điều thú vị là khi đọc qua những ý tưởng trên, ta bắt đầu thích thú những chiến lược thông minh, những cách đong đếm tỉnh táo của những “chuyên gia từ bỏ”.
Và ta cũng không còn cái nhìn tiêu cực về chuyện bỏ cuộc như trước. Thay vào đó, ta nhận ra vẻ đẹp đằng sau quyết định này, rằng từ bỏ đôi khi lại chứng tỏ sự dũng cảm, khôn ngoan và tầm nhìn xa hơn là cứ bất chấp bám trụ.
Giống như Annie Duke nói: “Cuộc đời này ngắn lắm nên đừng dành thời gian cho những thứ không xứng đáng”. Thời gian, nguồn lực và sự chú tâm của con người là có giới hạn, vì vậy hãy chắc chắn rằng bạn đang theo đuổi những điều tuyệt vời và xứng đáng nhất trong cuộc đời mình.