Ông Hoàng Nam Tiến hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng Trường, trường Đại học FPT. Ông còn được biết đến với vai trò là nhà diễn giả, thường chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm đến mọi người, đặc biệt là những người trẻ.
Mới đây, trong talk Schoo'Life Talk, ông Tiến đã có những chia sẻ hữu ích xoay quanh việc học Đại học, hành trang cần chuẩn bị cho sinh viên, cách áp dụng trí tuệ nhân tạo.
Khi được đặt câu hỏi: "Với các bạn chuẩn bị bước vào cánh cửa Đại học, trở thành sinh viên thì đâu là điểm đang chờ đợi?", ông Hoàng Nam Tiến đã trả lời hóm hỉnh: "Đại học không phải là cấp 4. Ngày xưa, chúng tôi gọi THPT là cấp 3 và Đại học không phải cấp 4. Vào Đại học, bạn có học hay không là trách nhiệm của bạn, không phải trách nhiệm của thầy cô. Tại môi trường mới, lượng kiến thức do giảng viên truyền đạt là rất ít".
Vị Phó Chủ tịch Hồi đồng Trường lấy ví dụ về ngôn ngữ, ông khuyến khích sinh viên nên học song ngữ, tức là học tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Trung,... cùng với tiếng Anh. Đặc biệt với chuyên ngành được giảng dạy bằng tiếng Anh, sinh viên nên tìm hiểu sâu về văn hóa, nghệ thuật để có sự hiểu biết sâu sắc. Còn với các bạn học về ngành Kinh doanh, Quản trị thì sinh viên cần có tính thực tế, thực tiễn và thực chiến để khi ra trường tạo nên sự khác biệt.
Ông Tiến cũng bày tỏ, ngày nay trường học là môi trường trải nghiệm - nơi mà sinh viên được làm nhiều việc. Hãy làm tất cả có thể, thậm chí bị coi là hơi "điên rồ", ngông cuồng, phá phách trong 4 năm Đại học.
"Giá như được quay trở lại những năm tháng Đại học, tôi sẽ nghịch hơn xưa rất nhiều, sẽ trải nghiệm nhiều", ông Tiến nuối tiếc.
Trong nền giáo dục, chúng ta cần thích ứng, linh hoạt hơn trong thế giới đầy biến động. Nếu không, chúng ta khó tồn tại. Chỉ bằng sáng tạo, bạn mới tạo ra sự khác biệt, khác biệt so với trí tuệ nhân tạo, với AI.
Tiếp đó, ông Tiến mô tả chi tiết một số môn học cụ thể. Chẳng hạn như với Marketing, thầy giáo thay vì ngồi đọc bài giảng, thầy sẽ đưa ra 5 quyển sách của các tác giả hàng đầu thế giới và yêu cầu sinh viên đọc rồi trả lời câu hỏi: Marketing là gì? Marketing gồm những gì? Tại sao Marketing lại quan trọng?
Sinh viên sẽ chia từng nhóm, làm bài tập và trình bày. Các nhóm còn lại sẽ phản biện. Thầy giáo như vị trọng tài, vừa hướng dẫn vừa đưa ra định hướng. Các bạn sinh viên thay vì bỏ ra 3 đêm để đọc kỹ cuốn sách thì có thể áp dụng cách "đọc nhanh", tức là đọc 300 từ/phút - 1 trang giấy/phút. Ông Tiến bật mí bản thân có thể đọc 6 - 9 trang giấy/phút, tức là đọc 2500 - 2900 từ/phút.
Ông Hoàng Nam Tiến bùi ngùi: "Để làm được như vậy, tôi đã phải rèn luyện. Nhưng ngày hôm nay, công nghệ đã thắng tôi. Mặc dù tôi có thể đọc cuốn sách 300 trang/tiếng, ngày xưa được coi là rất cao thủ. Ngày hôm nay với trí tuệ nhân tạo, Chat GPT,... các bạn đã nhanh chóng 5 - 10 quyển sách chỉ trong không quá 2 phút. Công nghệ đã thay đổi như thế.
Ngày hôm nay, bài giảng có áp dụng trí tuệ nhân tạo, AI rất khác. Bài giảng sau 3 phút sẽ dừng lại và hệ thống trí tuệ nhân tạo sẽ đưa ra câu hỏi 'Trong 3 phút qua có những từ khóa gì?' và bài giảng lại tiếp tục, 3 phút sau đưa ra những câu hỏi mới.... Sau 3 lần bạn không trả lời được 50%, video sẽ quay lại từ đầu. Với video trí tuệ nhân tạo, bạn có thể học sáng, học chiều, học đêm, miễn là có thời gian. Không một thầy giáo nào có thể làm điều đó với 40 sinh viên, 400 sinh viên, 4000 sinh viên...".
Ông Tiến cũng chia sẻ thêm, với cách học áp dụng công nghệ, sinh viên có thể được nghe bài giảng không chỉ của giảng viên trong trường mà cả những giảng viên dạy tại trường top đầu thế giới, đồng thời áp lực rất lớn.
Thầy Lê Trường Tùng - Chủ tịch Đại học FPT có nói: "Trang bị khả năng tự học, tự nghiên cứu, tự phát triển cho sinh viên là điều quan trọng nhất của nhà trường, chứ không việc nhồi nhét càng nhiều kiến thức, công nghệ. Khả năng tự học mới đảm bảo sự phát triển lâu dài của sinh viên. Sinh viên cần bộc lộ khả năng làm chủ trí tuệ nhân tạo, tạo ra sự khác biệt chứ không phải dùng trí tuệ nhận tạo để tạo ra bài giải...".
Còn ông Tiến khuyên sinh viên nên biến trí tuệ nhân tạo thành 'con sen', 'osin' cho mình.
Theo Phó Chủ tịch Hồi đồng trường, giảng viên quan tâm đến 5 điều gồm: Kiến thức cơ bản; Năng lực sáng tạo; Năng lực giải quyết vấn đề; Khả năng team work. Tại Việt Nam, các bạn sinh viên khá thông minh, sáng tạo nhưng khả năng làm việc nhóm còn kém. Bởi các bạn không quen. Thế nhưng cuộc sống và công việc sau này, các bạn cần ứng phó. Ngày nay, những bạn sáng tạo, linh hoạt, thậm chí tách biệt sẽ có nhiều cơ hội trở nên xuất sắc.
Chính vì thế, các bạn đang học cấp 3 cần chuẩn bị rất nhiều điều như tâm lực, trí lực, thể lực. Tuy nhiên rất đáng tiếc nhiều bạn trong 12 năm phổ thông được đánh giá ở "Toán giỏi, Văn giỏi" nhưng công việc và cuộc sống sẽ đòi hỏi rất nhiều điều khác.
Ông Tiến lấy ví dụ có nhiều bạn học Văn kém nhưng có khả năng cảm thụ màu sắc, có bạn kém Toán nhưng có khả năng cảm thụ âm thanh, hay những bạn kém nhiều môn nhưng vận động cơ thể tốt vẫn được đánh giá cao. "Trong trường Đại học cần tôn trọng những cái tôi khác biệt. Bạn giỏi môn nào sẽ được định hướng phát triển, không còn bị đánh đồng bởi 'Văn giỏi, Toán giỏi'", ông Tiến bày tỏ quan điểm.
Nguồn: Youtube FPT UNIVERSITY