Hẳn bạn đang nghĩ, làm sao “những chuyện vớ vẩn về thời thơ ấu” lại có thể định hình cuộc sống của tôi ở hiện tại? Nhưng đó là sự thật đấy. Nếu quá khứ của bạn không được chữa lành đúng cách thì trong vô thức, bạn có thể chọn một người bạn đời, bạn bè hay thậm chí công việc khiến bạn có cảm giác quay về với vai trò mình đã từng đảm nhận. Nhưng vấn đề không chỉ dừng ở đó.
Đầu tiên, chúng ta phải quay về giai đoạn ấu thơ một chút. Theo nhà trị liệu tâm lý hôn nhân và gia đinh Vienna Pharaon, trẻ em có khả năng nhận thức rất đáng kinh ngạc. Trẻ luôn quan sát, nhìn ngắm, sờ chạm và cảm nhận mọi thứ xung quanh. Vì lẽ đó, trẻ rất để tâm đến trải nghiệm cảm xúc của người khác, thường ôm hoặc hôn cha mẹ, anh chị em nào mà trẻ nghĩ là đang buồn hay khó chịu. Sự nhạy cảm lạ thường với nỗi đau và thôi thúc muốn làm cho nó biến mất thường khiến đứa trẻ nhận lấy vai trò cốt yếu trong việc duy trì một gia đình, chẳng hạn như hỗ trợ cảm xúc cho các thành viên khác hoặc đóng vai trò dạy dỗ các em nhỏ.
Ví dụ, một người anh chị em trong gia đình bạn có nhu cầu đặc biệt, bạn nhận thấy sự căng thẳng và kiệt quệ của cha mẹ, vì vậy bạn quyết định đóng vai một đứa con dễ nuôi, có thể tự chăm sóc bản thân và làm mọi việc trong khả năng để không làm tăng thêm tình trạng căng thẳng cho gia đình.
“Một đứa trẻ hòa hợp sẽ nhìn thấy mình cần làm gì và nhận lấy vai trò mà chúng tin là sẽ bảo vệ được chúng hoặc gia đình” - Vienna Pharaon
Nhưng đáng buồn thay, vai trò mà bạn từng đảm nhận có thể là thứ khiến bạn không được chữa lành. Nó có thể cản trở bạn khám phá, gọi tên và giải quyết một tổn thương sâu sắc hơn.
Theo Vienna, khi lớn lên, bạn sẽ có hai hướng phản ứng trước câu chuyện cội nguồn của mình. Thứ nhất là tiếp tục đóng vai trò mà bạn đã quen thuộc từ thời thơ ấu. Nếu từng là người cầu toàn trong gia đình, bạn có thể duy trì xu hướng cầu toàn của mình trong những mối quan hệ trưởng thành. Nếu từng là người chăm sóc cha mẹ hoặc anh chị em, bạn có thể vẫn cảm thấy mình buộc phải chăm lo cho nhu cầu của mọi người. Hoặc nếu từng là đứa trẻ vô hình trong gia đình, luôn có vai trò nhỏ bé và trầm lặng, rất có thể lớn lên bạn sẽ vẫn tiếp tục thấy khó khăn trong việc nói lên ý kiến của mình.
Nhưng còn một trường hợp khó nhận thấy hơn, đó là từ chối vai trò đã từng đảm nhận khi còn bé. Ví dụ, nếu bạn từng đóng vai trò là người tâm giao, hỗ trợ cảm xúc cho cha hoặc mẹ, điều đó có thể khiến bạn kiệt quệ, muốn từ chối mọi sự kết nối, gần gũi và nhạy cảm, khi lớn lên bạn sẽ không muốn chăm sóc tinh thần hay tâm sự thân mật với bạn đời nữa.
Bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy nhu cầu cảm xúc từ bạn đời hoặc bạn bè đều có thể khiến bạn nhớ rằng mình đã kiệt quệ thế nào khi phải chống đỡ cho người khác trong quá trình lớn lên, đến nỗi bạn đóng cửa lòng với tất cả những sự kết nối, gần gũi và nhạy cảm.
Để thoát khỏi hai kiểu phản ứng trên, bạn phải học cách chữa lành tận gốc vết thương của mình. Công việc của bạn là gọi tên, biết, cảm thấy và nhận ra tác động từ gia đình cội nguồn lên bản thân mình, rồi sử dụng nhận thức và hiểu biết đó như ngọn đuốc dẫn đường để tạo ra những thay đổi lành mạnh, lâu dài cho mình.
Như Vienna Pharaon đã chia sẻ trong cuốn sách "Phá vỡ khuôn mẫu": “Nếu muốn có những thay đổi lâu dài và thống nhất, bạn phải hiểu được những gì ẩn sâu bên dưới. Và bên dưới lớp vỏ bọc đó là những câu chuyện cội nguồn và nỗi đau chưa được giải quyết từ gia đình bạn, cần được chú ý nếu muốn có cơ hội sửa chữa và giải tỏa những gì đang xảy ra trong hiện tại. Nếu bạn không thể dễ dàng vượt qua những việc đang diễn ra trong hiện tại, thì chắc hẳn có một lý do cho điều đó. Quá trình chữa lành vết thương cội nguồn buộc chúng ta phải tìm hiểu về gia đình cội nguồn của mình, khám phá hoặc nhận diện những chỗ bị tổn thương, và gọi tên những gì chưa từng được gọi tên”.