Từ bỏ - Ngừng theo đuổi những điều không còn xứng đáng để kinh doanh hiệu quả hơn

Minh Tú11/05/2024 09:00
Từ bỏ - Ngừng theo đuổi những điều không còn xứng đáng để kinh doanh hiệu quả hơn

Mỗi cá nhân hay doanh nghiệp đều cần có căn tính của mình vì nó giúp củng cố bản sắc và tạo nên sự khác biệt. Tuy nhiên, nếu cứ mắc kẹt hoặc bảo vệ căn tính một cách cực đoan thì sẽ dẫn đến thất bại.

Đa phần các chủ doanh nghiệp, những nhà điều hành hay quản lý luôn muốn loại bỏ những quy trình, dự án cồng kềnh và không còn phù hợp để có thể kinh doanh hiệu quả hơn. Nhưng đôi khi nếu xác định không đúng đâu là điều nên từ bỏ, đâu là điều không nên từ bỏ, họ sẽ gặp thất bại, thậm chí là dẫn đến việc phá sản. 

Chúng ta sẽ thấy rõ kết quả của việc từ bỏ những điều đáng lẽ không nên từ bỏ trong câu chuyện của công ty bán lẻ tại Mỹ - Sears và công ty điện tử đa quốc gia Hà Lan - Philips. Câu chuyện của họ được lý giải một cách chi tiết trong quyển sách “Từ bỏ” của tác giả Annie Duke, từ đó mang đến góc nhìn thực tiễn cho các chủ doanh nghiệp trong việc ra quyết định kinh doanh.

Sears được biết đến là công ty bán lẻ hàng đầu của Mỹ. Nhưng sau khi đối mặt với một số thách thức về mô hình kinh doanh, Sears đã mở rộng sang thị trường bán bảo hiểm. Họ thành lập công ty bảo hiểm Allstate với đa dạng gói bảo hiểm khác nhau và nhanh chóng đạt được những thành tựu đáng kể khi thẻ tín dụng dành riêng cho các cửa hàng Sears phổ biến hơn cả thẻ Visa hay Mastercard. Điều đó giúp Allstate vươn lên thành một trong những đơn vị bảo hiểm nhân thọ lớn nhất tại Mỹ.

Không những thế, vào năm 1981, Sears mua lại Coldwell Banker, công ty môi giới bất động sản lớn nhất của Mỹ và Dean Witter, công ty môi giới dịch vụ an ninh nổi tiếng bấy giờ. Vào năm 1985, Sears kết hợp hai thương vụ này bằng việc phát hành một loại thẻ tín dụng đa năng mới mang tên Discover để cạnh tranh với Visa và Mastercard. Nắm trong tay nhiều cỗ máy sinh lời nhưng cuối cùng, Sears thông báo giải thể các dịch vụ tài chính của mình và quay về với “nguồn cội” - ngành bán lẻ hiện đang gặp rất nhiều khó khăn về tài chính và thị trường. Không ngoài dự đoán, quyết định này đã khiến Sears phá sản vào năm 2018. 

Cùng được thành lập vào thập niên 1890, Philips là một công ty chuyên bán bóng đèn. Đến năm 2012, Philips trở thành nhà sản xuất các sản phẩm chiếu sáng lớn nhất thế giới và có mặt ở 180 quốc gia. Từ thập niên 1960, Philips cũng bắt đầu gây được tiếng vang trong ngành hàng điện tử tiêu dùng, phát minh ra băng cassette, đĩa CD, VCR và DVD. Nhưng đến năm 2020, Philips đã không còn bán bất kỳ sản phẩm chiếu sáng nào mà tập trung vào 3 phân khúc kinh doanh là chẩn đoán và điều trị, chăm sóc sức khỏe bằng công nghệ và sức khỏe cá nhân và trở thành thương hiệu chăm sóc sức khỏe với doanh số mỗi năm gần 20 tỷ euro.

Chúng ta có thể thấy cũng giống như Sears và dịch vụ tài chính của họ, Philips bắt đầu phát triển mảng chăm sóc sức khỏe ngay từ giai đoạn đầu song hành với việc sản xuất thiết bị chiếu sáng. Trong khi Sears bán đi những “công cụ” đang sinh lời thì Philips lại làm điều trái ngược. Họ tuyên bố bán lại doanh nghiệp sản xuất thiết bị chiếu sáng cốt lõi để tập trung vào mảng chăm sóc sức khỏe đang kinh doanh hiệu quả hơn.

Tại sao Sears từ bỏ lại thất bại nhưng Philips từ bỏ lại thành công? Để lý giải cho việc lựa chọn sai lầm của Sears, ta có thể nói về vấn đề căn tính. Bởi vì mọi người thường chỉ biết đến hay nhớ về Sears với tư cách là công ty bán lẻ. “Sears” và “bán lẻ” luôn đồng nghĩa và gắn liền với nhau. Bán lẻ chính là căn tính của họ. Do đó, nếu Sears giữ lại mảng dịch vụ tài chính và đóng cửa các cửa hàng bán lẻ, họ sẽ không còn là Sears nữa hoặc không còn là Sears như mọi người từng biết. Chính vì thế, Sears đã thất bại và mãi trở thành sự tiếc nuối lớn trong ngành bán lẻ. 

Mỗi cá nhân hay doanh nghiệp đều cần có căn tính của mình vì nó giúp củng cố bản sắc và tạo nên sự khác biệt. Tuy nhiên, nếu cứ mắc kẹt hoặc bảo vệ căn tính một cách cực đoan thì sẽ dẫn đến thất bại. Vì vậy, chúng ta cần phải suy xét kỹ lưỡng và thận trọng để biết lúc nào nên kiên trì và lúc nào nên từ bỏ căn tính của mình.

Hãy dành nguồn lực để theo đuổi những mục tiêu đích thực và đừng níu kéo những thứ đang khiến công ty trì trệ. Đó chính là điều mà tác giả "Annie Duke" muốn gửi gắm trong câu chuyện kinh doanh của Sears và Phillips qua cuốn "Từ bỏ".


Gửi bình luận
(0) Bình luận