Ngày 20/6 tại Hà Nội, nhằm góp phần nâng cao nhận thức về vấn đề chống vi phạm bản quyền đối với xuất bản phẩm, kêu gọi các lực lượng xã hội cùng quan tâm, chia sẻ các giải pháp góp sức ngăn chặn, đẩy lùi xuất bản phẩm lậu, NXB Giáo dục tổ chức Hội thảo Chống xuất bản phẩm lậu.
Hội thảo lần này có sự tham gia, tham luận, tọa đàm, trao đổi của các đại biểu đại diện cho các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục, lĩnh vực xuất bản; đại diện cơ quan quản lý thị trường, cơ quan công an; đại diện Cục Sở hữu trí tuệ Vương quốc Anh; các nhà xuất bản của Việt Nam và nước ngoài; các trường đại học; các đơn vị phát hành.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành chia sẻ, trong những năm qua, hoạt động in lậu, in giả, in nối bản trái phép tại Việt Nam diễn ra với quy mô lớn và tính chất ngày càng phức tạp. |
Tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) chia sẻ, trong những năm qua, hoạt động in lậu, in giả, in nối bản trái phép (gọi chung là in lậu) tại Việt Nam diễn ra với quy mô lớn và tính chất ngày càng phức tạp. Đối tượng in lậu dùng nhiều thủ đoạn để đối phó, tránh sự phát hiện, xử lý của các cơ quan chức năng. Không chỉ sách của các nhà xuất bản Việt Nam mà còn có sách của các đơn vị xuất bản nước ngoài (cả trong và ngoài Việt Nam) cũng bị in lậu, phát hành lậu trên thị trường Việt Nam với số lượng không nhỏ.
Hệ quả của in lậu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho tác giả, cho các nhà xuất bản, đối tác liên kết, làm thất thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế khi tham gia công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật.
Trong suốt những năm qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo Đoàn liên ngành và Đội liên ngành, Thanh tra Thông tin và Truyền thông trong công tác xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm, đảm bảo thống nhất có trọng tâm, trọng điểm. |
Cục phó Cục Xuất bản, In và Phát hành chia sẻ, các đối tượng tổ chức in lậu vô cùng tinh vi, chúng chia nhỏ các khâu in, đóng xén tại nhiều địa điểm khác nhau để dễ tẩu tán, tiêu thụ, nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Khi có đoàn kiểm tra đến làm việc, các đối tượng in lậu thường dùng thủ đoạn đối phó như đóng cửa nhà xưởng, lấy lý do để vắng mặt hoặc bỏ trốn. Khi bị các cơ quan chức năng phát hiện, đối tượng thường viện đủ lý do để kéo dài thời gian nhằm tìm cách tẩu tán, không ký vào biên bản kiểm tra, gây khó khăn cho đoàn kiểm tra khi thực hiện nhiệm vụ.
“Trong suốt những năm qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo Đoàn liên ngành và Đội liên ngành, Thanh tra Thông tin và Truyền thông trong công tác xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm, đảm bảo thống nhất có trọng tâm, trọng điểm. Tuy nhiên, công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan như cơ quan công an, quản lý thị trường, thông tin và truyền thông, hải quan, nhà xuất bản, cơ sở phát hành ... chưa đồng bộ và hiệu quả”, ông Nguyễn Ngọc Bảo nêu khó khăn.
Ngài Gareth Ward, Đại sứ Vương Quốc Anh tại Việt Nam cho biết “Các nhà xuất bản quốc tế, Việt Nam và Vương quốc Anh đang phải đối mặt với vấn đề xuất bản phẩm in lậu khi hoạt động tại thị trường Việt Nam. Cần tiếp tục nâng cao nhận thức về vấn đề phòng chống in lậu xuất bản phẩm và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực xuất bản cho tất cả người dân Việt Nam nhằm cải thiện môi trường kinh doanh khi Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu”.
Sách giả hiện nay đã đạt tới trình độ gần như sách thật, khiến chỉ có những người trong nghề in và xuất bản lâu năm mới phát hiện. |
Tiêu thụ sách giả sẽ giết chết ngành xuất bản Việt Nam
Ông Nguyễn Văn Phước, GĐ First News - Trí Việt cho rằng, sản xuất, tiêu thụ sách giả sẽ giết chết ngành xuất bản Việt Nam. First News hiện có khoảng 1000 đầu sách giá trị, trong đó bán chạy khoảng 400 cuốn, nhưng đã phát hiện 686 đầu sách bị in lậu, bị làm giả, bị xâm phạm, bị vi phạm bản quyền dưới mọi hình thức.
“Sách giả hiện nay đã đạt tới trình độ gần như sách thật, khiến chỉ có những người trong nghề in và xuất bản lâu năm mới phát hiện… Nếu chúng ta cổ suý hay để mặc cho việc in sách giả - thực chất là ăn cắp, tham nhũng trí tuệ của người khác thì tư duy, cách nghĩ đó rất thiếu hiểu biết. Các quốc gia phát triển đều rất tôn trọng bản quyền trí tuệ văn hoá và căm ghét sự giả dối, kiếm tiền bất chính, xem những hành vi đó là quốc nạn thực sự”, ông Phước chia sẻ.
Ông Phước khẩn thiết: “Chúng tôi hôm nay - với tất cả sự chân thành, với tất cả sự cố gắng, với tất cả sự quyết tâm và sự bức xúc trầm tĩnh nhất - mong muốn các nhà báo hãy một lần thấu hiểu sự thật tận cùng mà không phải ai cũng dám nói. Chúng tôi mong các cấp lãnh đạo, các anh em thuộc cơ quan chức năng làm hết phận sự và những gì có thể để cứu những tác giả, những đơn vị làm sách, các NXB chân chính ở Việt Nam - hãy triệt phá tận gốc rễ nạn in lậu, sách giả”.
Ông Lê Thành Anh, Phó Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam cho rằng, việc tham gia phòng, chống in và tiêu thụ xuất bản phẩm lậu không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước, quản lý thị trường, của chính quyền các địa phương mà cần có sự góp sức chủ động, tích cực của các chủ sở hữu XBP (các NXB, các tác giả) và của toàn xã hội. Quan tâm đến sự phối hợp hành động giữa các đơn vị xuất bản, với hiệp hội xuất bản.
Tình Lê