Phil Knight (nhà sáng lập Nike) đã bắt đầu công việc bán giày chạy bộ vào năm 1964, nhưng ông vẫn giữ công việc kế toán cho đến tận năm 1969.
Sau khi phát minh ra máy tính Apple I phiên bản đầu tiên, Steve Wozniak bắt tay thành lập công ty với Steve Jobs vào năm 1976, nhưng ông vẫn tiếp tục làm việc toàn thời gian tại hãng Hewlett-Packard cho đến năm 1977.
Và mặc dù người sáng lập Google là Larry Page và Sergey Brin đã tìm ra cách thức cải thiện đáng kể các trình duyệt tìm kiếm Internet vào năm 1996, nhưng họ vẫn không từ bỏ việc nghiên cứu sau đại học tại trường Stanford cho đến năm 1998. Page cho biết: “Chúng tôi gần như chưa bắt đầu làm gì với Google, vì quá lo lắng mình sẽ bỏ dở chương trình tiến sĩ”.
Vào năm 1997, vì lo ngại công cụ tìm kiếm non yếu của họ sẽ khiến họ xao nhãng khỏi việc nghiên cứu, họ đã cố gắng bán Google với giá thấp hơn 2 triệu đô-la tiền mặt và cổ phiếu. (May mắn thay, những người mua tiềm năng đã từ chối đề nghị đó).
Thói quen duy trì công việc hằng ngày KHÔNG giới hạn sự thành công của nhà khởi nghiệp. Và không chỉ trong lĩnh vực kinh doanh, nhiều bộ óc sáng tạo có sức ảnh hưởng thuộc mọi lĩnh vực vẫn duy trì công việc toàn thời gian hoặc theo đuổi việc học, ngay cả sau khi đã có thu nhập từ các dự án lớn.
Nhà làm phim Ava DuVernay đã thực hiện 3 bộ phim đầu tiên của mình trong khi vẫn còn làm việc như một nhà báo. Bà chỉ theo đuổi nghiệp làm phim toàn thời gian sau khi đã làm phim được 4 năm và đạt được nhiều giải thưởng.
Brian May đang trong giai đoạn nghiên cứu tiến sĩ ngành vật lý thiên văn khi ông bắt đầu chơi guitar trong một ban nhạc mới, nhưng ông đã không từ bỏ công việc nghiên cứu đó cho đến vài năm sau để dành toàn bộ sự nghiệp cho ban nhạc rock Queen. Không lâu sau, ông đã viết bản nhạc We Will Rock You.
Người chiến thắng giải Grammy John Legend đã phát hành album đầu tiên của mình vào năm 2000, nhưng vẫn luôn làm việc với vai trò tư vấn quản lý cho đến năm 2002. Ông vẫn luôn chuẩn bị các bài thuyết trình trên PowerPoint vào ban ngày và biểu diễn vào buổi tối.
Nhà văn viết truyện kinh dị Stephen King từng là một giáo viên, người gác cổng, và nhân viên bơm xăng trong suốt 7 năm sau khi viết cuốn truyện đầu tiên của mình, và ông chỉ nghỉ việc sau khi cuốn tiểu thuyết đầu tay Carrie xuất bản được 1 năm.
Tại sao tất cả những hình tượng nổi trội về sự độc đáo kể trên vẫn giữ sự an toàn trong sự nghiệp của mình thay vì chấp nhận mạo hiểm?
Nửa thế kỷ trước, nhà tâm lý học Clyde Coombs thuộc trường đại học Michigan đã phát triển một học thuyết mang tính đột phá về rủi ro. Như trong thị trường chứng khoán, nếu bạn dự định bước vào một thương vụ đầu tư mạo hiểm, bạn sẽ tự bảo vệ mình bằng cách DUY TRÌ SỰ AN TOÀN ở các khoản đầu tư khác.
Coombs cho rằng trong cuộc sống hằng ngày, những người thành công đối mặt với rủi ro theo cách tương tự thông qua việc CÂN BẰNG giữa các danh mục đầu tư.
Khi chúng ta nhận lấy nguy cơ trong một khu vực, nhìn chung chúng ta sẽ có xu hướng bù đắp những rủi ro đó qua việc thận trọng hơn ở những lĩnh vực khác. Như nếu bạn dự định đặt rất nhiều tiền vào một ván bài, bạn sẽ lái xe với tốc độ chậm hơn trên đường tới sòng bạc.
Danh mục rủi ro giải thích tại sao chúng ta thường trở nên độc đáo ở một lĩnh vực, trong khi khá bình thường ở những lĩnh vực khác trong cuộc sống. Người sáng lập Polaroid, Edwin Land từng nhận xét: “Không ai có thể trở nên độc đáo trong một lĩnh vực mà họ không có được sự ổn định về mặt cảm xúc và xã hội ở tất cả các lĩnh vực khác”.
Bằng cách sở hữu một cơ sở tài chính vững vàng, chúng ta có thể thoát khỏi áp lực xuất bản sách chưa chín muồi, bán các tác phẩm nghệ thuật kém chất lượng, hoặc cho ra đời những phương thức kinh doanh chưa được kiểm nghiệm.
Nhưng quản lý danh mục cân bằng rủi ro không có nghĩa là cứ mãi “lơ lửng giữa dòng” bằng việc chấp nhận những rủi ro vừa phải. Thay vào đó, sự thành công độc đáo là chấp nhận mạo hiểm tối đa ở phạm vi này và thận trọng hơn ở những phạm vi khác. ✨ ✨ ✨
“Tư duy ngược dịch chuyển thế giới”: Cẩm nang tư duy ngược đời một cách thực tế và khả thi. Lọt top bán chạy New York Times. Được viết bởi Adam Grant - tác giả “Cho & nhận” & “Dám nghĩ lại”.
Adam Grant là nhà khoa học xã hội, có bằng cử nhân tại đại học Harvard, nằm trong danh sách 40 giáo sư kinh doanh dưới 40 tuổi tài năng nhất thế giới. Adam Grant diễn thuyết và tư vấn tại Google, Pixar, Facebook, Apple, Microsoft, Goldman Sachs…