Mở đầu “Phút nhìn lại mình” (One minute for myself) là câu chuyện của một người đàn ông. Sau khi tốt nghiệp ra trường và đi làm, anh ta bắt đầu bước vào cuộc sống của một người trưởng thành. Anh cảm thấy rất vui và hạnh phúc vì điều đó khi mà anh ta luôn đạt được những thành công trong công việc của mình. Tuy nhiên, chỉ sau một khoảng thời gian, anh dần cảm thấy mất động lực, anh hay cáu gắt với đồng nghiệp và kết quả công việc cũng không như ý. Anh luôn cảm thấy mệt mỏi và chán chường. Cuối cùng anh biết mình đang mắc bệnh trầm cảm.
Khi những suy nghĩ cứ không ngừng quẩn quanh trong đầu, anh nhận thức được rằng anh cần phải tìm cách thoát khỏi nó. Và rồi anh tìm gặp vị bác sĩ tâm lí - người mà anh rất kính trọng nhưng điều quan trọng vì anh tin rằng ông ấy có thể giúp được anh.
Câu chuyện tiếp diễn với cuộc đối thoại giữa người đàn ông và vị bác sĩ tâm lí kia. Khi những câu hỏi lần lượt được đặt ra, đó cũng là lúc anh ta dần tìm được đáp án cho bản thân mình. Cuộc đối thoại diễn ra rất sôi nổi nhưng cũng rất sâu sắc. Thành công bề ngoài hay ở bên trong? Cái tôi là gì? Ba phần đại diện cho ba thế giới khác nhau là gì? Chúng ta cùng đi tìm hiểu kĩ hơn nhé.
Thành công bề ngoài hay ở bên trong? Chắc chắn đa số chúng ta đều sẽ trả lời rằng thành công đến từ cả bên trong và bên ngoài mỗi con người. Nhưng phần nào nhiều hơn phần nào thì có lẽ vẫn là một ẩn số. Thực ra, thành công nào cũng đến từ bên trong, và thành công từ bên trong mới là thành công thực sự và quan trọng nhất. Khi công việc, hạn deadline quá nhiều khiến ta mệt mỏi nhưng vì đồng tiền mà vẫn miệt mài đuổi theo, rồi dần dần ta dần nhận ra những gì ta làm đều không phải là điều cần thiết nhất. Ta sẽ không có nhiều thời gian dành cho gia đình, người thân, bạn bè,.. nữa và thậm chí cả chính bản thân cũng chẳng có. Rồi sẽ đến một ngày, chúng ta sẽ mệt mỏi và kệt sức.
- Vì vậy, quan tâm đến công việc, cuộc sống nên đi cùng với việc biết quan tâm đến bản thân mình. Đó cũng chính là cách cảm nhận cuộc sống tốt nhất.
Cái tôi là gì? Nên bỏ cái tôi hay hạ thấp cái tôi? “Tôi” trả lời cho câu hỏi “Tôi là ai?”. Là một tổng thể tất cả những gì thuộc về mỗi cá nhân. Mỗi người đều có cái tôi riêng của mình. Cái tôi là bản ngã của mỗi cá thể khi mới sinh ra. “Nó” tạo nên cá tính riêng biệt của mỗi người. Cái tôi có ý nghĩa rất lớn đối với mỗi người và rất cần sự quan tâm của chúng ta.
- Bởi vì chỉ khi nào biết cách quan tâm đúng mức đến bản thân và cảm thấy hài lòng với chính mình thì khi đó chúng ta mới có thể cảm nhận được những niềm vui đến từ bên ngoài. Rồi nhờ đó mà chúng ta vui hơn, làm việc tốt hơn, lại có thể sẵn lòng giúp đỡ kẻ khác. Thật khó để trở thành chỗ dựa cho người khác một khi chính mình không tìm thấy điểm tựa cho bản thân.
Có nên bỏ “cái tôi” không? Câu trả lời là không. “Cái tôi” được hình thành và lớn lên theo từng giai đoạn trong cuộc đời mỗi người. Là bản chất, đặc điểm riêng biệt của mỗi người. “Cái tôi” không chỉ giống như là một kiểu nhận dạng dấu vân tay thông thường, cái tôi có ý nghĩa nhiều hơn thế. Rất nhiều trường hợp, “cái tôi” quá lớn là một điều cản trở công việc, những mối quan hệ trong cuộc sống. Nhưng trong một số trường hợp khác nhờ có “cái tôi” mà chúng ta luôn giữ được quan điểm, lập trường của mình, không bị sao nhãng bởi những “thành phần khác”. Việc hạ “cái tôi” và dung hòa với phẩm chất bên trong là một “chìa khóa” để mở tất cả cánh cửa dẫn đến thành công. Điều tất yếu để làm được điều đó là đừng tin những gì bạn suy nghĩ. Đừng chỉ nghĩ, hãy làm nó, rồi kết quả sẽ nói lên tất cả.
Chúng ta cùng quay lại cuộc đối thoại của hai nhân vật trong truyện. Địa điểm lần này là khu vườn tưởng tượng của người đàn ông.
Chàng trai khẽ nhắm mắt. Anh cảm thấy dường như mùi hương cỏ hoa đang từ từ len vào hồn anh, sau đó xâm chiếm cả tâm trí anh.
Khu vườn lúc này được chia thành ba phần đại diện cho ba thế giới khác nhau: Tôi, Người khác và Chúng ta. “Tôi” đại diện cho bản thân mỗi chúng ta. “Người khác” là cái tôi của người khác. “Chúng ta” là mối quan hệ của “Tôi” và “Người khác” đối với gia đình và cộng đồng.
“Tôi” là con người bên trong cần được đồng cảm và thấu hiểu. Đôi khi ta quá quan tâm đến vẻ bề ngoài mà quên mất vẻ đẹp bên trong tâm hồn mới tạo nên giá trị đích thực. Hãy thở chậm lại, hòa mình cùng với thiên nhiên, nghe tiếng gió thổi, chim kêu,… Một bức tranh bốn mùa đang hiện trước mắt, hãy cảm nhận nó. Và rồi, dành một phút cho riêng mình, nhìn lại mình…
Có lẽ ai trong chúng ta khi đọc đến tựa đề của cuốn sách này đều thắc mắc tại sao lại là 1 phút mà không phải là 2 hay 3 phút. Vâng, nhân vật chính của chúng ta cũng có thắc mắc như vậy đấy.
- Cháu ạ! Khi tĩnh lặng thì một phút cũng dài lắm.
- Nhưng sao lại chỉ là một phút?
- Anh vẫn chưa hết thắc mắc.
- Một phút tĩnh lặng dành riêng để quan tâm đến cái tôi đem lại cho mình rất nhiều điều đấy cháu. Trong khoảng thời gian tưởng như rất ngắn đó, chú thực sự trầm tĩnh và nhìn lại những gì mình đã làm, rồi sau đó, chú có thể xác định được những gì mình cần làm tiếp theo. Quyết định đó không chỉ tốt cho bản thân chú mà còn tốt cho người khác, rộng hơn là cho những người xung quanh. Nghe thì có vẻ nhiều đấy nhưng cháu sẽ làm được chỉ với một phút thôi.
Quy tắc một phút tôi đã áp dụng từ khi đọc cuốn sách này và nó thật sự làm tôi bất ngờ. Khoảng thời gian trước, tôi là một người nhút nhát, luôn tự ti về bản thân mình. Tôi luôn cảm thấy tôi là trung tâm của mọi rắc rối trên đời. Khi những cố gắng của tôi không đạt kết quả như mong đợi, tôi luôn cảm thấy sợ một điều gì đó mà đến chính bản thân cũng không rõ. Tôi luôn ngước nhìn người khác với sự ngưỡng mộ và thán phục mà tự xem thường bản thân mình. Cuốn sách này là “vị cứu tinh” của cuộc đời tôi. Khi tôi dành 1 phút vài lần trong ngày để xem xét lại mọi vấn đề, tôi đã tìm ra hướng giải quyết vì đôi lúc vấn đề đó xảy đến không phải lỗi của bạn, chỉ là hoàn cảnh lúc đó như thế mà thôi. Tôi nghĩ bạn nên thử vì “nó” thực sự hiệu quả đấy.
Phút nhìn lại mình, cho riêng mình đã trở thành nguyên tắc sống bình dị và giá trị với những ai biết sống, biết trải nghiệm. Nếu đang trong một tình thế gấp gáp,mơ hồ hay bế tắc,câu hỏi đặt ra cho mình sẽ là: “Sự việc này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến một vài năm tới?”.
Hãy cư xử với bản thân theo cách mà bạn thực sự mong muốn cách mà bạn muốn người khác đối xử với bạn.
Bạn không bao giờ cảm thấy Mất đi khi yêu thương và Cho đi. Bạn chỉ Mất khi cố Giữ lại.
Bài dự Cuộc thi “Cuốn sách thay đổi cuộc đời” do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức năm 2022