Cửa hàng sách "dã chiến"
"Xem sách đi con, ở trên xe vẫn còn nhiều lắm", ông Trần Minh Quang (94 tuổi) vui vẻ nói khi thấy có người nhìn vào chồng sách cũ được xếp gọn trên tấm bạt trải ở vỉa hè.
Sợ khách hàng không thể tìm được cuốn sách ưng ý, ông cụ từ tốn giới thiệu từng cuốn sách một. Sạp của ông có đa dạng thể loại, từ truyện tranh, tiểu thuyết đến cả từ điển nước ngoài, giáo trình cũ,... Số sách này phần lớn là mọi người chở đến cho ông, chỉ một số ít là ông mua.
Lấy đống sách trong thùng nhỏ mới được cho vào sáng nay, ông chủ cẩn thận nhìn từng bìa sách và bắt đầu phân loại.
"Thay vì đem bán ve chai chỉ được vài đồng, mọi người thường đem sách báo, tạp chí cũ đến cho tôi", ông Quang kể.
Hằng ngày, đúng 7h, ông Quang tự mình đạp chiếc xe đạp cũ kĩ đến cạnh một trường tiểu học trên đường Lâm Văn Bền (quận 7) để bán sách, đến 11h là dọn hàng về.
Không bảng hiệu, sạp sách của ông được mọi người gọi với cái tên thân thương là cửa hàng sách "dã chiến". Bởi không có những kệ sách cao to, những cuốn sách cũ được ông chủ xếp chồng ngay ngắn trên những tấm bạt trải tạm bợ ở vỉa hè.
Ông gọi vui chiếc xe đẩy cũ kỹ, được dựng sát hàng rào trường học là "kho" sách, cất giữ toàn bộ số sách mà ông có. Mỗi khi bán xong, ông sẽ tỉ mỉ xếp từng cuốn vào xe đẩy và phủ bạt thật kín để che mưa gió.
"Tôi tuổi đã cao nên không thể cứ hằng ngày đạp xe chở chồng sách đi lại được. Có bao nhiêu sách tôi đều cất trong chiếc xe này. Nó là cả gia tài của tôi nên tôi khóa kỹ lắm", ông Quang nói nửa đùa, nửa thật.
Nói về công việc bán sách cũ của mình, ông Quang bảo thu nhập cũng khá bấp bênh. Mỗi ngày, ông bán được từ vài chục nghìn đến một trăm nghìn đồng, nhưng cũng có ngày đành đi về tay không.
"Sách là bạn, là niềm an ủi tuổi già…"
Ông Quang kể, hơn 20 năm trước, ông từ Đồng Nai đến TPHCM lập nghiệp, từng thử qua nhiều công việc, bao nhiêu cay đắng, ngọt bùi trong cuộc sống ông đều đã trải qua. Năm 2005, ở cái tuổi 76, ông "bén duyên" với nghề bán sách cũ.
"Bán sách thì đơn giản, không phải nấu nướng hay dọn dẹp gì, phù hợp với một ông già như tôi. Thỉnh thoảng rảnh rỗi, tôi còn được đọc rất nhiều sách", ông Quang cho biết lý do gắn bó với nghề cho đến tận bây giờ.
Với ông, ai cũng có quyền đọc sách và nên đọc thật nhiều sách. Vì vậy, nhiều lúc, ông hào sảng để khách đổi quyển này lấy quyển khác với giá rẻ, hoặc thậm chí tặng thêm sách cho người mua nhiều.
"Tôi bán nhưng họ cho nhiêu thì cho", ông Quang cười, nói.
Ở cái tuổi gần 100, đáng lẽ phải được an hưởng tuổi già bên con cháu, nhưng ông Quang không đủ may mắn để có được điều đó. Ông cũng từng có nhà, có gia đình, có vợ con. Thế nhưng, sau nhiều biến cố, khi các con dần trưởng thành, có cuộc sống riêng thì chẳng ai quan tâm đến ông nữa.
Một mình đơn độc giữa thành phố này, dường như ông chẳng còn mong đợi gì nhiều cho bản thân. "Ở cái tuổi gần đất xa trời này, tôi chỉ mong sau này khi mình chết sẽ có người lo hậu sự cho", ông Quang ngậm ngùi.
Tuy buồn tủi cho số phận lầm lũi, hiu quạnh của mình, nhưng ông cũng thầm biết ơn vì sức khỏe còn tốt. Dù đã ngoài 90, ông tự nhận bản thân còn minh mẫn và đôi mắt vẫn "ngon lành". Nhờ thế, mỗi ngày, ông Quang làm bạn với những quyển sách, lấy đó làm niềm vui, an ủi tuổi già của mình.