Bạn đang trên chuyến bay trong kỳ nghỉ của mình. Vị cơ trưởng chào mừng những hành khách đi trên chuyến bay, giới thiệu cơ phó và phi hành đoàn, và dự báo thời gian máy bay hạ cánh. Bạn ngồi ngả lưng và thư giãn. Bạn hiếm khi nhận ra rằng ngoài cơ trưởng và cơ phó, còn có một “viên phi công” khác nữa trong buồng lái cùng với họ. Nhưng đó không phải là một con người, mà là chế độ tự động. “Viên phi công” này không có trái tim, và cũng không có bộ não như chúng ta.
Chế độ tự động chiếm quyền kiểm soát cuộc sống
Ấy thế mà “anh ta” biết rõ đích đến của chúng ta như lòng bàn tay mà không cần có sự điều khiển gì từ những chàng phi công kia. Khi cơ trưởng và cơ phó ngồi vào buồng lái thì tất cả những gì họ cần làm chỉ đơn giản là bật “anh ta” lên và hệ thống này sẽ tự động làm những công việc thần kỳ tiếp theo.
Tương tự, chúng ta cũng có một chế độ tự động trong bộ não của mình. Mỗi khi chúng ta làm mọi việc một cách máy móc mà không có ý thức chánh niệm thì chế độ tự động này sẽ được kích hoạt. Khi chải răng, bạn có cảm nhận được những sợi lông bàn chải chạm trên nướu và răng của mình không? Khi tắm vòi sen, bạn có cảm nhận được làn nước chạm trên da thịt mình không, và bạn có cảm nhận được sự va chạm khi dùng tay chà xà bông lên cơ thể không? Hay là bạn chỉ lướt vội qua những hoạt động thường nhật này trong khi tâm trí đang lãng đãng trong mớ suy nghĩ khác?
Tuy chế độ tự động này vẫn có thể giúp bạn thực hiện những hoạt động thường nhật một cách an toàn nhưng thật ra chính nó là rào cản khiến bạn không thể có mặt trọn vẹn trong khoảnh khắc hiện tại. Ví dụ như bạn có thể vừa đọc báo vừa uống trà nhưng ngay khi vừa uống xong tách trà thì bạn nhận ra rằng mình không thể nhớ được chút nào về hương vị của nó.
Mỗi khi làm mọi thứ trong chế độ tự động, có nghĩa là bạn đã tự mình tước đi cơ hội được trải nghiệm và tận hưởng trọn vẹn hành trình của cuộc đời. Tệ hơn nữa, khi ở trong trạng thái vô thức, chế độ tự động này có thể chiếm luôn quyền kiểm soát đối với những suy nghĩ và hành động của bạn.
Thử nhớ lại một tình huống khi có ai đó nói “không” với một ý tưởng hoặc một lời đề nghị của bạn. Tâm trí bạn lúc đó hẳn đã cho rằng nói “không” đồng nghĩa với bác bỏ hoàn toàn, chứ nó không nghĩ rằng cái “không” đó đơn giản là với riêng ý tưởng đó thôi chứ không phải là phủ nhận cả con người của bạn.
Một lần nữa, tình huống trên cho ta thấy đó là một phản ứng ở chế độ tự động. Chính nó đã ngăn không cho bạn nhìn thấy điều thật sự đang diễn ra và nó đã tự thay thế vào những điều không có trong hiện tại. Chế độ tự động đã chiếm quyền kiểm soát cuộc sống của bạn và bạn dường như không thể đòi lại chủ quyền của mình.
Giành lại vị thế của “người cầm lái”
Ở đây, tôi phải nói rõ rằng chế độ tự động không phải lúc nào cũng xấu. Trong những trường hợp khẩn cấp và nguy hiểm, nó có thể cứu mạng chúng ta bằng cách giúp chúng ta đưa ra những quyết định mau chóng và kịp thời. Nhưng nếu cứ “mở” chế độ tự động này mọi lúc mọi nơi thì chúng ta sẽ đánh mất sự chú tâm của mình trong những công việc hằng ngày, đến độ chúng ta chẳng thể nhớ ra hành trình mà mình đang đi; mà lúc này, tất cả những gì chúng ta hứng thú chỉ là đích đến mà thôi.
Một trong những mục đích chính của chánh niệm là cho phép bạn giành lại vị thế của “người cầm lái”, từ đó bắt đầu hiện diện thật trọn vẹn trong từng khoảnh khắc và từng trải nghiệm của bản thân.
"Chánh niệm có nghĩa là chú tâm theo một cách đặc biệt: có chủ ý, ngay trong khoảnh khắc hiện tại, và không đánh giá." - Jon Kabat-Zinn
Cách đơn giản nhất để làm điều này không phải là chiến đấu để chống lại chế độ tự động mà là có thể khởi đầu nhẹ nhàng bằng những bài luyện tập nhằm tập trung sự chú ý vào khoảnh khắc hiện tại. Hầu như mọi thứ trong cuộc sống đều có thể là đối tượng để bạn hướng sự chú ý đến. Điều quan trọng nhất mà bạn cần là một tâm thế chủ động để sẵn sàng hướng sự chú tâm của mình tới bất kỳ trải nghiệm nào đang xảy đến cho bản thân hoặc hoạt động nào đang diễn ra xung quanh.
Nếu bạn thật sự chú tâm, một điều tưởng như đơn giản nhất cũng có thể trở thành một điều sâu sắc. Điều này tương tự với trải nghiệm của những nhà khoa học khi họ lần đầu tiên nhìn vào chiếc kính hiển vi để nghiên cứu phấn hoa của thực vật.
Nhờ chú ý tới cơ thể, ý nghĩ và cảm xúc của chính mình, bạn sẽ hiểu rõ hơn về bản thân cũng như những mối quan hệ của mình với những người khác trong cuộc đời.
Chánh niệm giúp chúng ta nhận biết giá trị của khoảnh khắc hiện tại – vốn là thứ mà ta thường bỏ lỡ trong khi vẫn đang “sống” cuộc sống của mình. Nhưng chúng ta có thật sự đang “sống” cuộc sống của mình không?
Chúng ta luôn bận rộn hết việc này đến việc khác nên chúng ta quên đi việc trân quý từng khoảnh khắc. Khi làm việc từ xa tại nhà, chúng ta có thể mải mê trả lời một email đến độ phớt lờ luôn đứa con ở bên cạnh ta đang khao khát sự quan tâm của ba nó. Thường thì chúng ta chỉ là những người khách qua đường trong chính cuộc đời mình, chứ chúng ta không thật sự sống đúng nghĩa.
Trên hành trình tỉnh thức, ta đã ngưng tìm kiếm câu trả lời về mục đích sống của đời mình. Thay vào đó, chúng ta khám phá ra rằng mục đích sống nằm ở việc sống chứ không phải nằm ở việc tìm kiếm một câu trả lời. Khi từ bỏ nỗ lực tìm kiếm đó, bỗng nhiên ta sẽ bắt đầu sống một cuộc sống có mục đích hơn và có ý nghĩa hơn.
Tỉnh thức là sự khởi đầu của việc sống và là sự kết thúc của việc tìm kiếm.