Khi nghỉ việc vào năm 2023, Hou Siyi báo tin cho mọi người thông qua truyền hình thực tế. Cô gái 24 tuổi - tham gia chương trình hẹn hò nổi tiếng Heart Signal của Trung Quốc mùa 6 - ăn mừng với bánh và hoa cùng các bạn diễn của mình.
"Tôi không lên kế hoạch quá nhiều. Tôi cũng không muốn nghĩ tới ý kiến của mọi người, các công ty lớn hay trường học danh giá. Tôi chỉ muốn làm những gì trái tim mách bảo", cô chia sẻ.
Hou là một trong nhiều người lao động trẻ ở Trung Quốc chia sẻ trải nghiệm nghỉ việc của mình trên mạng xã hội. Điều này tương tự xu hướng "quit-tok" ở phương Tây - nơi mọi người đăng bài về chuyện nghỉ việc do không hài lòng với điều kiện làm việc hoặc mong muốn có một khởi đầu mới, theo Jing Daily.
Bỏ việc ồn ào
"Loud quitting" (bỏ việc ồn ào) ra đời nhiều năm sau "quite quitting" (nghỉ việc trong im lặng) - được định nghĩa là chỉ làm việc ở mức tối thiểu và từ chối tăng ca. Nó cũng khác với "lying flat" hoặc "tangping" (nằm yên) - nơi mọi người từ chối áp lực xã hội phải đạt được thành tích quá cao.
Với bỏ việc ồn ào, người lao động Trung Quốc đang phá vỡ sự cam chịu tinh thần và tìm những cách mới để phát triển. Trên mạng xã hội Xiaohongshu, từ khóa "naked resignation" (nghỉ việc đột ngột mà không cần kế hoạch dự phòng) có 1,4 tỷ lượt xem, trong khi "Tôi nghỉ việc" thu hút 346 triệu lượt xem.
Ông Jack Porteous - giám đốc thương mại của cơ quan đa văn hóa Tong - cho biết, hiện tượng công khai ăn mừng việc từ chức là một phần của phong trào cải cách nơi làm việc sau những năm 2000.
"Người trẻ sẵn sàng từ bỏ môi trường làm việc độc hại và bóc lột, mức lương không đủ để sống. Họ ưu tiên cân bằng giữa công việc và cuộc sống, tập trung vào sức khỏe tinh thần thay vì cứ đâm đầu vào làm việc", ông giải thích.
Đối với một số người, môi trường làm việc không phải lý do họ chọn từ chức.
"Tôi có danh vọng, tiền bạc, sự nghiệp thành công. Tuy nhiên, tôi không thực sự hạnh phúc", An (32 tuổi) - rời bỏ vai trò trưởng nhóm tiếp thị tại một công ty điện tử tiêu dùng vào năm 2022 - cho hay.
"Tôi mong biết được chính xác những gì mình muốn trong cuộc sống. Tôi hy vọng tìm kiếm hạnh phúc và khám phá nhiều khả năng hơn nữa", cô nói.
Quyết định từ bỏ một vị trí ổn định hoặc thậm chí được trả lương cao có vẻ mâu thuẫn khi nền kinh tế Trung Quốc chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên đạt mức cao kỷ lục.
Nhưng đối với Hou, điều đó hoàn toàn có lý.
"Tôi tin rằng, chính sự suy thoái kinh tế và thu hẹp quy mô kinh doanh ở các công ty lớn mà khối lượng công việc của mỗi người đã tăng lên, dẫn đến hiện tượng kiệt sức và buồn chán. Áp lực công việc quá lớn không mang lại cảm giác hài lòng về thành tích và giá trị cá nhân", cô bày tỏ.
Tìm bình yên ở nơi xa
Vậy những người thất nghiệp đang làm gì với thời gian rảnh rỗi?
Hou đã học lướt sóng ở Vạn Ninh (tỉnh Hải Nam, Trung Quốc) và được "chữa lành" tại Đại Lý (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc). Cả hai thành phố đều có chi phí sinh hoạt tương đối thấp, môi trường tự nhiên trong lành và rất phổ biến đối với những người du mục kỹ thuật số ở Trung Quốc.
Trong khi đó, An đi du lịch nước ngoài để xoa dịu chính mình, nhưng không chọn đến các địa điểm phổ biến. Cô bắt đầu cuộc phiêu lưu ở Thổ Nhĩ Kỳ trước khi đến Israel, Jordan, Palestine, Ai Cập, Colombia, Ecuador, Peru, Bolivia, Paraguay, Brazil cùng một số quốc gia khác.
"Tôi muốn đến một nơi nào đó không quá phát triển hoặc không ngừng thay đổi. Bởi tôi biết, mình có thể đến Mỹ hoặc châu Âu để công tác hoặc thậm chí khi tôi 60-70 tuổi. Không có gì thực sự thay đổi ở những quốc gia phát triển này. Tôi vẫn còn trẻ nên muốn thấy điều gì đó khác biệt", An nói.
"Ở Trung Quốc, có tiền bạc, sự nghiệp, danh tiếng đồng nghĩa với thành công. Nhưng điều đó có đúng không? Những người sống ở Nam Mỹ như Brazil, Amazon hay Colombia, họ không giàu có nhưng thực sự hạnh phúc. Tôi chỉ muốn biết tại sao", An nói.
Để tìm kiếm câu trả lời, An mở kênh podcast có tên "Hạnh phúc và công việc" nhằm khám phá xem liệu công việc và hạnh phúc có thực sự ở hai đầu đối lập nhau hay không.
Theo nền tảng Trip.com Group, số lượt tìm kiếm sản phẩm liên quan đến gap year (tạm dừng công việc hoặc chuyện học tập một năm để nghỉ ngơi) có xu hướng tăng lên đều đặn kể từ năm 2022. Kể từ đầu năm nay, lượng tìm kiếm về vé và các chuyến du lịch liên quan đến gap year trên trang du lịch Trung Quốc tăng đột biến, gấp 20 lần so với năm 2019 và gấp 1,2 lần so với năm 2023.
Người phát ngôn của Trip.com Group nói: "Một số yếu tố mà du khách trẻ cân nhắc khi chọn điểm đến gap year sẽ là các đề xuất, đánh giá; sự sẵn có của các cơ hội văn hóa và giáo dục; khả năng tiếp cận và thuận tiện".
Khi những người lao động mệt mỏi của Trung Quốc khám phá thế giới, ưu tiên của họ là phát triển cá nhân và chữa lành tâm hồn. Đây là một trong những giai đoạn nhiều thay đổi nhất trong cuộc đời họ, trước khi lấy lại tinh thần để trở lại công việc.