Tái tư duy và sự lười biếng trong tư duy
Khi nói đến những điều kiện để có một trí óc minh mẫn, người ta thường nghĩ ngay đến trí thông minh. Càng thông minh, bạn càng giải quyết được các vấn đề phức tạp hơn – và thời gian bạn giải quyết cũng nhanh hơn. Trí thông minh vốn được nhìn nhận như là khả năng tư duy và học hỏi. Nhưng trong một thế giới đầy biến động, con người cần có một bộ kỹ năng nhận thức khác quan trọng hơn nhiều: đó là khả năng tái tư duy và quên đi những điều đã học.
Tái tư duy có nghĩa là suy nghĩ lại, cân nhắc hay nhìn nhận lại một quan điểm, niềm tin hay định kiến của bản thân, trong một số trường hợp cũng có thể hiểu là thử suy nghĩ khác đi hay ra khỏi lối mòn suy nghĩ.
Thử hình dung bạn vừa làm xong một bài kiểm tra trắc nghiệm, và bạn bắt đầu đắn đo về một trong các đáp án của mình. Bạn vẫn còn thời gian – vậy bạn sẽ giữ nguyên câu trả lời theo trực giác ban đầu hay thay đổi lựa chọn?
Khoảng ba phần tư sinh viên khi được hỏi tin rằng thay đổi lựa chọn ban đầu thường khiến họ bị điểm thấp hơn. Kaplan, một công ty luyện thi hàng đầu, từng cảnh báo sinh viên “hãy cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định thay đổi một đáp án đã chọn. Kinh nghiệm cho thấy nhiều sinh viên chọn đổi câu trả lời, đều đổi thành câu trả lời sai”.
Mặc dù hết sức tôn trọng những đúc kết từ kinh nghiệm, tôi vẫn tin vào chứng cứ rõ ràng hơn. Một nhóm ba nhà tâm lý học đã tiến hành phân tích một cách toàn diện kết quả của 33 nghiên cứu và khám phá ra rằng: trong mọi trường hợp, đa số các lần thay đổi đáp án đều dẫn đến câu trả lời đúng. Hiện tượng này được gọi là ảo tưởng về trực giác ban đầu.
Trong một buổi thực nghiệm, các nhà tâm lý học đã đếm số câu trả lời được sửa lại dựa trên vết tẩy trong bài kiểm tra của hơn 1.500 sinh viên ở bang Illinois (Hoa Kỳ). Chỉ một phần tư số đáp án thay đổi là từ đúng sang sai, trong khi một nửa số lựa chọn thay đổi là từ sai sang đúng.
Bản thân tôi cũng chứng kiến điều này trong suốt những năm đi dạy: các bài kiểm tra cuối kỳ của sinh viên trong lớp tôi rất ít vết tẩy xóa để sửa đáp án, nhưng những sinh viên xem xét lại câu trả lời thay vì giữ nguyên lựa chọn ban đầu rốt cuộc lại đạt điểm cao hơn.
Tất nhiên, có thể câu trả lời sau chưa chắc chính xác hơn câu trả lời đầu, nó chỉ chính xác hơn bởi vì sinh viên rất ngại sửa đổi, nên một khi quyết định thay đổi câu trả lời thì thường là vì họ đã chắc chắn. Nhưng những nghiên cứu gần đây đã đưa ra một cách lý giải khác: mấu chốt cải thiện điểm số không nằm ở việc thay đổi câu trả lời mà nằm ở việc bạn cân nhắc liệu mình có nên xem lại và thay đổi suy nghĩ không.
Chúng ta không chỉ lưỡng lự trong việc xem lại bài làm của mình. Chỉ riêng ý tưởng phải suy nghĩ lại đã khiến chúng ta ngại ngần. Trong một thực nghiệm khác, hàng trăm sinh viên đại học được chọn tham gia ngẫu nhiên để tìm hiểu về ảo tưởng trực giác ban đầu. Trước tiên, một diễn giả truyền đạt cho họ giá trị của việc thay đổi suy nghĩ và đưa ra lời khuyên trong trường hợp nào thì làm như vậy là hợp lý. Nhưng trong hai bài kiểm tra mà họ làm sau đó, phần lớn các sinh viên vẫn không cân nhắc lại câu trả lời của mình.
Một phần lý do nằm ở sự lười biếng trong tư duy. Một số nhà tâm lý học chỉ ra rằng con người là những “kẻ hà tiện” tư duy: chúng ta thường chọn sự nhàn hạ của việc giữ nguyên những nhận thức cũ thay vì vật lộn với những cái mới.
Tuy nhiên, còn có những lý do mạnh mẽ hơn tiềm ẩn sau sự kháng cự của chúng ta với việc suy nghĩ lại. Việc chất vấn lại bản thân khiến chúng ta cảm thấy thế giới trở nên bất định. Nó đòi hỏi chúng ta phải thừa nhận rằng nhiều điều chúng ta vẫn tin là đúng có thể đã thay đổi, rằng những gì từng đúng trước đây giờ có thể đã trở thành sai. Việc cân nhắc lại những điều mình tin tưởng sâu sắc có thể đe dọa căn tính của chúng ta, như thể ta có thể đánh mất một phần con người mình.
Thí nghiệm sai về “con ếch luộc”: Đừng bám lấy và cố chấp
Tái tư duy không phải luôn là một trận chiến với mọi khía cạnh của cuộc sống. Nói đến của cải, chúng ta luôn sẵn lòng cập nhật cái mới với tất cả sự hồ hởi. Chúng ta hào hứng làm mới cả tủ quần áo khi chúng không còn hợp mốt và hăng hái tân trang toàn bộ đồ nhà bếp khi thấy chúng lỗi thời. Nhưng với những vấn đề liên quan đến hiểu biết, quan điểm hay suy nghĩ, chúng ta khư khư giữ lấy lập trường của mình. Các nhà tâm lý gọi hiện tượng này là bám lấy và cố chấp.
Chúng ta ưu sự thoải mái của niềm tin chắc chắn hơn sự khó chịu của hoài nghi, và chúng ta để mặc những niền tin của mình trở nên già cỗi. Chúng ta chế nhạo những người hiện vẫn dùng Windows 95, trong khi chính ta vẫn trung thành với những quan điểm được định hình cùng năm hệ điều hành đó ra đời. Chúng ta chọn nghe những quan điểm mình muốn nghe, thay vì những ý tưởng bắt chúng ta phải động não.
Có thể bạn đã từng nghe về thí nghiệm “con ếch luộc”: Nếu bạn thả một con ếch vào một nồi nước đang sôi, nó sẽ lập tức nhảy ra khỏi nồi. Nhưng nếu bạn thả nó vào một nồi nước âm ấm, rồi từ từ tăng dần nhiệt độ lên, con ếch sẽ chết. Con ếch chết vì nó thiếu khả năng nhìn nhận lại tình huống, và không nhận ra được mối nguy cho tới khi quá muộn.
Gần đây, tôi đã thực hiện một nghiên cứu về câu chuyện nổi tiếng này và kết quả thật bất ngờ: thực tế không đúng như vậy.
Khi bị ném vào một nồi nước đang sôi, con ếch sẽ bị phỏng nặng và nó có thể nhảy được ra khỏi nồi nhưng cũng có thể không. Thực tế, con ếch có cơ hội thoát chết cao hơn nếu nước trong nồi nóng lên từ từ, vì nó sẽ nhảy ra ngoài ngay khi nước trong nồi nóng đến mức nó không chịu được nữa.
Vậy hóa ra, đối tượng không có khả năng nhận định lại tình hình không phải là con ếch, mà chính là chúng ta. Một khi đã nghe câu chuyện và chấp nhận nó là đúng, chúng ta hiếm khi chất vấn độ tin cậy của nó.
Đó là bài học mà những người lính cứu hỏa đã phải học bằng một cái giá quá đắt. Trong lúc vô cùng nguy cấp đó, việc Wagner Dodge đã đột nhiên sáng suốt vứt bỏ các món đồ trang bị nặng nề và tạo chỗ trú an toàn ngay trong đám lửa do chính ông tạo ra đã làm nên sự khác biệt giữa sự sống và cái chết. Nhưng nếu không phải vì một thất bại có tính hệ thống hơn, sâu sắc hơn, thì thậm chí còn chẳng cần đến sáng kiến xuất thần này của Dodge. Bi kịch lớn nhất của sự kiện Mann Gulch chính là 12 người lính cứu hỏa trên không kia đã thiệt mạng vì một đám cháy mà lẽ ra họ chẳng cần phải chiến đấu ngay từ đầu.
Từ đầu những năm 1880, các nhà khoa học đã bắt đầu nhấn mạnh vai trò quan trọng của những đám cháy rừng đối với chu kỳ sống của rừng. Lửa loại bỏ các vật chất chết, tạo chất dinh dưỡng cho đất đai và dọn lối cho ánh nắng mặt trời. Nếu mọi trận cháy rừng đều được ngặn chặn, các khu rừng sẽ thành ra quá rậm rạp. Những bụi rậm, lá rụng và cành khô tích tụ lâu ngày sẽ trở thành nguồn nhiên liệu đốt cho những đám cháy lớn hơn bùng phát.
Tuy nhiên mãi đến tận năm 1978 Cục Kiểm lâm Hoa Kỳ mới bãi bỏ quy định mọi đám cháy được phát hiện đều phải được dập tắt chậm nhất trước mười giờ sáng ngày hôm sau. Vụ cháy rừng Mann Gulch xảy ra ở khu vực hoang vu, không có nguy cơ thiệt hại về người. Tuy nhiên, những người lính cứu hỏa trên không vẫn được điều động chỉ vì không một ai trong cộng đồng, tổ chức, hay bản thân họ dành thời gian chất vấn quy định không để các đám cháy rừng diễn ra tự nhiên.
Nếu bạn có thể làm chủ nghệ thuật tái tư duy, tôi dám chắc bạn sẽ thành công hơn trong công việc và hạnh phúc hơn trong cuộc sống. Tái tư duy có thể giúp bạn nảy ra những giải pháp mới cho các vấn đề cũ, đồng thời cải tạo lại các giải pháp cũ để áp dụng cho những vấn đề mới. Đây là hành trình để bạn học hỏi nhiều hơn từ những người xung quanh và sống với ít tiếc nuối hơn. Dấu hiệu cho thấy sự trưởng thành về trí tuệ là bạn biết đâu là thời điểm nên từ bỏ vài công cụ quý báu nhất của mình – và cả những phần đáng quý nhất trong căn tính của bạn.
>> Dám nghĩ lại kỳ 1 - chúng ta đều phạm cùng kiểu sai lầm như người lính cứu hỏa