Dưới đây là bài chia sẻ dưới chủ đề “Tại sao người trải nghiệm càng nhiều thì càng thích ở một mình” được đăng tải trên Zhihu (nền tảng hỏi đáp và chia sẻ kiến thức).
Một giáo sư trường đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) từng nói: “Bạn có phát hiện ra hay không, người thích đi đi về về một mình thật ra đều sở hữu phẩm hạnh rất tốt. Họ không đấu đá, cũng không quan tâm đến chuyện thị phi, chỉ thích một mình một cõi. Họ chuyên tâm làm việc nên làm, hưởng thụ cuộc sống và thế giới tinh thần thuộc riêng về mình.
Có thời gian rảnh rỗi, họ lại thích trở về nhà, nơi họ tự bài trí theo sở thích, nấu vài món đơn giản, vừa ăn vừa xem bộ phim. Ăn no rồi lại đọc sách hoặc chăm sóc cây cối, viết lách… Bình tĩnh nhìn ngắm thế giới với đôi mắt của sự trải đời và chiêm nghiệm. Đó là cách sống của người kinh qua nhiều thứ và thích sống một mình. Họ rất đáng để kết thâm giao, làm bạn tri kỷ”.
Sẵn sàng đắm chìm và tận hưởng cuộc sống một mình, chứng tỏ người đó bắt đầu có “nảy mầm” của trí tuệ. Đến một độ tuổi nhất định mà vẫn thích chí với việc đấu đá lẫn nhau, hòa lẫn vào đám đông để thể hiện mình là biểu hiện sự “trẻ người non dạ”, chưa đủ trưởng thành.
Hãy tưởng tượng xem, giữa “một căn nhà sống chung với nhiều người, đông đúc, chật chội, dùng chung mọi thứ, va chạm cuộc sống diễn ra hằng ngày” và “sống ở nơi thuộc về riêng mình, tự do tự tại”, bạn thích cái nào hơn?
Trưởng thành rồi mới hiểu, không phải cứ nhiều bạn là tốt. Ta có nhiều mối quan hệ để phục vụ cho công việc, nhưng khi về đến nhà, ta một mình một cõi, từ chối những cuộc hẹn vô giá trị, không tham gia những chuyện thị phi phù phiếm. Cuộc sống phức tạp hay giản đơn, đôi khi là một sự lựa chọn và được quyết định bởi việc bạn có đủ sự tỉnh táo để sàng lọc hay không!
Trong xã hội ngoài kia, nhà hàng càng đắt thì càng ít người, chỗ ngồi cũng rộng rãi, thoải mái hơn, không gian yên tĩnh, đôi khi còn có tiếng nhạc du dương.
Càng có sự tu dưỡng trong tâm hồn, bạn càng biết mọi thứ trên thế giới này đều có giới hạn của riêng nó, cuộc sống của mỗi người cũng vậy. Đến một lúc nào đó, rồi bạn cũng sẽ hiểu ra bản thân không cần thiết phải tranh đấu hay so sánh, tập trung vào chính mình mới là điều quan trọng nhất. Bởi lẽ sống ở đời, chỉ có mỗi bản thân là có thể kiểm soát được, còn người khác thì không.
Có một người bạn làm tài xế xe buýt công cộng suốt 30 năm, chưa bao giờ gây ra tai nạn.
Trong mắt tôi và nhóm bạn, ngồi trong xe của anh ấy có thể yên tâm, đủ đầy cảm giác an toàn. Chúng tôi cứ nghĩ rằng, anh rất hưởng thụ việc lái xe, cảm thấy đó là công việc nhẹ nhàng nhất trên thế giới. Cho đến khi nghe anh nói một câu, chúng tôi mới hoàn toàn vỡ lẽ.
“Tôi bây giờ không còn đủ can đảm để lái xe nữa, ngày càng nhát gan”, anh nói.
Ai cũng đồng loạt thốt lên hỏi: “Vì sao?”.
Anh nói: “Đi đường nhiều mới phát hiện, lái xe có thể gặp đủ loại người. Bạn không biết sẽ gặp loại người gì hay chuyện nguy hiểm nào. Cái cảm giác giống như đi trên dây vậy”.
Tôi cảm thấy câu nói của anh bạn của tôi hàm chứa đạo lý có thể giải thích được câu hỏi trên.
Người trải nghiệm càng nhiều, nói trắng ra là gặp nhiều người, kinh qua nhiều chuyện. Do đó, họ sẽ phát hiện:
1. Trên thế giới này có rất ít người thật sự muốn bạn sống tốt hơn họ, có thể trở thành tri âm tri kỷ thì lác đác một hai người, thậm chỉ tìm mãi chẳng thấy đâu.
2. Khi gặp khó khăn, người đủ năng lực để giúp bạn thật sự quá hiếm hoi, người sẵn lòng dang tay giúp đỡ lại càng ít ỏi hơn. Do đó, ai có thể giúp đỡ bạn thì người đó thật sự là quý nhân.
3. Trên đời này không có sự đồng cảm chân chính, họa chăng chỉ là sự có mặt để sẻ chia cũng là phúc phần may mắn lắm rồi. Do đó học cách chấp nhận sự cô đơn và mạnh mẽ tự làm mọi thứ để thích nghi với cuộc sống là điều cần thiết.
4. “Dựa núi, núi đổ; dựa người, người chạy; chỉ có bản thân mới đáng dựa dẫm”.
…
Vậy nên nếu hỏi “Tại sao người trải nghiệm càng nhiều thì càng thích ở một mình” thì có thể trả lời gói gọn rằng:
Vì họ nhìn thấy quá nhiều thứ trong cuộc đời này rồi nên cần thời gian và không gian để dành cho bản thân!