Trải qua bao nhiêu năm lịch sử, Sài Gòn đã khoác lên mình một chiếc áo mới, nhưng không phải vì thế mà chừng ấy hồi ức cũ về mảnh đất này chìm vào quên lãng. Một lần nữa những mảng ký ức rực rỡ được Cù Mai Công tìm tòi và tái hiện trong cuốn sách“Gia Định là nhớ - Sài Gòn là thương”.
Cuốn sách là thước phim quay chậm khai phá cảm xúc lạ kỳ về vùng đất màu mỡ nhưng cũng lắm gian truân qua ba thế kỷ.
Những hồi ức vang bóng một thời
Sài Gòn trong mắt những người trẻ như tôi là dãy nhà cao tầng hiện đại, là phố đi bộ nhộn nhịp, là quán xá đông kín người khi đêm về, là một siêu đô thị bận rộn và đông đúc. Nhưng trong cuốn sách “Gia Định là nhớ - Sài Gòn là thương” lại hiện lên một Sài Gòn thật quen thuộc nhưng lại ẩn chứa những câu chuyện không phải ai cũng nhớ, không phải ai cũng biết.
Trong dòng hồi tưởng xưa, các biểu tượng văn hóa Sài Gòn được tái hiện một cách sống động gắn liền với những câu chuyện lịch sử, được kể lại ngắn gọn nhưng đầy đủ thông tin và chứa đựng nhiều cảm xúc khó tả. Hình ảnh chợ Bến Thành - ngôi chợ long đong hơn một thế kỷ không tên vẫn mạnh mẽ tồn tại đến hôm nay. Hình ảnh Chiêu Nam Lầu, nơi hội ngộ anh hào giữa lòng Sài thành. Hay khung trời đại học thơ mộng của những cô cậu thanh niên năm nào, và những câu chuyện thú vị về Hồ Con Rùa, Sài Gòn Chợ Lớn một thuở…
Không chỉ những địa danh cũ mà cuốn sách còn nhắc nhớ đến những câu chuyện văn hóa Sài Gòn một thời. Cù Mai Công miêu tả thói quen rất “Sài Gòn” của con người nơi đây bằng bốn từ “Tô - Ly - Điếu - Tờ” - tô hủ tiếu, ly cà phê điếu thuốc và tờ báo. Chỉ ly cà phê của người Sài Gòn thôi đã có riêng một câu chuyện ly kỳ, khiến người Pháp cũng phải ngỡ ngàng trước sự sáng tạo của người Sài Gòn khi tạo ra một loại thức uống độc đáo.
Người ta ngồi san sát nhau dọc trên vỉa hè, hớp nhanh một hơi cà phê thơm nóng, chuyện trò, đọc báo cho nhau nghe, bất kể giàu nghèo, bình dân hay tri thức, đều chỉ được gọi chung bằng một chức danh: người Sài Gòn! Cứ thế, một đại lộ cafe nhộn nhịp “bực nhứt” thị thành ra đời.
Không dừng lại ở Sài Gòn trước những năm 1975, tác giả còn quay ngược cuốn phim đưa độc giả trở về với 300 năm trước, tìm về Gia Định hoang sơ thuở đầu, “một thời mà nơi đây vẫn còn là rừng rậm, đầm lầy, kinh rạch”. Từ những thước phim lịch sử hấp dẫn ấy để ghi dấu công lao của các bậc anh hùng tiên phong vào nam mở cõi.
Thông qua lời kể, kết hợp với những tư liệu từ bưu ảnh, sách báo trong và ngoài nước, Cù Mai Công đã soi chiếu chúng cẩn thận trên nhiều phương diện lịch sử - địa lý - văn hóa từ quá khứ đến hiện tại. Bởi vì vậy mà đọc tới đâu lại thấy thấm thía tới đó, rất cụ thể, trực quan mà sống động.
‘Đứa trẻ’ lì lợm đi tìm lời giải từ thuở ấu thơ
Sau một hành trình du ngoạn khắp nơi, Cù Mai Công vẫn không quên dành một phần ưu ái cho miền đất tuổi thơ của mình - khu Ông Tạ. Nếu không có tình yêu thiết tha dành cho khu mình sống, chắc chắn sẽ không thể có tình yêu to lớn dành cho Gia Định - Sài Gòn như vậy. Từ những trò chơi với thuốc đạn, hột cao su, tác giả tìm về với rừng cao su cuối cùng của Sài Gòn - Gia Định với biết bao kỷ niệm. Từ những ngày tắm mưa lội nước nghịch ngợm cùng bè bạn, ông mở ra câu chuyện về kinh rạch Nhiêu Lộc “ngập lụt” trong ký ức.
Có thể nói, Cù Mai Công là một nhà văn - nhà báo từng trải, nhưng bên trong ông luôn nuôi dưỡng một “đứa trẻ” tò mò nhưng cũng rất gan lì. Ngày nhỏ ai mà chẳng từng có trăm vàn câu hỏi vì sao, có đứa tìm người lớn hỏi, có đứa vừa hỏi lại quên, nhưng Cù Mai Công lại là đứa trẻ lì lợm nhất, quyết mang những câu hỏi đó theo mình lớn lên rồi đi tìm lời giải cho bằng được. Mà nếu không phải là người lì lợm và dành tình yêu sâu đậm cho vùng đất này, thì chẳng có “kẻ rồ” nào lại bỏ công lê la khắp các quán xá, cẩn thận ghi chép và nghiên cứu lâu đến như vậy.
Với lời văn bình dị mà hấp dẫn, Cù Mai Công đã mang đến cho người đọc nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, từ thích thú ngạc nhiên, gật gù tâm đắc, hoài niệm đến đồng cảm yêu thương. Cuốn sách tuy không dày, không trải hết biên niên sử về Gia Định - Sài Gòn, nhưng chứa đầy những thông tin quý giá, vừa đủ để khơi gợi những nhớ thương về vùng đất mở này, cũng vừa đủ để tiếp tục trông đợi, khai phá thêm những mảng ký ức rực rỡ khác.
Thế rồi một ngày đi dạo quanh một con đường nào đó ở Thành phố Hồ Chí Minh, ta lại thấy phảng phất bóng hình của Gia Định trầm mặc, hoang sơ, và một Sài Gòn đậm đà trong từng hơi thở của thời đại, quá đỗi rực rỡ, quá nhiều thân thương…
Cù Mai Công sinh năm 1962, tốt nghiệp khoa Ngữ Văn trường Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, là võ sư chưởng môn karate hệ Shorin-ryu bảy đẳng, ông có đam mê với thơ văn từ khi còn thiếu niên và được đăng nhiều tác phẩm trên báo Thiếu niên Tiền Phong, báo Tin Sáng… . Ông chính thức làm báo từ năm 1985, hiện đang công tác tại Báo Tuổi Trẻ. Ông được đánh giá là một cây bút “sống” được, viết được hiếm có, với những thông tin, hiểu biết độc đáo và đầy bất ngờ.
Những tác phẩm đã xuất bản: Saigon by night, Tuổi Mực tím Sài Gòn, Sài Gòn một thuở Dân Ông Tạ đó…