Nhiều đầu sách giả được "trưng bày" tại buổi họp báo sáng 18-6 - Ảnh: KHÁNH MY
Gần đây chúng tôi còn phát hiện nhiều nhà bán lẻ sau khi nhập sách thật của chúng tôi bán lấy lời, họ nói dối là không bán được hàng, họ mua sách giả về để trả lại.
Ông Nguyễn Văn Phước (giám đốc First News)
Diễn biến đáng ngại của tình trạng in lậu trong thời gian gần đây là các kênh thương mại điện tử vô tình trở thành phương tiện tiếp tay cho hành vi phát tán sách lậu. Các kênh này có hình thức cho thuê chỗ để các chủ hàng tự do kinh doanh - kiểu như "thuê sạp chợ" - và chất lượng hàng hóa từ các nguồn khác nhau của các chủ hàng khác nhau đang gần như bị thả nổi.
Theo ghi nhận của NXB Trẻ, sau lời ta thán "bị tứ phương in lậu" bộ Tiếng Nhật cho mọi người cách nay hơn một tháng, tại các kênh thương mại điện tử như Tiki, Sendo hiện nay vẫn còn sách giả ấn phẩm của NXB Trẻ.
Ông Nguyễn Thành Nam - phó giám đốc NXB Trẻ - cho biết một vụ mới nhất là quyển Tiếng Nhật cho mọi người xuất hiện bản không có bản quyền trên Tiki, khi NXB Trẻ biết và phản ánh thì phía Tiki lập tức dừng link phát hành của chủ hàng ấy.
"Trong số các kênh thương mại điện tử hiện nay, Tiki là nơi rất hợp tác xử lý khi phát hiện các vụ phát hành sách lậu tại kênh của họ. Cách đây 5-6 tháng, bạn đọc của NXB Trẻ từng phát hiện có hai đầu sách giả đang phát hành tại Tiki là Thế giới phẳng và Từ tốt đến vĩ đại, sau đó phía Tiki đã ngưng phát hành nguồn sách từ các chủ hàng đang bị phát hiện" - ông Thành Nam cho biết.
Vừa qua, First News cũng phát hiện một số sàn thương mại điện tử bán sách in lậu của First News với mức chiết khấu từ 45-50%. Cuối năm 2018, Thái Hà Books đã quyết định thôi cung cấp nội dung làm ebook, audio book vì không thể kiểm soát nổi.
"Các sản phẩm ebook, audio book của chúng tôi bị ‘hack’ liên tục và phát tán khắp nơi. Các đầu sách Phật giáo bị các cá nhân thu audio và phát tán với danh nghĩa làm thiện nguyện. Ngoài ra, nhiều đơn vị còn tự tiện lấy nội dung của chúng tôi làm các app ứng dụng trên điện thoại. Khi bị phát hiện, họ đổi tên app, rất khó phát hiện" - bà Trần Phương Thảo, phó tổng giám đốc Thái Hà Books, cho hay.
Có một thực tế là việc mua sách trên mạng rất khó phân biệt thật giả. Đã có một bạn đọc ở Phú Nhuận (TP.HCM) mua nhầm một quyển sách giả, chỉ vì chủ hàng dùng ảnh sách thật để quảng cáo bán sách, nhưng sách mang đến cho người mua lại là sách giả.
Dùng ảnh sách thật để bán sách giả đang được khai thác ở các kênh nhỏ lẻ, nhưng tác động không ít đến thị trường. Đó là các nhóm hoặc trang cá nhân trên mạng xã hội.
Hiện tại có một nguồn phát hành sách giả trên Facebook, do một nhóm thực hiện ở phía Bắc. Nhóm này giới thiệu công khai sách vi phạm bản quyền bằng hình ảnh đẹp, khiến bạn đọc nhầm tưởng họ phát hành sách thật.
Vừa rồi, nhóm này in (không bản quyền) quyển tiểu thuyết danh tác Cái trống thiếc của Gunter Grass, và bằng một cách không thể thoải mái hơn, trên trang bán sách, họ đưa hình sách giả bên cạnh sách thật và đề nghị người đọc phân biệt như một cách khẳng định "đẳng cấp" làm sách giả y như thật (ảnh). Trước đó, nhóm này còn kỳ công làm giả cuốn Thư của các giáo sĩ thừa sai.
Trước tình hình đó, nhiều bạn đọc bày tỏ hoang mang khi mua phải sách giả trên mạng, bởi một phần vì không thể phân biệt trước khi mua, mà mua rồi muốn đổi sách thì thường gặp các thủ tục nhiêu khê rắc rối từ phía phát hành.
Ông Nguyễn Thành Nam cho biết hiện các kênh phát hành uy tín đã bắt đầu siết lại các thủ tục "cho thuê sạp", cảnh giác với các chủ hàng không đủ uy tín và đề nghị cung cấp chứng từ chứng minh sách thật; còn kiểu phát hành nhỏ lẻ như từng chủ hàng trên Facebook thì khó hơn, bởi nó thiên hình vạn trạng.
Quyển Cái trống thiếc in giả và sách thật được một trang bán sách đề nghị bạn đọc phân biệt “nếu được sẽ tặng sách” - Ảnh chụp màn hình
Nếu nhìn một cách lạc quan, môi trường giao dịch online sẽ tạo ra một thế hệ bạn đọc thông minh hơn trong cách mua sách: cùng một đầu sách chào bán trên một kênh thương mại điện tử sẽ có nhiều giá khác nhau từ các chủ hàng khác nhau. Sự chênh lệch này nếu được đặt dấu hỏi đúng đắn, cũng sẽ giúp bạn đọc giảm bớt rủi ro khi mua nhầm sách giả.
Điều đáng nói nữa là sách giả ảnh hưởng trực tiếp đến độc giả. Phó tổng giám đốc NXB Giáo Dục Việt Nam, ông Lê Hoàng Hải cho biết: "Những cuốn sách có bản đồ quốc gia bị in sai có thể khiến học sinh nhận thức sai lệch về biên giới, biển đảo và chủ quyền lãnh thổ".
"Một số sách về sơ cấp cứu, sách tra cứu thuốc, chữa bệnh bị các đầu nậu sách in sai dù chỉ một chữ, một dòng cũng vô cùng nguy hiểm đến sức khỏe hay cả tính mạng cho người dùng trong những tình huống khẩn cấp" - ông Nguyễn Văn Phước nói.
Ông Nguyễn Văn Phước cho rằng cần coi sách lậu là quốc nạn: "Không chỉ bạn đọc mà các cơ quan chức năng chưa thực sự nhận ra tác hại của sách lậu. Nếu chúng ta để mặc tình trạng này khác gì cổ xúy cho ăn cắp, tham nhũng trí tuệ".
Bà Trần Phương Thảo thẳng thắn nói: "Sách lậu không chỉ cổ xúy một cá nhân ăn cắp chất xám, còn cổ xúy một gia đình ăn cắp, một quốc gia ăn cắp. Làm như vậy thì đất nước khó phát triển được. Cần có lộ trình để bảo vệ bản quyền tác giả viết sách".
Sáng 18-6, tại buổi họp báo công bố bằng chứng tiếp tay tiêu thụ sách giả, sách lậu vi phạm pháp luật trên một số trang thương mại điện tử, phân biệt sách thật - sách giả, Công ty văn hóa sáng tạo Trí Việt - First News trưng bày một số sách giả được in ấn và bày bán trái phép từ những tựa sách First News phát hành.
Theo ông Nguyễn Văn Phước, hiện nay đơn vị này đã phát hiện đến 686 đầu sách bị làm giả, bị vi phạm bản quyền dưới nhiều hình thức. Nhiều bộ sách như Hạt giống tâm hồn, Chicken Soup for the Soul, Đắc nhân tâm... cùng một lúc bị 16 nhà in làm giả.
Có mặt tại buổi họp báo, ông Lê Hoàng - phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - cho rằng Luật hình sự 2015 đã quy định rõ hành vi vi phạm bản quyền, làm giả sách là hành vi vi phạm pháp luật, nếu đủ điều kiện có thể khởi tố hình sự. Việc đấu tranh phải dựa trên các điều khoản luật.
Theo ông, nếu chỉ tập trung vào các nhà phân phối sách giả bên ngoài hoặc trên các trang thương mại điện tử thì rất khó để bao quát hết được. Các nhà xuất bản cần phải liên kết với nhau, kết hợp với sự trợ giúp của báo đài, cơ quan nhà nước cũng như các tác giả, độc giả và công chúng để chiến đấu đến cùng với các nhà in sách giả.
KHÁNH MY
9 năm, hơn 8 tấn sách giáo khoa bị in lậu Theo số liệu năm 2017 và 2018, Cục Xuất bản, in và phát hành đã xử phạt 838 triệu đồng đối với 13 tổ chức và 6 cá nhân vi phạm pháp luật về xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm. Ngay trong tháng 5, Đoàn liên ngành phòng, chống in lậu trung ương đã phát hiện và xử lý một cơ sở kinh doanh sách ở phố Trần Bình (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) tàng trữ trên 16.500 bản sách không có hóa đơn, chứng từ thể hiện nguồn gốc hợp pháp. Theo NXB Giáo Dục Việt Nam, từ năm 2010 đến nay, có gần 500.000 bản sách giáo dục và hơn 8 tấn thành phẩm sách giáo dục in lậu dở dang đã bị phát hiện và xử lý tại hầu hết các tỉnh thành trong cả nước. Ông Lê Hoàng Hải nhận định: "Nghị định 159 năm 2013 quy định: Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với hành vi in xuất bản phẩm không có quyết định xuất bản (in lậu). Số tiền xử phạt tối đa vài chục triệu đồng là quá nhỏ so với lợi nhuận lên tới hàng chục tỉ đồng từ hoạt động in và phát hành sách lậu. Bộ Luật hình sự sửa đổi đã nâng khung hình phạt đối với hành vi in lậu. Tuy nhiên, chưa có quy định rõ khung hình phạt cho hành vi phát hành sách in lậu, nên phần lớn các vụ việc được phát hiện chỉ dừng lại ở mức độ xử phạt hành chính. Chế tài như vậy chưa đủ sức răn đe. Và sau khi nộp phạt, các đối tượng lại tiếp tục phát hành sách lậu một cách "tỉnh táo" hơn, với mức độ cao hơn". N.DIỆP |