Người ta không thể giải thích một định luật này mà không đề cập đến những định luật kia. Cũng như thế, người ta sẽ không thể chấp nhận một định luật này mà phủ nhận những định luật kia vì nếu thế, người ta sẽ không thể hiểu trọn vẹn được sự mầu nhiệm, hoàn hảo của các chân lý hằng có trong vũ trụ.
Nhân quả (Karma) là định luật đã được giảng dạy trong hầu hết giáo lý của các tôn giáo lớn. Nhân là hạt giống, là nguyên nhân; quả là trái, là kết quả. Luật Nhân quả dạy rằng nhân luôn luôn sinh quả và nhân nào sẽ tạo quả đó. Nhiều người cho rằng Nhân quả là lý thuyết của đạo Phật, nhưng thật ra đây là chân lý của vũ trụ mà tôn giáo nào cũng nói đến. Đức Phật nói: “Gieo nhân nào gặt quả đó”. Đức Krishna của Ấn giáo cũng nói: “Trồng đậu được ăn đậu và trồng khoai được ăn khoai; muốn ăn đậu chớ có trồng khoai”. Đấng Cứu Thế cũng nói: “Kẻ nào sử dụng gươm giáo sẽ chết vì gươm giáo”.
Ngày nay khoa học đã chứng minh rằng: “Mỗi động lực gây ra đều tạo một phản lực tương đồng và ngược chiều, động lực và phản lực không bao giờ tách rời nhau”. Danh từ Karma theo tiếng Ấn có nghĩa là hành động nhưng cũng bao hàm ý nghĩa phản động vì hành động và phản động không bao giờ tách rời nhau. Mỗi khi có hành động là có phản động, do đó mọi sự, mọi vật đều liên hệ với nhau hết sức chặt chẽ.
Nhân quả là luật vũ trụ nên có tính cách bất di bất dịch chứ không như pháp luật của con người, thường thay đổi theo thời gian và không gian. Luật Nhân quả công bình tuyệt đối, nó không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, vua chúa hay thứ dân trong khi với pháp luật của loài người, người hiền có thể bị xử oan ức, kẻ ác có thể thoát vòng pháp luật. Quy tắc của luật Nhân quả chặt chẽ đến nỗi không một việc gì xảy ra mà không bị chi phối bởi nó vì bất cứ một lời nói, hành động hay tư tưởng nào tạo ra cũng đều có những phản lực tác động lại.
Kinh Pháp Cú có đề cập đến một đệ tử của Phật tên là Cakkhupala, tu hành siêng năng có đức hạnh rất cao nhưng lại mù mắt. Các đệ tử khác bèn hỏi Phật tại sao một người hiền lành, siêng năng tu hành như vậy lại chịu cảnh mù lòa thì Đức Phật giải thích rằng ở một tiền kiếp, ông này là y sĩ có tài, đã chữa lành bệnh cho nhiều người. Một bệnh nhân đến xin chữa đã hứa rằng nếu hết bệnh anh sẽ đến làm công trong nhà y sĩ một thời gian nhưng khi hết bệnh, anh này lại thất hứa. Y sĩ giận quá, sửa đổi liều thuốc chữa khiến cho bệnh nhân thất hứa kia bị mù. Vì làm người khác mù mắt nên kiếp này Cakkhupala phải trả quả, vừa sinh ra đã bị đui mù.
Nhiều người không chấp nhận luật Nhân quả vì thấy có người hiền lành mà vẫn gặp đau khổ trong khi kẻ hung ác lại được hưởng sung sướng. Những người ấy chưa nắm vững quy tắc hiện hành của luật Nhân quả vì tiến trình từ hành động đến phản động hay từ nhân sang quả không hẳn phải xảy ra ngay tức khắc. Một nhân đã gieo trong quá khứ có thể sinh quả ở hiện tại hay tương lai, tùy theo sự sắp đặt mầu nhiệm của các yếu tố khác là:
1/ Hiện Báo: Gây nhân gì phải chịu hậu quả ngay trong kiếp hiện tại.
2/ Sinh Báo: Tuy gây nhân nhưng quả chưa chín mà sẽ xảy ra trong kiếp sau.
3/ Hậu Báo: Quả xảy ra vì nguyên nhân đã gây ra từ trước.
Do đó kẻ xấu xa đôi khi được hưởng tốt lành trong lúc này vì những nguyên nhân tốt đã, tạo từ trước (Hậu Báo) chứ không phải vì việc làm xấu xa hiện nay. Cũng như thế, người hiền lành lại bị tai ách vì nguyên nhân xấu đã gây ra từ quá khứ chứ không phải vì làm điều lành hiện nay mới gặp đau khổ. Vì thiếu khả năng nhìn rõ mọi vật một cách toàn diện nên nhiều người đã xét đoán vội vã rồi kết luận rằng chẳng có trật tự, công bình gì hết mà chỉ có sự tranh giành, mạnh được yếu thua mà thôi. Vì không biết về luật Nhân quả nên nhiều người đã sống bừa bãi, tham lam ích kỷ, gây đau khổ cho người khác và chắc chắn sẽ phải gặt hái hậu quả về những việc họ đã làm.
Lược trích Trở về từ xứ tuyết - Nguyên Phong